Bây giờ vẫn chưa phải thì bao giờ?

01/01/2020 08:00
Xuân Dương
(GDVN) - Từ biệt năm 2019, những người quan tâm đến giáo dục có cách đánh giá của riêng mình về thành công và thất bại.

Dưới bất kỳ triều đại nào, lo cho dân cũng là lo cho thể chế. Lo cho dân không có nghĩa chỉ là cơm ăn, áo mặc mà phải là lo về giáo dục, y tế, văn hóa,… trong đó giáo dục đứng vị trí số một.

Muốn kinh tế phát triển thì giáo dục không thể kém cỏi.

Các nước phát triển, các tổ chức quốc tế trong đó có UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) đều thống nhất nhận định: “Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công (Education is the key to success)”.

Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công (ảnh chưa rõ tác giả)
Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công (ảnh chưa rõ tác giả)

Giáo dục theo ý nghĩa thông dụng là đào tạo nhân lực và nhân tài, tuy nhiên ở Việt Nam còn thêm một hệ thống trường lớp chỉ nhằm đào tạo cán bộ lãnh đạo, khác với các nước tư bản phát triển chỉ có một hai trường hành chính công như Pháp, Singapore,…

Trong hai vụ đại án AVG và Tisco 2, chỉ cần một nhóm nhỏ lãnh đạo tham nhũng, trục lợi đã khiến ngân sách có khả năng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Giáo dục là chìa khóa chứ không phải công cụ sản xuất.

Nhận thức đúng vai trò “chìa khóa” của giáo dục nghĩa là phải thực sự hiểu rằng giáo dục không phải là lĩnh vực để các nhóm lợi ích đào mỏ, không được phép coi giáo dục là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận vật chất hay cơ cấu “trục lợi danh dự” thông qua cách trao các học hàm, học vị.

Nhưng không thể không đặt vấn đề, rằng đã là “chìa khóa” thì phải có người cầm chìa, vậy người cầm “chìa khóa giáo dục” mới là người quyết định mở cánh cửa thành công hay với chiếc “chìa khóa thần kỳ” mang tên giáo dục, ai mở cũng thế?

Giáo dục – vì đâu nên nỗi truân chuyên?
Giáo dục – vì đâu nên nỗi truân chuyên?

Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian vừa qua có tới 39 đề tài cấp nhà nước trải rộng khắp các lĩnh vực để phục vụ cho thiết kế chính sách giáo dục. [1]

Đề tài cấp nhà nước chắc không thể trùng lặp, với 39 đề tài đương nhiên sẽ có 39 vấn đề khác nhau được nghiên cứu và người đóng thuế hy vọng cả 39 đề tài này sẽ được áp dụng chứ không phải sau khi bảo vệ thành công sẽ được cất vào góc tủ.

Không biết trong 39 đề tài, có đề tài nào nghiên cứu biện pháp loại trừ bệnh thành tích, bệnh gian lận (điểm thi, bằng cấp,…) hoặc hiện tượng ngồi nhầm chỗ của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục.

Dẫu còn nhiều trăn trở nhưng không có nghĩa là đánh mất hy vọng.

Ngay từ năm 1945, Chính phủ đã ban hành hàng loạt Pháp lệnh về giáo dục, tuy nhiên phải đến năm 1998, Quốc hội mới ban hành một bộ luật đầy đủ về giáo dục (Luật số 11/1998/QH10).

Năm 2005 và 2019, sau quá trình chỉnh sửa công phu các bộ Luật Giáo dục lần lượt được ban hành. Luật số 43/2019/QH14 sẽ có hiệu lực từ 01/07/2020.

Dù có luật hay không thì người Việt vẫn có truyền thống về giáo dục, trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, điều này được ghi nhận như là yếu tố tiên quyết cho những gì mà giáo dục hôm nay đạt được:

“Những thành tựu và kết quả nói trên, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc;…”.

Liên kết hay “mafia Giáo dục?”
Liên kết hay “mafia Giáo dục?”

Đường lối, chủ trương đã rất rõ ràng, việc luật hóa cũng đã được thực hiện (tuy còn thiếu một số văn bản dưới luật) vấn đề còn lại là chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với cơ quan chấp hành là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người Việt không chỉ hiếu học, sự thông minh của người Việt là không thể phủ nhận dù quốc tế vẫn có những đánh giá chưa trùng khớp.

Một thống kê của Richard Lynn và Tatu Vanhanen vào năm 2006 cho thấy chỉ số thông minh (IQ) của người Việt là 94, xếp thứ 46 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. [2]

Mười năm sau, vào năm 2015 trong báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra, “Việt Nam xếp thứ 12 trong số các quốc gia thông minh nhất thế giới”. [3] 

Năm 2006, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 780 USD, năm 2015 con số này là 2.065 USD.

Giữa chỉ số thông minh và tăng trưởng kinh tế, đâu là con gà, đâu là quả trứng?

Chấp nhận xếp hạng của quốc tế, sự thông minh của người Việt tăng mấy chục bậc sau 10 năm chắc chắn không phải nhờ sự đột biến gen, nhưng nói đó là thành quả của giáo dục liệu có ổn?

Người Việt hội tụ sẵn hai yếu tố thông minh, hiếu học, nếu giáo dục chưa trở thành chìa khóa thành công thì phải chăng cần một đề tài cấp nhà nước để tìm xem rào cản nằm ở ngóc ngách nào trong ngôi nhà thể chế?

Nếu có một đề tài như thế thì liệu các nhà khoa học chân đất có thể mon men tới gần hay phải là các chức sắc hàn lâm đang ngự trong tòa lâu đài đầy ắp danh vọng?

Giáo dục Việt Nam và bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven
Giáo dục Việt Nam và bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven

Không phải tìm đâu xa, vẫn với lứa cầu thủ đào tạo trong nước, thế giới phải công nhận môn bóng đá nam của Việt Nam tiến bộ vượt bậc từ sau khi huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo dẫn dắt các đội tuyển quốc gia.

Và dù vui đến mấy khi đội tuyển nữ quốc gia 06 lần vô địch Sea Games thì cũng không khỏi chạnh lòng khi lứa cầu thủ của chúng ta tầm vóc nhỏ bé hơn đối thủ, có người phải vắt kiệt sức (sau trận đấu phải vào bệnh viện) để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Con người Việt Nam là như thế, thông minh, hiếu học cộng với ý chí quật cường sẵn sàng cống hiến cho tổ quốc, thế nên lỗi không phải ở phía người dân.

Liệu có thừa không khi lặp lại câu hỏi: “Phải chăng sự thua kém của chúng ta về kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể thao,…so với thế giới bắt nguồn từ những sai lầm trong giáo dục?”.

Nếu coi trọng bồi dưỡng thể chất, giáo dục nhân cách cho con em chúng ta ngay từ bậc mầm non thì liệu tầm vóc người Việt có thấp bé, thói ích kỷ có tràn lan và cách thức làm việc theo nhóm có kém cỏi như hiện nay?

Nếu thừa nhận giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công thì những ung nhọt làm giáo dục mắc trọng bệnh phải được mổ xẻ, cắt bỏ. 

Xét về quy mô địa giới, số người mắc sai phạm và ảnh hưởng chính trị, vụ gian lận điểm thi năm 2018 xứng đáng là một đại án nhưng khi chia nhỏ ra để các địa phương tự xét xử thì lại trở nên bình thường, thậm chí tại Hà Giang còn là không bình thường. 

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật ông Triệu Tài Vinh có phải là sự mở đầu cho chiến dịch gom “củi” trong lĩnh vực giáo dục?

Nếu có một đại án về giáo dục thì chắc dư luận sẽ hoan hỉ chờ đợi.

Chờ trong hy vọng chứ không phải sự chờ đợi khắc khoải trong tuyệt vọng.

Trong khi chúng ta còn loay hoay tiếp cận với 4G, 5G thì thế giới đã xuất hiện ý tưởng đánh thuế robot. Đội quân robot không chỉ tạo ra lợi nhuận khủng cho chủ doanh nghiệp mà còn cạnh tranh việc làm với chính con người.

Đánh thuế robot lấy tiền trợ cấp thất nghiệp hoàn toàn không phải là ý tưởng viển vông. Thế nhưng tại Việt Nam có nơi, có lúc chính quyền trả lương cho nhà giáo chỉ 1,2 triệu đồng một tháng, vậy thì cần 4G, 5G để làm gì?

Giáo dục chỉ có thể trở thành chìa khóa cho thành công khi nó thực sự là cánh chim bay cao và bay trước cả đàn. 

Tiếc rằng cánh chim giáo dục lại không thể cứng cáp chỉ nhờ vào những ngôn từ đẹp trên cả hoa mỹ. Giáo dục cần bộ tham mưu dũng cảm nhìn xuống và nhìn ngang hơn là chỉ biết ngước mắt nhìn trời. 

Các tín đồ thường nói “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rôm”, ở Việt Nam chỉ khi nào thống nhất quan điểm “Mọi ưu tiên đều dành cho giáo dục” thì lúc đó mới có thể nghĩ đến câu khẩu hiệu “Giáo dục là chìa khóa dẫn tới thành công”.

Các chiến lược gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự cộng tác của chuyên gia quốc tế xây dựng báo cáo tầm nhìn đến năm 2035 của Việt Nam (Việt Nam 2035) gần như không đả động gì đến giáo dục thì cũng có nghĩa giáo dục không phải là mối quan tâm hàng đầu ít nhất là của những người làm kế hoạch và đầu tư. 

Báo chí đăng một ý kiến: “Tôi định làm chiến lược giáo dục đến năm 2035 nhưng thấy chưa phải”. [4]

Bây giờ vẫn “chưa phải” thì bao giờ mới phải?

Có lẽ khi nào không còn “ba phải”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/media/bo-truong-phung-xuan-nha-nam-2019-la-den-do-500830.html

[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_IQ_qu%E1%BB%91c_gia_theo_%C6%B0%E1%BB%9Bc_t%C3%ADnh_c%E1%BB%A7a_Lynn_v%C3%A0_Vanhanen_(2002,_2006)

[3] http://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/viet-nam-xep-thu-12-trong-so-cac-quoc-gia-thong-minh-nhat-the-gioi-76287

[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/media/bo-truong-phung-xuan-nha-nam-2019-la-den-do-500830.html

Xuân Dương