Công chức, công cốc và căn bệnh khiếm thính

18/08/2014 06:49
Xuân Dương
(GDVN) - Nhân nhắc tời kỳ thi tuyển công chức ở Bộ Công Thương, chợt nghĩ đến hai từ ghép đều bắt đầu bằng chữ “công” là “công chức” và “công cốc”.

“Công chức nhà nước” ngày nay là niềm mơ ước của phần lớn những người được đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học. Không có bằng cấp đừng mơ được tuyển dụng dù chỉ là công chức cấp xã. 

Còn từ  “công cốc” ngoài việc gợi ý cho người nghe động tác gõ vào vật gì đó thì lại còn có nghĩa tương đương với các từ “công toi”, “công dã tràng”.

Có thể sẽ có bạn đọc thắc mắc, sự liên tưởng giữa “công cốc” với “công chức” có vẻ chẳng ăn nhập gì, sao lại đưa vào bài viết? Xin giải thích rằng hai từ này chẳng những liên quan đến nhau mà còn liên quan đến từ thứ ba cũng bắt đầu bằng chữ “công” ấy là “công thương”. 

Từ 7 giờ sáng ngày 14/8, hàng trăm người đã có mặt trước khu vực cổng Cục Thuế thành phố Hà Nội xếp hàng kín vỉa hè - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Từ 7 giờ sáng ngày 14/8, hàng trăm người đã có mặt trước khu vực cổng Cục Thuế thành phố Hà Nội xếp hàng kín vỉa hè - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Gần đây có nhiều ý kiến của báo giới và quan chức cho rằng, phải hủy toàn bộ kết quả kỳ thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường Bộ công Thương do có gian lận thi cử. Một khi đã bị hủy thì cái viễn cảnh tười đẹp “công chức nhà nước” cùng  bao nhiêu sự  “chuẩn bị” của một số thí sinh (đã trúng tuyển) và “phụ mẫu” của họ chẳng thành công cốc thì là gì?

Như tìm hiểu của báo Tiền Phong ngày 9/8/2014, nếu kết quả thi bị hủy thì ảnh hưởng đến 10 người trong đó năm người có thể là bị vạ lây, tuy nhiên cái cách thức thi tuyển công chức theo môtip giống như ở Bộ Công Thương thì ảnh hưởng đến hàng nghìn, hàng vạn người chứ không phải chỉ là mười người.

Các loại “thi” ở nước ta hiện nay, tuy chưa đủ số liệu để khẳng định là “đại dịch”, nhưng nói rằng rất ít tiêu cực, gian lận thì đó chỉ là suy nghĩ của mấy vị đang đóng đinh giữ ghế, còn người trung thực chẳng ai không lắc đầu ngao ngán. 

Để chứng minh xin nêu một vài dẫn chứng thuộc các “chủng loại” khác nhau từ thấp lên cao, chẳng hạn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Đồi Ngô - Bắc Giang, thi cao học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa, thi hộ môn tiếng Anh đầu vào cho nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Đoàn Hữu Thanh - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng KHCN Hải Phòng, Trần Tiến Hùng - Phó giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế), thi ở lớp đào tạo cán bộ dự nguồn của trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nộị (nhân viên sở Tài nguyên – Môi trường Phan Thanh Quang làm bài thi hộ Phó Giám đốc sở Nguyễn Trọng Đông)… Các loại thi khác mang tính giải trí như thi hoa hậu, thi giọng hát, thi đầu bếp… vì không cùng “đẳng cấp” với kiểu thi “trí tuệ” nên không đề cập ở đây.

Nói thế để thấy, chuyện thí sinh Trần Hưng Thái tố cáo có gian lận trong thi tuyển công chức ở Bộ Công Thương chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện”, nếu viết ra thì cả trăm trang giấy cũng không hết, còn nếu cần dẫn chứng thì chỉ một phút tìm kiếm sẽ có cả nghìn bài báo về chủ đề này. 

Ngoài kiểu thi “trí tuệ” như đã nêu, còn một loại “thi” khác tuy không gọi là thi nhưng thực chất cũng là thi ấy là đấu thầu các dự án. Cái nhỏ thì vài trăm triệu, nhỡ nhỡ thì vài tỷ còn dự án lớn có thể đến năm bảy trăm tỷ như con đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội (dài 547 mét, đầu tư hơn 642 tỷ) vừa khánh thành đã phải đào vỉa hè làm lại!

Ngành Du lịch Việt Nam khi tuyên truyền ra nước ngoài đã dùng hình tượng hoa sen và một câu slogan (khẩu hiệu) rất hay: “Vietnam - the hidden beauty” (Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn). Vẻ đẹp tiềm ẩn thì phải sang Việt Nam mới cảm nhận được, nhưng thật khó để nói, dù không đặt chân đến Việt Nam, người nước ngoài lại không được thưởng thức món đặc sản “đấu thầu”. Chẳng thế mà báo chí Nhật Bản, rồi Bộ Ngoại giao, rồi Chính phủ nước này phải tốn nhiều giấy mực cho hai vụ “bôi trơn” ầm ĩ ở dự án Đông - Tây TP. Hồ Chí Minh và đường sắt trên cao ở thủ đô Hà Nội. 

Chưa hết, tại hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3/7/2014, có đại biểu đã phải kêu lên: “Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án ở Việt Nam. Khi đấu thầu quốc tế rộng rãi thì chỉ có các nhà thầu Trung Quốc tham gia, các nhà thầu nước khác không muốn tham gia nữa”. Câu hỏi tất yếu phải đặt ra tại hội thảo là: “Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc như vậy. Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”. [1]

Có lẽ nhận định: “Các nhà thầu nước khác không muốn tham gia nữa” là hơi một chiều, hơi “phiến diện”, điều này người viết chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng có một điều có thể thấy rõ là ngược với các nhà đầu tư nước ngoài, dòng người Việt xuất ngoại học tập, nghiên cứu ngày càng gia tăng, không ít trong số đó không muốn trở về quê hương.

Báo Tổ Quốc, cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch viết: “Sau khi quán quân mùa thứ 14 của Đường lên đỉnh Olympia đăng quang, người ta đã tổng kết 13 nhà vô địch của cuộc thi này đang ở đâu? Hóa ra chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia”. Không phải chỉ các quán quân Olympia, ngay cả các thủ khoa đại học nhận học bổng ra nước ngoài học, sau khi tốt nghiệp nhiều người cũng ở lại xứ tây như trường hợp thủ khoa ĐH Ngoại Thương năm 2008 Lê Sơn Phong, chàng thanh niên này đang làm việc cho một công ty tại New Zealand… 

Không chúc mừng nhưng cũng không nên trách cứ những quán quân Olympia, những thủ khoa đại học không trở về tổ quốc. Hầu hết số đó chưa đạt đến tầm để có thể gọi là nhân tài đất Việt, mà nếu có thực sự là nhân tài như Đặng Thái Sơn, như Ngô Bảo Châu, trở về nước thi công chức, viên chức như cách thi tại Bộ Công Thương liệu họ có đỗ?

Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên Frédéric Chopin, Đặng Thái Sơn được phong nghệ sĩ nhân dân, nhưng ngay cả danh hiệu cao quý đó cũng không níu kéo được Đặng Thái Sơn ngừng nhập quốc tịch nước ngoài, trở thành công dân Canada. 

Cách thức tuyển dụng viên chức, công chức hiện nay không phải chỉ có ở Bộ Công Thương mà phổ biến ở nhiều cơ quan, đoàn thể, trừ các doanh nghiệp tư nhân. Nền tảng của nó, như báo chí và một số lãnh đạo đề cập, gói gọn trong bốn từ: “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ”. 

Giả thử cho rằng cả bốn tiêu chuẩn liên quan đến vần “ệ” nêu trên có vai trò ngang nhau thì tuyển dụng 10 người sẽ chỉ có 2,5 người là thuộc hàng “trí tuệ”. Vì không thể có 2,5 người nên phải làm tròn, thôi thì ăn gian một tí, nghĩa là trong mười người được tuyển dụng, cứ ba người trí tuệ thì còn lại bảy người thuộc vào loại “ệ”. Hy vọng rồi thì trong quá trình công tác trong số bảy phần mười ấy sẽ có người ngộ ra được điều gì đó mà chuyển sang bậc cuối, bậc  “trí tuệ”, để con số sẽ là năm mươi - năm mươi.

Tại Trung Quốc, từ xa xưa đã tồn tại khái niệm “Thái tử đảng”, thuật ngữ “Thái tử đảng” thường được dùng để chỉ tập hợp các thế lực chính trị tập trung quanh Thái tử, người sẽ kế vị Hoàng đế trong tương lai, nói nôm na “thái tử đảng” là phe nhóm của thái tử. Ngày nay ở Trung Quốc “Thái tử đảng” không còn nhưng lại xuất hiện một nhóm mới gọi là “Thái tử đỏ”. 

TintucOnline dẫn tin từ Minh Báo cho biết, ngày 9/7/2014 hơn 200 nhân vật là con cháu các nguyên lão cách mạng của Trung Quốc đã tổ chức hoạt động tại Lễ đường chính hiệp ở thủ đô Bắc Kinh. Hậu duệ của những “nguyên lão tiền triều” Trung Quốc nếu không có địa vị cao ngất ngưởng như Tập Cận Bình thì cũng là những tỷ phú tiền tiêu như rác.

Có câu hỏi thật ngây thơ là vì sao người ta lại chen vai hích cánh để thi công chức, sao không kiếm một nghề gì đó miễn là bảo đảm cuộc sống gia đình?

Nói là “câu hỏi ngây thơ” vì ngày nay những tấm gương “kiệm chính, cần liêm” không thiếu để bạn trẻ nhìn vào, chẳng hạn bác Giám đốc nọ ở TP. Hồ Chí Minh phải tiết kiệm, nhịn ăn, nhịn mặc suốt gần 20 năm mới có được 1,6 tỷ mua nhà cho con, thế mà bị trộm lấy mất, hay như bác Giám đốc sở khác ở Bắc Cạn bị trộm khoắng có hơn một tỷ, rồi thì bác Giám đốc sở ở Đắc Lắc nghe nói mất mấy chục cây vàng tương đương có ba tỷ. 

Nếu không thể tiết kiệm vì công chức thu nhập chỉ có “mấy cọc, mấy đồng” thì lại được dân thương, được mẹ nuôi, em kết nghĩa giúp đỡ, đấy chẳng phải là các gương sáng cho những người trẻ noi theo đó sao, hèn gì mà họ xếp hàng tắc cả giao thông đường Giảng Võ để nộp hồ sơ thi công chức vào Cục Thuế Hà Nội.
Thi tuyển công chức chính là tuyển chọn người tài giúp dân, giúp nước, nhưng liệu có nhiều người tài để tuyển hay lại chỉ “bó đũa chọn cột cờ”? 

Sống ở nước ngoài nhiều năm, người viết hiểu rõ nỗi u hoài của người xa xứ, người phương tây có câu ngạn ngữ: “mọi nơi bạn sống đều tốt, nhưng quê hương là tốt nhất”. Muốn những người con xa xứ  trở về, đừng bắt họ phải chịu cảnh bất công khi thi tuyển công chức như tại Bộ Công thương, cũng đừng bắt họ phải chờ cả ngày bên vỉa hè chỉ  được nộp hồ sơ dự thi công chức. 

Nguyên Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy cho rằng: “Cũng giống như Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc, lợi thế so sánh của Việt nam nằm ở con người - đó là một lợi thế rất mạnh: không giới hạn, luôn sáng tạo và có thể nâng cao năng lực hơn nữa. Vấn đề là Việt Nam phải có một hệ thống giáo dục tốt hơn".

Dù hệ thống giáo dục có tốt đến mấy, dù đào tạo được rất nhiều tài năng nhưng họ lại không được trọng dụng, không có sự đảm bảo một cuộc sống vật chất tương xứng thì mãi mãi đất nước chỉ là một xóm nghèo sống bằng nghề gia công hàng cho nước ngoài.

Chuông báo động đã reo từ lâu  nhưng bệnh viện tai mũi họng thì lại mới có chủ trương thành lập do vậy chữa bệnh khiếm thính chắc còn phải chờ. Hy vọng ngành Y sẽ tập trung đào tạo chuyên khoa về “tai” để chữa trị căn bệnh “không nghe rõ” đang ngày càng lan rộng mà chưa có thuốc đặc trị./.

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://www.thesaigontimes.vn/117035/

Xuân Dương