Thiếu minh bạch thông tin đất quy hoạch xây trường nên mới bị bớt xén

20/02/2020 06:05
Tùng Dương
(GDVN) - Trường mẫu giáo, tiểu học, trung học ... phải bám vào dân cư. Cứ tính theo số dân từng khu và cho xây một trường ở đó, trường công lập hay tư thục đều được.

Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”.

Video: Họ tận dụng từng chút một, xén bớt đất trường học

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14 đã đến dự và chia sẻ quan điểm: “Vấn đề thiếu đất để xây trường là hiện tượng phổ biến của cả nước, chứ không phải chỉ riêng của Hà Nội.

Tôi nhấn mạnh là vì sao đất dành cho dân sinh như trường học, bệnh viện, công viên, đất cho cây xanh…chưa được làm quyết liệt.

Có dự án bất động sản giá tiền một căn hộ lên tới 1 triệu đô la, tôi đã đứng tại tòa nhà đó và nghe chủ đầu tư báo cáo.

Tôi đã phát biểu tại Quốc hội là học sinh lớp 3 cũng có thể thể tính ngay ra lợi nhuận. Họ tận dụng từng chút một, xén bớt đất cây xanh, xén bớt đất trường học.

Phải nói thẳng là khi đệ trình trong quy hoạch họ có đủ hết thì mới được phê duyệt, ví dụ bao nhiêu nghìn dân là phải có bao nhiêu mét vuông cho các loại đất khác như trường học, công viên…

Thiếu minh bạch thông tin đất quy hoạch xây trường nên mới bị bớt xén ảnh 1

Quy hoạch mạng lưới trường học cần lắng nghe ý kiến các trường

Nhưng sau đó bằng cách đi của họ, họ cứ xén bớt từng chút một. Nhưng tôi phải nói là Quốc hội biết việc đó, đoàn giám sát đã có kết luận về việc đó và đã nghiêm cấm, việc này cũng đã được ghi vào biên bản.

Luật có quy định là quy hoạch phải công khai, một trong những cái tham nhũng được là do không công khai, thiếu minh bạch. Tại sao ở những khu đất được phê duyệt quy hoạch lại không được treo bảng quy hoạch công khai?

Bây giờ thì trường học và bệnh viện phải nên như thế nào? Trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…phải bám vào dân cư. Cứ tính theo số dân từng khu và cho tổ chức một trường ở đó, công lập hay tư thục đều được, miễn là phải đảm bảo có trường.

Vì sao đường của mình hay tắc? Suốt ngày các phụ huynh cứ phải đưa đi đón về con em mình. Nếu như học ngay ở khu mình sinh sống thì tiện lợi biết bao nhiêu.

Bên cạnh đó các bệnh viện lớn thì phải chuyển ra xa, không được nằm trong nội thành. Các trường đại học phải chuyển đến các khu xa thành phố, vì sinh viên lớn rồi và việc của sinh viên là học tập, nghiên cứu. Nhưng còn trường cấp 1, cấp 2 thì phải bám vào khu dân cư.

Liên quan đến vấn đề xây dựng nói chung, tôi thấy chỉ có các dự án thương mại có lãi nhiều mới được quan tâm. Còn các dự án liên quan đến xây dựng trường lớp…thì chưa được quan tâm quyết liệt, và đất đó cứ bị xén bớt. Tôi khẳng định điều này”.

Đến dự buổi tọa đàm có các đại biểu:

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest.

Tùng Dương