Giảng đường im lặng

05/08/2021 07:06
Chí Thiện
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự thụ động diễn ra liên tục suốt thời gian thơ ấu đến khi trưởng thành của một người, có tính bắt buộc, đồng bộ, vì vậy tạo nên những tập tính rất khó thay đổi.

Năm 2018, Viện nghiên cứu Kinh tế mới (INET) cho ra mắt chuỗi bài giảng trực tuyến của Giáo sư Triết học Michael Sandel từ Đại học Harvard với chủ để lớn “Tiền không mua được gì”.

Những bài giảng được thiết kế trong một lớp học bao gồm mười sinh viên. Trong buổi học mà thực chất là một cuộc đối thoại, các sinh viên thoải mái tranh luận và nêu lên quan điểm của mình về vấn đề chính, sau đó giáo sư hướng dẫn đặt tiếp một số câu hỏi để dẫn dắt buổi đối thoại.

Chuỗi bài giảng này thu hút khá nhiều lượt xem khi đặt lại vấn đề đạo đức liên quan đến các vấn nạn xã hội như buôn bán nội tạng, trả tiền cho các cuộc bầu cử tại Mỹ hay việc tăng giá nước khi thảm họa xảy ra.

Bản thân tôi cũng xem lại nhiều lần những buổi đối thoại mô hình lớp học này và thực sự bị cuốn hút.

Từ thời Hy Lạp cổ đại, Socrates, Plato và nhiều triết gia khác đã bắt đầu tiết học của mình bằng các câu hỏi và theo sau đó là những tranh luận nhã nhặn, hào hứng nhưng cũng không kém phần gay gắt.

Những buổi tranh luận như vậy nhằm mục đích xem xét lại các quan niệm hiện có, đánh giá những hiện trạng luân lý và truy tìm sự thật. Điều này gọi là “đối thoại”. Trong đó, người thầy đưa ra điều mình đã biết và dẫn dắt sinh viên phản hồi lại dựa trên trải nghiệm của bản thân, thậm chí phản đối định nghĩa mà người thầy cung cấp.

Cách đây bốn năm khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa đại học, tôi mơ mộng về một nơi có môi trường học tập tốt hơn trường phổ thông: sinh viên năng động hơn trong lớp, giảng viên truyền đạt dễ hiểu, nội dung học tập thực tiễn hơn với những buổi đối thoại, những cuộc tranh luận đầy gay gắt và hứng thú.

Đây là những gì tôi nhận thấy khi ngồi trên giảng đường: Nội dung các môn học thì thú vị đấy, nhưng tôi và các bạn cùng lớp quên gần hết sau một học kỳ.

Giảng viên thường thao thao bất tuyệt về những gì đã có trong sách và những gì họ biết mặc cho những cái ngáp dài và gục ngủ trên bàn của đám sinh viên.

Quan trọng nhất, tôi thấy sự im lặng của các bạn học với mình. Với tôi, giảng đường đại học và lớp học phổ thông chẳng có mấy khác biệt. Sự tồn tại của các buổi đối thoại phải đếm trên đầu ngón tay.

Đôi khi, một số câu hỏi được đưa ra để phá tan không khí chán nản bên trong lớp, nhưng chỉ một vài cánh tay đáp lại với những câu trả lời đơn giản.

Một số giảng viên còn đưa ra “điểm cộng” để khuyến khích sinh viên phát biểu, nhưng vẫn bất lực trước sự thụ động và im lặng của các học trò.

Làm sao để sinh viên chủ động hơn trong học tập?. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Anninhthudo.vn)

Làm sao để sinh viên chủ động hơn trong học tập?. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Anninhthudo.vn)

Một lớp học như vậy diễn ra một chiều: thầy giảng - trò nghe và lặp lại suốt nhiều tiết học, nhiều kỳ, nhiều năm và sự thay đổi rất tiệm tiến, mặc dù giới nghiên cứu giáo dục đánh giá cách dạy-cách học hiện hành bị tụt hậu và mong muốn có một làn gió mới. Khuyến khích sinh viên phát biểu, trả lời câu hỏi đã rất gian nan thì nói gì đến việc đối thoại.

Tuy vậy, không quá khó để hiểu tại sao hiện tượng “im lặng” của sinh viên lại xảy ra thường xuyên.

Đó chỉ là sự tiếp diễn việc nghe và chép của quãng thời gian học phổ thông, nơi học sinh chỉ làm theo văn mẫu, chăm chú lắng nghe giáo viên suốt cả tiếng đồng hồ và ghi lại một cách cẩn thận, mặc nhiên xem nó như chân lý mà không cần phản biện.

Sự thụ động này cũng diễn ra liên tục suốt thời gian thơ ấu đến khi trưởng thành của một người, có tính bắt buộc, đồng bộ và vì vậy tạo nên những tập tính rất khó thay đổi.

Hơn nữa, các học sinh thường phải đi học thêm, không có thời gian và thói quen cho việc đọc sách trước ở nhà.

Khi lên bậc đại học, điều này vẫn xảy ra. Sinh viên thường đọc bài học trong sách lần đầu tiên khi đã vào lớp, vừa nghe giảng, vừa lần mò từng trang giấy.

Hầu hết giảng viên đều nắm được điểm yếu này, nhưng thay vì giao phần bài đọc và khuyên sinh viên đọc trước, nhiều người chọn cách soạn một giáo trình Powerpoint và dựa theo đó để nói từ đầu đến cuối buổi.

Tôi nghĩ đây không phải là trải nghiệm của riêng tôi mà cũng là cảm nhận chung của nhiều sinh viên khác và của những người quan tâm đến giáo dục.

Khi được nghe kể về cách học trên tại đại học công của Việt Nam, người bạn Mĩ của tôi, từng là sinh viên UCLA, rất ngạc nhiên.

Cô nói rằng một tiết học trong trường của cô không như vậy. Thông thường, sinh viên đều phải đọc trước ở nhiều bài báo hoặc một nghiên cứu có liên quan đến tiết học để chuẩn bị cho bài kiểm tra ngắn vào hôm sau nhằm xem xét mức độ nắm thông tin mới.

Sau đó, giảng viên dành ra khoảng một tiếng hoặc ngắn hơn để nói về nội dung của buổi học, giải thích rõ các khái niệm có trong bài đọc trước và kết nối chúng.

Thời gian còn lại, cả thầy lẫn trò đều thảo luận, trao đổi những thắc mắc về bài học và mở rộng đề tài.

Điều cô cảm nhận được sau khi tranh luận là hiểu rõ hơn những kiến thức mới, nhận ra sự khác biệt cũng như tính đa dạng trong cách hiểu vấn đề - điều diễn ra hằng ngày, học cách chấp nhận nó và bảo vệ lập trường của bản thân. Tôi nghĩ bạn tôi đã diễn tả một thực tế diễn ra khác xa với điều mà tôi trải nghiệm ở Việt Nam.

Đối thoại, tự bản chất là việc nói chuyện giữa nhiều người với nhau về một chủ đề nào đó. Đối thoại không hề nhàm chán, trái lại, nó kích thích tư duy của mỗi cá nhân tham gia để vận dụng hết tri thức của cá nhân đó nhằm đóng góp vào điều đang được tìm hiểu.

Nhờ đối thoại, cả người dạy lẫn người học cảm thấy kiến thức có liên quan đến cuộc sống, hiểu rõ về vấn đề được nói đến và cùng nhau tìm ra những phát kiến mới.

Thực trạng đáng buồn của rất nhiều giảng đường đại học Việt Nam là sự thiếu vắng những cuộc đối thoại chất lượng như vậy.

Thiếu sự đối thoại, đại học không còn là đại học nữa, không có sự tiến bộ mà chỉ có thụt lùi vì sinh viên chỉ tiếp nhận những kiến thức của người khác mà chẳng có sự chủ động thu nhận, hiểu một cách hời hợt và không thể ứng dụng vào cuộc sống.

Theo tôi, điều này xảy ra trong bối cảnh mà sinh viên vừa vào đại học đều mang theo những thói quen học tập chẳng mấy hiệu quả.

Mặt khác, các giảng viên và nhà quản lý đều phải căng mình ứng phó trước sự phức tạp trong vấn đề tự chủ đại học, sự cồng kềnh và cứng nhắc của hệ thống giáo dục, đòi hỏi phải thay đổi và tạo ra một cách dạy kiểu đối thoại là việc vô cùng khó khăn nhưng không phải không thể làm được.

Nếu chưa thể thay đổi ngay ở mức độ vĩ mô, các nhà giáo dục và điều hành đại học có thể thay đổi ngay trong chính ngôi trường của mình.

Bằng cách đưa vào chương trình năm nhất những môn học mang tính chuẩn bị cho môi trường học thuật (Ví dụ lớp học “Làm cách nào để có bài viết học thuật hiệu quả?”, lớp học “Tư duy phản biện”, lớp “Học cách học”,...) và cho phép sinh viên lựa chọn, việc thay đổi trở nên dễ dàng hơn khi các lớp học mở đầu này mang tính chất đào thải những thói quen học tập kém hiệu quả và cung cấp các kỹ năng học tập mới cho sinh viên.

Thiết nghĩ, bằng những thay đổi nhỏ trong nội dung và chương trình đào tạo, các trường đại học có thể góp phần tạo nên những thay đổi lớn lao trong cách dạy, cách học và cả hệ thống giáo dục, góp phần phá bỏ sự im lặng trong giảng đường.

Tôi mong rằng những thế hệ sinh viên tương lai được học trong một môi trường năng động hơn với những buổi tranh luận đầy hào hứng và bổ ích.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Chí Thiện