Giáo dục – Rối rắm thông tư, tù mù xử lý

26/04/2019 06:56
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu không sửa lại Quy chế thì việc xử lý gian lận kỳ thi 2019 sẽ không tránh khỏi việc bỏ lọt sai phạm.

Trong ba năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ba Thông tư quy định “Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông” (Quy chế).

Phụ huynh muốn tìm hiểu Quy chế thi năm 2019 phải tìm hiểu theo kiểu bắc cầu, nghĩa là đầu tiên phải đọc “Quy chế gốc” ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.

Tiếp đó phải đọc các quy định sửa đổi ban hành kèm theo Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT, cuối cùng phải đọc tiếp Quy định sửa đổi ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT.

Nếu ngược dòng thời gian một chút nữa thì Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT thay thế cho Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT

Người dân bình thường có con em tham dự kỳ thi năm nay (2019) chắc chắn sẽ hoa mắt, nhức đầu nếu muốn tìm hiểu Quy chế thi.

Ảnh minh hoạ: VTV
Ảnh minh hoạ: VTV

Tính từ năm 2015 đến 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bốn lần ban hành hoặc sửa đổi Quy chế thi và liệu sau lần sửa đổi năm 2019, sang năm 2020 Quy chế thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông có tiếp tục sửa đổi?

Đặt câu hỏi này vì vụ việc gian lận điểm thi trong kỳ thi 2018 hình như chưa có tác động gì đến sự động não của người soạn thảo và cơ quan ban hành quy chế nên những sự sửa đổi vẫn còn khá nhiều điều phải bàn luận.

Có hai vấn đề cần câu trả lời từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Thứ nhất, quy định (trong Quy chế 2017) cho phép thí sinh tự do và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên được bố trí tại phòng/địa điểm thi riêng đã được sửa đổi trong Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT như sau:

Thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số Điểm thi do Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo quyết định; việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi tại các Điểm thi đó được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này”.

Tuy có chút cải tiến là thí sinh tự do và hệ giáo dục thường xuyên không xếp riêng phòng thi nhưng vì sao cứ phải “thòng” vào quy định Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định “Thí sinh tự do, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên” phải thi (hay được thi?) tại địa điểm do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn? 

Giáo dục – Rối rắm thông tư, tù mù xử lý ảnh 2Đừng ngây thơ, hay vội vàng nói 60 tỉnh còn lại không có gian lận thi cử

Nói cách khác tình trạng thí sinh tự do thi tập trung tại một địa điểm (như trường hợp hàng trăm công an nghĩa vụ thi ở Lạng Sơn, Thái Nguyên năm 2018) vẫn không bị ngăn chặn, vẫn do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quy định?

Đã là thí sinh thì quyền và nghĩa vụ là như nhau, vậy tại sao không sắp xếp cho họ như tất cả thí sinh khác?

Thứ hai, tìm hiểu Quy chế thi năm 2018 thì thấy điều 49 “Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi” được sửa (khoản 6) như sau:

“6. Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích;

b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp;

c) Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức;

d) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác;

đ) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp”.

Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/03/2019 nghĩa là khoảng 9 tháng sau vụ gian lận thi cử 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.

Vậy nhưng không có bất kỳ sửa chữa nào với điều 49 “Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi” so với Quy chế 2018.

Điều này có nghĩa là Quy chế thi năm 2019 chưa đưa ra chế tài xử lý thí sinh được nâng điểm trong quá trình chấm thi và cũng chưa có biện pháp xử lý những người bị hạ điểm sau chấm thẩm định nhưng vẫn đủ điểm xét tuyển đại học.

Kỳ thi năm 2018 cho thấy hàng loạt thí sinh được nâng điểm và đã nhập học tại các đại học, học viện, một số đã bị các trường đuổi học sau khi kết quả chấm thẩm định được công bố.

Vì sao sự việc đã được truyền thông cả nước, nhiều cơ quan và lãnh đạo đề cập nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không thay đổi quy định “Xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi”?

Phải chăng người chắp bút soạn thảo Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT không biết chuyện gian lận thi cử hay lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng năm 2019 này sẽ không còn gian lận thi cử nữa?

Liệu còn khả năng khác là ai đó không muốn luật hóa việc xử lý gian lận trong quá trình chấm thi để khỏi phải mất công nghĩ ra các biện pháp xử lý chính đội ngũ cán bộ được tuyển chọn tham gia Ban chỉ đạo (coi thi, chấm thi,…) – những người được coi là ưu tú trong ngành giáo dục?

Bệnh ung thư giáo dục, ai chữa?

Thứ ba, Quy chế thi cho đến hiện nay vẫn chưa có điểm nào quy định về công bố điểm chấm thẩm định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không nhất quán trong việc công bố kết quả giữa địa phương cùng bị chấm thẩm định năm 2018.

Quy định điểm chấm thẩm định thí sinh tỉnh Sơn La là bí mật nhà nước cho thấy kẽ hở trong văn bản quy phạm pháp luật đã được sử dụng.

Điểm chấm thẩm định và danh sách thí sinh cần được công bố công khai, không thể giữ bí mật vì bất kỳ lý do gì.

Sửa Luật Giáo dục hoặc Luật Giáo dục đại học không phải là chuyện có thể làm thường xuyên vì đó là nhiệm vụ của Quốc hội. 

Thông tư cũng là văn bản quy phạm pháp luật và như đã nêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể ban hành mỗi năm một cái thế thì vì sao một sự kiện được coi là “Vết nhơ lớn nhất của nền giáo dục nước nhà từ trước đến nay” lại không có tí chút tác động nào đến lãnh đạo bộ?

Dư luận xã hội mong muốn một văn bản quy phạm pháp luật là Thông tư của Bộ phải có hiệu lực trong một khoảng thời gian chứ không thể mỗi năm lại sửa một lần.

Ngoài ra văn bản đó phải có tính bao quát, nghĩa là có đủ chế tài xử lý mọi tình huống phát sinh chứ không chỉ chờ sự cố xảy ra rồi mới chạy theo sửa Thông tư.

Thời gian cho đến ngày bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2019 không còn nhiều nhưng không phải là quá thiếu để sửa lại Quy chế thi. 

Đã xuất hiện tình trạng thí sinh gian lận điểm thi bị cơ sở giáo dục đại học trả về địa phương quyết định du học ở nước ngoài.

Cần phải xác định đây là những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi họ đã cướp đi cơ hội học tập của người khác một cách trắng trợn.

Ngay cả khi pháp luật chưa có chế tài răn đe thích hợp thì vẫn còn những cách áp dụng hình phạt khác và một trong những cách đó là từ chối cấp hộ chiếu cho đi du học nước ngoài khi vụ việc đang trong quá trình điều tra. 

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa Quy chế sao cho những người gian lận điểm không thể nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài ít nhất trong thời hạn 2 năm kể từ lúc phát hiện gian lận.

Trả về địa phương không phải là hình phạt thích đáng với tội danh chiếm đoạt cơ hội học tập của người khác bằng cách hối lộ hoặc sử dụng quyền lực tác động đến bộ phận chấm thi. 

Trở lại chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư theo kiểu “bắc cầu” người viết cho rằng không có bất kỳ khó khăn gì trong việc ban hành quy chế mới thay thế quy chế cũ.

Tạo thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu pháp luật là nhiệm vụ của cơ quan công quyền, không có lý gì bắt người dân phải tìm qua mấy thông tư mới biết được Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu không sửa lại Quy chế thì việc xử lý gian lận kỳ thi 2019 sẽ không tránh khỏi việc bỏ lọt sai phạm. 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa hay thiếu thời gian suy nghĩ vấn đề này?

Xuân Dương