Làng Vũ Đại ở Diên Hồng (2)

20/06/2020 06:48
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề chỉ trở nên đặc biệt khi tìm hiểu kỹ hơn một số khía cạnh trong phát biểu của ông Phạm Hồng Phong.

Trước khi đề cập trở lại ý kiến của ông Phạm Hồng Phong, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh, thiết nghĩ cũng cần lưu ý hai điều:

Thứ nhất, kể từ ngày Luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, tại một số khoản trong các điều 58, 59, 60, 61 có các quy định được hiểu là nói về quyền im lặng.

Theo đó, mọi công dân đều “có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

“Quyền im lặng” của công dân trong quá trình tố tụng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh,…

Thứ hai, một vài nơi đưa ra quy định nhân viên công vụ bắt buộc phải thông báo cho nghi phạm: “Anh có quyền giữ im lặng, bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa”.

Nhắc tới một số quy định tư pháp quốc tế để nói lên một điều, rằng ông Phong có thể không cần tranh luận với các đại biểu Quốc hội khác về nền tư pháp nếu bản thân không muốn, một khi tự quyết định nói hoặc theo đề nghị mà nói thì những gì ông nói, có thể được sử dụng để chống lại ông ấy.

Để tránh tình trạng “tự chuyển hóa” ý kiến của đương sự như trường hợp đại biểu Nguyễn Sĩ Cương thay đổi ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (xin xem phần 1), người viết dựa vào một số bài báo hiện vẫn tồn tại trên không gian mạng về phát biểu của ông Phạm Hồng Phong:

“Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, một vài bình luận để đưa ra những quyết định, tôi nghĩ đây là thiếu cơ sở…

Hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác”. [1], [2],…

Với chức vụ hiện giữ, chắc ông Phạm Hồng Phong hiểu rất rõ về “quyền im lặng” và cũng nhận thức được, rằng những gì ông ấy nói sẽ được dư luận sử dụng như thế nào.

Nếu chỉ đọc lướt qua thì thấy phát biểu của ông Phạm Hồng Phong không có gì đặc biệt.

Người Việt bình thường không mấy bận tâm bởi hầu hết “thế lực thù địch” đều được báo chí (đặc biệt là báo qdnd.vn, cand.com.vn), các cơ quan chức năng, truyền thông và nhân dân nhận diện.

(Ảnh minh hoạ: Lapphap.vn)
(Ảnh minh hoạ: Lapphap.vn)

Vấn đề chỉ trở nên đặc biệt khi tìm hiểu kỹ hơn một số khía cạnh trong phát biểu của ông Phạm Hồng Phong.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiều vị lãnh đạo cao cấp trong các phát biểu đều cho rằng “Phải đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng của nhân dân lên trên hết”, không có phát biểu nào chỉ nói đến Đảng, Nhà nước mà lại quên Nhân Dân.

Vậy vì sao trong phát biểu của mình, ông Phong giới hạn những thế lực thù địch đòi tam quyền phân lập chỉ nhằm “chống phá Đảng, Nhà nước”?

Ông Phong loại trừ “Nhân Dân” khỏi diện mà các đối tượng mong muốn tam quyền phân lập “chống phá” là sơ suất trong “văn nói” hay mọi thể chế chính trị đều phải lấy Dân làm gốc, chống lại nhân dân tất sẽ diệt vong.

Hai là phát biểu của ông Phong – “Nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước” liệu có liên quan tới một số đại biểu Quốc hội có ý kiến góp ý cho nền tư pháp, ngành tòa án ngay tại Hội trường Diên Hồng?

Phải chăng với tư cách một lãnh đạo tòa án cấp cao lẽ thường phải am hiểu pháp luật, được đào tạo nghiêm túc về lý luận chính trị và quản lý nhà nước, ông Phong đang muốn nhắc nhở một số vị (hay là tất cả các vị) đang cùng ngồi với ông tại Hội trường Diên Hồng, rằng những đối tượng tiếp cận chủ đề “tam quyền phân lập” theo bất kỳ tinh thần khoa học hay chính trị nào cũng đều là “chống phá Đảng, Nhà nước”?!

Ba năm trước, Quốc hội đã nhiều phen “nảy lửa” và người viết đã buộc phải nêu câu hỏi: “Quốc hội nảy lửa, dân đứng ở đâu?”. [3]

Sau ba năm, tình trạng có vẻ ổn định về ngôn từ nhưng một số lĩnh vực khác thì hình như đã vươn lên “tầm cao mới”.

Chẳng hạn Phó Chánh Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho rằng “Chính thức là có 3 đại biểu Quốc hội phát biểu không đúng với nội dung của vụ án, đưa ra nhận xét chủ quan, dựa vào thông tin trên mạng xã hội, vấn đề này làm phức tạp thêm tình hình”. [4]

Baogiaothong.vn cho rằng ba vị đại biểu Quốc hội mà ông Phó Chánh án tòa tối cao “nhắc nhở” là các ông Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng. [4]

Liệu có phải để sự đáp trả là tương xứng, phía tòa án cũng có ba vị lên tiếng, đó là Phó Chánh Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Bùi Ngọc Hòa và Phó Chánh án tòa cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Hồng Phong.

Việc nhắc tên ông Bùi Ngọc Hòa là căn cứ vào văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội được báo chí ghi nhận, cụ thể:

“Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng nhắc lại về phát ngôn của 2 Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao là Nguyễn Trí Tuệ, Bùi Ngọc Hòa xung quanh vụ án và quá trình xét xử càng bộc lộ rõ quan điểm không chuẩn định về thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, về vai trò của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, về tính độc lập của thẩm phán, nhất là về cách thu thập, đánh giá chứng cứ”. [5]

(Theo cổng thông tin Tòa án nhân dân tối cao, ông Bùi Ngọc Hòa hiện là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và không có tên trong danh sách Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - NV).

Tại một số nước, không hiếm các cuộc ẩu đả dẫn tới thương tích xảy ra ngay tại phòng họp Quốc hội.

Sự việc ở Việt Nam chỉ mới dừng ở tranh luận - “khẩu chiến”.

Cuộc khẩu chiến bùng phát vào lúc này cho thấy điều gì?

Thứ nhất, Luật Tổ chức Quốc hội quy định số đại biểu chuyên trách không dưới 35%, thế có nghĩa là luật cho phép đại biểu Quốc hội có thể sắm nhiều vai, vừa hành pháp, vừa tư pháp, vừa lập pháp.

Với những đại biểu không chuyên trách, nơi người ta “ngồi” nhiều nhất không phải là trụ sở Quốc hội và vì thế không thể phủ nhận tâm lý “ăn cây nào rào cây nấy” trong một số người kiêm nhiệm nhưng đại biểu Quốc hội chỉ được xem như "nghề tay trái"!

Thứ hai, các cuộc đấu khẩu này chỉ thuần túy về chuyên môn hay đang bị lợi dụng để hạ thấp uy tín đối thủ?

Một vị đại tá công an cho rằng “Có những đại biểu Quốc hội không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá”. [6]

Ngay sau đó trên mạng xã hội xuất hiện thông tin phản pháo, rằng học tại chức ngành Kinh tế nông nghiệp, lại không thấy bất kỳ thông tin nào về học tại chức ngành luật sao có thể làm Phó tòa cấp cao?

Thực tế thì có cá nhân giữ vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng từng lãnh đạo Công an, sau đó chuyển sang lãnh đạo Viện Kiểm sát và cuối cùng là lãnh đạo Tòa án, liệu mỗi vị trí lãnh đạo ấy có để lại “dấu ấn” trong quá trình thực thi nhiệm vụ?

Và trong toàn bộ hệ thống, những cán bộ toàn năng như vậy, những người phân công bất kỳ nhiệm vụ gì cũng “làm tốt” chiếm bao nhiêu phần trăm?

Thứ ba, liệu có phải cuộc khẩu chiến này chỉ là tiếp tục một chiến dịch đã từng được phát động khi một số thành viên Chính phủ phải lùi bước khi đề xuất “đổi vai” với Quốc hội?

Ngoại trừ Luật Tổ chức Quốc hội, các đạo luật còn lại hầu như đều do Chính phủ soạn thảo, liệu có sự cài cắm lợi ích của khối hành pháp, tư pháp vào các điều luật, đặc biệt là khi “Chính phủ bảo vệ phương án "đổi vai" trong giải trình, tiếp thu luật”? [7]

Thứ tư, cho đến gần đây, đặc biệt liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, lại thấy tái xuất lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” trong hoạt động tư pháp là “Liên ngành Tư pháp trung ương”.

Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Tư liệu giáo khoa, Học viện chính trị Công an nhân dân - người được cho là “đã nghiên cứu rất sâu vụ án ngay từ những ngày đầu xảy ra” được Tapchitoaan.vn dẫn lời:

“Báo cáo giải trình của các cơ quan như: Bộ Công an, liên ngành Tư pháp Trung ương, Tổ thẩm định độc lập và tất cả những dữ liệu khác nữa,… là những căn cứ để Hội đồng thẩm phán đưa ra phán quyết chính xác…

Qua báo chí, tôi thấy rằng thông tin, hình ảnh được cập nhật rất đầy đủ và chi tiết.

Các bài báo thông tin đều đặt trong bối cảnh những vấn đề mà liên ngành Tư pháp Trung ương đang cần phải giải quyết vụ án một cách khách quan nhất”. [6]

Năm 2016, năm bắt đầu nhiệm kỳ Trung ương khóa 12 đã có khá nhiều ý kiến về tổ chức vô hình mang tên “Liên ngành Tư pháp trung ương”:

“Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế”. [8]

“Liên ngành tư pháp là một tổ chức siêu quyền lực vi hiến". [9]

Không tư cách pháp nhân, không trụ sở, không nhân sự cố định, không được “định danh” trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào nhưng lại có tiếng nói quyết định trong quá trình tố tụng, không những thế còn “giải quyết vụ án” (ngoài trụ sở tòa án).

Vậy nên giải thích thế nào về hiện tượng dị thường này của nền Tư pháp Việt Nam?

Một thời gian không thấy thông tin về sự can dự của cái gọi là “Liên ngành” này vào quá trình tố tụng, vì sao bây giờ xuất hiện trở lại?

Phải chăng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt, khi các lực lượng khác không đủ năng lực?

Vậy khi các cơ quan tham gia tố tụng đã “chung mâm liên ngành”, khi án đã được “bỏ túi” sau cuộc họp thì vì sao lại còn làm tung tóe lên cho dân chúng ngơ ngác?

Chẳng lẽ giờ là thời điểm “Gặp thời thế, thế thời phải thế”?

Thứ năm, một khi “liên ngành Tư pháp Trung ương giải quyết vụ án” thì nguyên tắc độc lập khi xét xử có được tôn trọng?

Bài viết đăng trên Tạp chí Tòa án: “Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” cho rằng:

“Việc quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong công tác xét xử là đảm bảo cho nguyên tắc này phải được thực thi trong thực tiễn xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm”. [10]

Nếu tiết lộ của đại tá Nguyễn Minh Tâm là sự thật, thì ai/cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự can thiệp của Liên ngành Tư pháp Trung ương vào việc “giải quyết vụ án”?

Và thứ sáu, cũng là “băn khoăn” cuối cùng, để khỏi phải chờ đợi, liệu ông Lưu Bình Nhưỡng có nên gửi thêm một bản kiến nghị đến “Liên ngành Tư pháp Trung ương”, nơi trực tiếp “giải quyết vụ án” - theo tiết lộ của đại tá công an Nguyễn Minh Tâm./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thoi-su/khong-co-tam-quyen-phan-lap-nen-moi-co-qh-la-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-cao-nhat-1237447.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-chanh-an-toa-cap-cao-tranh-luan-voi-dbqh-mot-loat-vu-an-nong-648660.html#inner-article

[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quoc-hoi-nay-lua-dan-dung-o-dau-post181326.gd

[4] https://www.baogiaothong.vn/ba-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-phat-ngon-nguy-hiem-vu-an-ho-duy-hai-d465049.html

[5] https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/dbqh-luu-binh-nhuong-gui-kien-nghi-toi-chu-tich-nuoc-vu-an-ho-duy-hai-ar545778.html

[6] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/vu-an-ho-duy-hai-nhieu-thong-tin-truyen-thong-ban-da-lam-anh-huong-den-chinh-tri-va-ca-nen-tu-phap

[7] https://baodautu.vn/chinh-phu-bao-ve-phuong-an-doi-vai-trong-giai-trinh-tiep-thu-luat-d118495.html

[8] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lien-nganh-tu-phap-la-gi-ma-quyen-luc-khiep-the-post169611.gd

[9] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/lien-nganh-tu-phap-la-mot-to-chuc-sieu-quyen-luc-vi-hien-post169806.gd

[10] https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/nguyen-tac-tham-phan-hoi-tham-xet-xu-doc-lap-va-chi-tuan-theo-phap-luat-thuc-tien-thuc-hien-va-kien-nghi

Xuân Dương