Một bài báo nước ngoài mô tả nước Mỹ khi đại dịch Covid-19 hoành hành như sau:
“Số người chết vì Covid ở Mỹ cao nhất thế giới, 427 nghìn người trong năm cuối của nhiệm kỳ chính quyền Trump. Đến nay, sau 5 tháng với Tổng thống Joe Biden số tử vong lên 611 nghìn và 34 triệu người Mỹ nhiễm bệnh”.
Để chống lại Covid-19, nước Mỹ đã vận động dân chúng tiêm vaccine và một trong các tiểu bang đã đưa ra chính sách:
“Tiểu bang California dành 116 triệu 500 nghìn đôla cho xổ số khuyến khích dân tiêm ngừa Covid. Bất cứ ai từ 12 tuổi trở lên và đã chích ngừa ít nhất một mũi đều được tham gia rút thăm trúng thưởng”.
Nước Mỹ có dân số gần 330 triệu người, Việt Nam dân số gần 100 triệu người.
Số người mắc Covid-19 tại Việt Nam đến nay chưa đến 10.000 người và số bị chết chưa đến 100 người. Nêu vài con số để thấy chiến lược khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam trước và trong đợt bùng phát thứ 4 đã đạt được những kết quả khiến người dân tin tưởng và thế giới phải thán phục.
Tuy nhiên, khi Covid-19 lan đến các khu công nghiệp tập trung tại Bắc Ninh, Bắc Giang hoặc các thành phố quan trọng về kinh tế, chính trị thì Nhà nước, Chính phủ đã có những thay đổi chiến lược, tuy chưa muộn song cũng không sớm.
(Ảnh minh họa: NYT) |
Thuật ngữ “Covid-19”, theo giải thích của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, “co” là viết tắt của từ corona, “vi” là viết tắt của từ virus, “d” là viết tắt của từ tiếng Anh “disease” nghĩa là “bệnh”, còn “19” là để chỉ năm 2019 – khi lần đầu tiên nhân loại phát hiện dịch bệnh này tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc.
Từ Corona trong tiếng Latin có nghĩa là “hào quang, vương miện”, cũng còn có nghĩa là “vừng ánh sáng, quầng ánh sáng”.
Người ta đặt tên cho loại virus chết người này là Corona bởi dưới kính hiển vi điện tử, chúng có hình ảnh như vương miện hoặc hình dáng như vừng nhật hoa (“Hoa mặt trời”, gần giống như hoa Hướng Dương).
Virus gây nên đại dịch Covid-19 không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc kính hiển vi thông thường, nó không phân biệt biên giới quốc gia, sự giàu nghèo, địa vị xã hội, giới tính,… nên nhân loại, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại đều ngồi chung trên một con thuyền.
Những nước giàu, dù đã tiêm chủng cho phần lớn dân số nước mình cũng không thể cho rằng họ sẽ không bị tái dịch bởi virus luôn biến đổi thành các chủng mới và biên giới không có ý nghĩa với các loài sinh vật mang theo mầm bệnh sống di cư theo mùa.
Chiến lược khoanh vùng, dập dịch của Việt Nam đã áp dụng thành công với những đợt bùng phát trước nhưng liệu sẽ vẫn mang lại hiệu quả khi đại dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài?
Chống dịch nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng nếu cách ly cả khu công nghiệp với hàng chục vạn lao động thì người lao động sẽ không có việc làm, không có thu nhập, vậy thì họ sẽ sống bằng gì?
Báo Laodong.vn viết: “Vì đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang mất đi 2.000 tỉ đồng mỗi ngày và 140.000 lao động phải nghỉ việc. Con số gây sốc đó được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nêu tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chiều 30.5. Nó cho thấy tác động của dịch COVID-19 lớn đến mức nào, nhất là khi nó hoành hành tại các khu công nghiệp”. [1]
Với nông dân, tháng 2/2021, do dịch bệnh Covid-19 thương lái không đến địa phương mua hàng, tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đã diễn ra tình trạng:
“Trắng đồng củ cải, đỏ ruộng cà chua... không ai thu hoạch”. [2]
“Không ai thu hoạch” nghĩa là nông dân đành vứt bỏ nông sản tại ruộng bởi củ cải hoặc cà chua không thể ăn trừ bữa.
Rõ ràng là phương pháp khoanh vùng, dập dịch có ý nghĩa trong ngắn hạn và trung hạn nhưng dài hạn cần phải có chiến lược khác bởi không thể bắt trẻ em suốt ngày ngồi nhà học bài theo hình thức trực tuyến, không thể ngừng sản xuất, không thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm cho nước ngoài khiến tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Những tấm lòng hảo tâm, những bữa cơm miễn phí không thể duy trì lâu dài khi thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng theo chiều hướng cực đoan.
Mặt khác, cũng đã xuất hiện những ì xèo về việc om tiền cứu trợ hoặc phát ngôn thiếu suy nghĩ của một số người khi nhận ủy thác tiền đi làm từ thiện.
Cách chống dịch từ khi bùng phát đến nay mang lại hiệu quả song hoàn toàn thụ động và vì vậy chuyển sang chủ động chống dịch bằng cách tiêm vaccine, tạo nên trạng thái “miễn dịch cộng đồng” là chiến lược đúng đắn không chỉ hiện tại mà cả tương lai lâu dài.
Với tinh thần đó Đảng, Nhà nước đã đưa ra chủ trương và Chính phủ đã thành lập “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19” nhằm huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch.
Để đạt miễn dịch cộng đồng, chúng ta phải tiêm chủng cho khoảng từ 70 - 75 triệu người, và cho đến nay vũ khí vaccine chống đại dịch COVID-19 vẫn phải mua từ nước ngoài bởi chúng ta còn đang thử nghiệm giai đoạn 2.
Sự chung tay của toàn dân là cần thiết nhưng không thể thay thế vai trò của Nhà nước. Tiềm lực kinh tế của Việt Nam chưa thể so với các nước giàu và vì thế không thể đặt trọng tâm vào mua vaccine của nước ngoài như một số quốc gia dân số không đông như Singapore, hoặc các nước xuất khẩu dầu mỏ khu vực Trung Đông.
Việt Nam với gần 100 triệu dân không thể cứ mang ngoại tệ đi nhập thuốc nếu biết rằng chỉ một loại vaccine Sputnik V tính ra tiền Việt đã khoảng 280.000 đồng một liều hai thành phần, để mua 150 triệu liều (đủ cho 75 triệu dân) tiêm phòng sẽ cần một số tiền rất lớn.
Trước mắt, động viên sự chung tay của người dân cả nước là cần thiết với mục tiêu mua được càng nhiều vaccine càng tốt trong những tháng còn lại của năm 2021.
Với tinh thần đó, tối 05/06/2021 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức công bố ra mắt “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19”.
Với sự tham dự của một số Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tại buổi công bố, có thể thấy đây là một quỹ mang tầm quốc gia.
Với những người được tiêm chủng, thời hạn hiệu nghiệm chỉ là 06 tháng đến 1 năm. “Các cuộc thử nghiệm đang diễn ra của hãng Pfizer cho thấy vaccine COVID-19 hai liều của họ vẫn có hiệu quả cao trong ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn. Giám đốc điều hành của Pfizer - Albert Bourla - hôm 1.4 từng tuyên bố rằng mọi người "có khả năng" cần liều tăng cường thứ 3 trong vòng 12 tháng và thậm chí có thể phải tiêm định kỳ hàng năm”.
Như vậy, ngay cả khi mua đủ vaccine tiêm cho 75 triệu người trong năm 2021 thì sang năm 2022 vẫn phải tiêm nhắc lại hoặc hàng năm phải tiêm định kỳ.
Về lâu dài chúng ta vẫn phải nghĩ đến những giải pháp căn cơ. Truyền thống yêu nước của dân tộc là nguồn vốn vô cùng quý báu nhưng cần phải động viên đúng lúc, đúng cách và bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể quên lời khuyên “Khoan thư sức dân” mà tiền nhân để lại.
Muốn thế cần giảm bớt thất thoát các nguồn thuế, chấm dứt sự lãng phí trong đầu tư những khoản không hoặc chưa cần thiết như quảng trường, tượng đài. Giảm tối đa số nhân sự khổng lồ của hệ thống chính trị đang hưởng lương từ ngân sách bằng cách sáp nhập các đơn vị hành chính nhỏ, các tổ chức, đoàn thể,… Chấm dứt hiện tượng mỗi kỳ họp là hội trường như một nơi trưng bày hoa, mỗi lần động thổ là những máng cát với hàng chục chiếc xẻng quấn giấy đỏ trắng mà chẳng chiếc xẻng nào chạm xuống đất,…
Chính phủ nên xem xét và công bố lại danh sách các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine bằng cách bổ sung thêm lực lượng lao động trong các khu công nghiệp tập trung.
Và điều quan trọng là sự minh bạch, công bằng khi sử dụng nguồn tiền người dân đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19.
Tạo dựng được niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là vô cùng quan trọng bởi với chính nhờ niềm tin đó mà người dân đã dỡ nhà lấy gỗ lát đường cho xe chạy trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Nhận thức được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết:
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”. [3]
Người viết tin vào lời hứa của người đứng đầu Chính phủ./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/2000-ti-dong-thiet-hai-moi-ngay-va-trieu-lieu-vaccine-cho-cong-nhan-915311.ldo
[2] https://baotintuc.vn/anh/ha-noi-trang-dong-cu-cai-do-ruong-ca-chua-khong-ai-thu-hoach-20210224103038741.htm
[3] https://dantri.com.vn/blog/ba-thong-diep-tu-sang-kien-thanh-lap-quy-phong-covid-19-20210608045841952.htm