Hiện nay, vấn nạn học hộ, thi hộ đang ngày một “nở rộ” trên các giảng đường đại học, nó trở thành hình thức đối phó và cũng là thị trường làm thêm béo bở của không ít các sinh viên.
Không cần luồn lách hay sử dụng các chiêu trò tinh vi, việc học hộ, thi hộ qua mắt giảng viên hết sức đơn giản gần như chỉ cần có mặt và điểm danh.
Học hộ, thi hộ công khai trên hầu khắp các giảng đường
Nhóm “Học hộ, thi hộ” trên mạng xã hội (facebook) có thời điểm đông đảo lên đến 12.000 thành viên.
Ai có nhu cầu thuê người chỉ cần đăng lên nhóm với đầy đủ các thông tin liên quan đến ngày giờ, địa điểm, môn học, kèm theo mức giá… ngay lập tức có hàng chục các bình luận.
Không chỉ học hộ, thi hộ, các hình thức khác từ làm bài tập thuê đến viết tiểu luận thuê cũng rất phát triển với các mức giá khác nhau.
Nhóm “Học hộ, thi hộ” trên mạng xã hội facebook có rất nhiều người tham gia (Ảnh: tác giả cung cấp). |
L.T.H (sinh viên Đại học Thủy Lợi) cho biết: “Em đã có kinh nghiệm học hộ cho nhiều bạn sinh viên ở nhiều trường đại học.
Chỉ cần gửi mã thẻ sinh viên, họ tên, tên trường lớp, quê quán, thầy cô chủ nhiệm, tên môn học. Việc qua mắt giảng viên gần như là điều dễ dàng. Mỗi buổi học tầm 3 tiết em thường nhận với mức giá 80.000 đồng”.
Trường hợp khác của N.T. L, “nhận học hộ tất cả các buổi sáng và tối trong tuần”.
Khi được hỏi về cách thức ứng phó trong trường hợp bị giảng viên phát hiện, L. thật thà chia sẻ:
“Có gì đâu mà phải lo. Rủi lắm bị phát hiện, việc đầu tiên là ra khỏi lớp. Có phải sinh viên trường đấy đâu mà sợ. Kiểu học hộ như thế này có phải lần đầu mới diễn ra đâu”.
Theo dõi các nhóm “Học hộ, thi hộ” trên mạng xã hội (facebook), chúng tôi đồng thời cũng phát hiện được một số đường dây nhận làm thẻ sinh viên, chứng minh thư và một số giấy tờ giả.
Với thẻ sinh viên, mức giá dao động từ 180 – 200 nghìn đồng. Trường hợp học hộ, thi hộ, chỉ cần gửi nội dung thông tin thẻ sinh viên kèm theo ảnh người học, chất lượng đảm bảo giống thật 90 -93%.
Vấn nạn làm thẻ sinh viên giả (Ảnh minh họa: báo Pháp luật đời sống). |
Học hộ, thi hộ diễn ra phổ biến, đang trở thành thứ vấn nạn trên giảng đường đại học.
Ngay khi đặt câu hỏi “Sinh viên có suy nghĩ gì về hiện tượng này?”, chúng tôi thu nhận được hai luồng ý kiến khác nhau.
Luồng thứ nhất cho rằng, hiện tượng này quá bình thường và chẳng ảnh hưởng gì đến mình.
Luồng ý kiến thứ 2 thì cho rằng, vẫn biết đây là hiện tượng sai trái, bất công bởi một số cá nhân thường xuyên thuê người đi học hộ nhưng được đánh giá cao trong lớp.
Tuy nhiên đứng trước vấn đề này, hầu như sinh viên đều chọn cách im lặng. Phần vì ngại đụng chạm, phần vì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về ban cán sự lớp - L.T.N (sinh viên Lớp Công tác Xã hội K.36 – Học viện Báo chí và Tuyên Truyền chia sẻ) chia sẻ.
Mấu chốt vẫn là nhận thức sinh viên
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Văn Thư ( Ban quản lý Đào tạo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết:
Trước đây, các trường đại học, học viện đào tạo theo hình thức niên chế, quản lý lớp theo cơ chế hành chính nên số lượng sinh viên của mỗi lớp học có tính ổn định cao.
Việc kiểm tra, kiểm soát của giáo viên với sinh viên hoặc giữa sinh viên với nhau diễn ra thuận lợi.
Nhưng hiện nay, các cơ sở đào tạo thay đổi từ phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, bên cạnh những thuận lợi đã thấy, cũng còn tồn tại không ít những “lỗ hổng”, trong đó có việc kiểm tra, kiểm soát sinh viên trong mỗi giờ học.
Với đặc trưng là sĩ số lớp luôn đông (tầm 50-60 em một lớp hoặc thậm chí hơn), các lớp ghép gồm sinh viên nhiều khoa, ngành xếp gộp lại, phần nhiều các sinh viên đi học không biết nhau nên việc ban cán sự lớp tín chỉ kiểm tra, kiểm soát không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Giảng viên lên lớp cũng không nhớ hết mặt sinh viên, các phòng chức năng cũng không kiểm soát hết trong khi chưa có các phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ… nên đây là kẽ hở rất lớn và cũng là nguyên nhân khách quan để hiện tượng học hộ, thi hộ ngày càng công khai, gây nhức nhối trên giảng đường hiện nay.
“Học hộ, thi hộ” vẫn biết là đang tồn tại nhưng biện pháp giải quyết vẫn chưa thực sự có hiệu quả.
Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt để kiểm tra, kiểm soát giờ học của các bộ phận chức năng, của các giảng viên đứng lớp hay việc tổ chức thi hết môn…
Điều cốt yếu nhất vẫn là một chiến lược dài hơi nhằm tuyên truyền, vận động, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức về việc học tập của bản thân cũng như những tác hại của việc học hộ để các em sinh viên thay đổi hành vi của mình.
Ở mỗi giai đoạn, các em cần ý thức được mục tiêu trọng tâm là gì, động cơ học đã đúng chưa hay chỉ đơn thuần học để qua môn, học cho xong.
Hiện tượng “học giả bằng thật” đến nay đã không phải hiếm do nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế kiểm soát của nhà trường còn khá lỏng lẻo trong mỗi giờ học.
Nếu việc này không được giải quyết triệt để, hệ lụy của nó là rất lớn, nó không chỉ mất đi tính chất công bằng cho các sinh viên trong cùng trường mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, đến chất lượng, đến chuẩn đầu ra và định hướng nghề nghiệp của mỗi viên trong tương lai mà rộng hơn là cho cả xã hội.