Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp

27/02/2020 08:39
Tùng Dương
(GDVN) - Quy chuẩn chỉ mới đề cập đến khía cạnh của an toàn cháy, còn vấn đề khác như các chương trình giáo dục đào tạo, rèn luyện thể chất...thì chưa thấy nói đến.

Thực trạng quá tải tại các trường học khu vực nội thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tồn tại nhiều năm qua, nhưng thực tế lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học mới.

Trong khi quỹ đất xây trường tại các đô thị ngày càng thu hẹp lại, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?

Giờ ra chơi của học sinh tại điểm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: Tùng Dương.
Giờ ra chơi của học sinh tại điểm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Ảnh: Tùng Dương.
Điểm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nằm sâu trong một con ngõ hẹp số 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.
Điểm Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nằm sâu trong một con ngõ hẹp số 18 phố Hàm Long, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết:

Tôi cũng được trực tiếp tham gia biên soạn Quy chuẩn 06 từ đầu, sau này cũng được giao nhiệm vụ là soát xét lại Quy chuẩn 06 năm 2010 và có dự kiến là ban hành lại trong năm 2020.

Vấn đề an toàn cháy nói chung trong một công trình xây dựng liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, từ mặt kiến trúc, kết cấu và ngay cả ý thức sử dụng của con người.

Ở đây việc quy định bố trí các khu chức năng thì quy chuẩn của các nước họ cũng đã có những nghiên cứu, tính toán xét đến đặc điểm sử dụng công trình cũng như các điều kiện hạ tầng của quốc gia đó.

Đi kèm với những quy định, ví dụ ở Mỹ cho đến 5 - 6 tầng thì còn quy định thêm về tiếp cận cho lực lượng chữa cháy, quy định về an toàn cấp điện, an toàn cấp nước cho các khu vực và cho các công trình. Họ cũng đã cân đối với tất cả những yếu tố đó nên đã đưa ra những quy định như vậy".

Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết: “Tôi cũng được trực tiếp tham gia biên soạn Quy chuẩn 06 từ đầu, sau này cũng được giao nhiệm vụ soát xét lại Quy chuẩn 06 năm 2010 và có dự kiến là ban hành lại trong năm 2020. Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết: “Tôi cũng được trực tiếp tham gia biên soạn Quy chuẩn 06 từ đầu, sau này cũng được giao nhiệm vụ soát xét lại Quy chuẩn 06 năm 2010 và có dự kiến là ban hành lại trong năm 2020. Ảnh: Tùng Dương.

Ông Giang cũng cho biết: "Đối với Việt Nam, những bức xúc về mặt bố trí các trường học lên cao, đặc điểm quy chuẩn Việt Nam là áp dụng cho toàn quốc, có nghĩa là các điều kiện ở địa phương có thể khác nhau.

Hướng đến ở đây là những yêu cầu tối thiểu về mặt tiện nghi, hoặc là tiện ích, yêu cầu tối đa về những vấn đề liên quan an toàn cho con người, đặc biệt là các em học sinh.

Đối với riêng những khu đô thị thì vấn đề đặt ra những nhu cầu về bố trí khác, các lớp học lên tầng cao nữa cũng đã xuất hiện rồi. Các yếu tố liên quan trong đô thị ở Việt Nam thì cũng còn nhiều tồn tại.

Bản thân tôi cũng đã cùng với Viện Khoa học Công nghệ xây dựng đi đến những địa điểm mà nơi đó họ có đề nghị được cải tạo và xây nâng thêm tầng, nhưng thực tế ngôi trường mầm non đó lại nằm trong ngõ sâu, lối đi hẹp dẫn đến việc xe chữa cháy không thể nào tiếp cận được nếu xảy ra sự cố.

Với những trường hợp và tình huống như thế thì việc đề nghị được cải tạo nâng tầng lên cần phải được xem xét rất kỹ, việc này nó liên quan đến vấn đề tính mạng con người, chứ không phải đơn giản các yếu tố về mặt kinh tế. Những vấn đề này cần xem xét về mặt tổng thể.

Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp ảnh 4

Nên bỏ quy định bố trí trường công lập theo địa bàn

Ngoài ra tôi cũng xin chia sẻ thông tin khi mà đưa ra được đề xuất cho phép nâng hay không cho nâng tầng, việc này chúng tôi cũng đã tham khảo tài liệu của các nước như Singapore.

Đây là một quốc gia cũng có vướng mắc về mặt diện tích đất, họ cũng đã nghiên cứu về vấn đề này từ những năm 1968 là xây các trường học cao đến 9 tầng.

Vấn đề Singapore rút ra là có thể đảm bảo được an toàn với các yếu tố về mặt vật chất cũng như mặt kỹ thuật, nhưng ngược lại những yếu tố về sự phát triển của trẻ nhiều khi lại bị vi phạm.

Quy định trường học phải có sân chơi, nhưng chỉ với 5 phút đồng hồ giờ ra chơi thì liệu những tiếp cận của trẻ với sân chơi ở dưới liệu có kịp thời gian, trong khi lớp học ở quá cao?

Ở đây trong quy chuẩn chỉ mới đề cập đến khía cạnh của an toàn cháy, còn các vấn đề liên quan khác như các chương trình giáo dục đào tạo, rèn luyện thể chất, sự tương tác giữa con người với môi trường… để đảm bảo được hiệu quả thì việc đó cũng cần phải có nghiên cứu thêm.

Tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An, tức là chúng ta có thể nới lỏng trong một số trường hợp, một số khu vực và trong một giai đoạn nhất định, nhưng không thể coi đây là việc phổ biến.

Tôi rất băn khoăn về tiêu chuẩn của học sinh Việt Nam hiện nay đang được hưởng, xét về tiêu chuẩn chiều cao trường học thì hiện nay tiêu chuẩn của chúng ta đang cao hơn so với các nước.

Học sinh của ta chỉ lên đến tầng 4 là đã tới lớp học rồi, nếu như bây giờ phổ biến cho nâng tầng lên, thì hóa ra mình đang giảm quyền lợi của trẻ em, chính vì vậy việc nâng tầng này cũng cần phải cân nhắc kỹ hơn”.

Tùng Dương