LTS: Xung quanh tranh luận về đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi tới Tòa soạn bài phân tích.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Liên quan đến đề xuất loại truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình sách giáo khoa lớp 11 tác giả Sóng Hiền – một nghiên cứu sinh ở Australia – ngoài các bài viết thể hiện sự không đồng tình, cho đến nay có lẽ chỉ duy nhất bài viết của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đăng trên VietnamNet ngày 11/12/2017 thể hiện sự bênh vực và ủng hộ ý kiến của nghiên cứu sinh Sóng Hiền.
Bài viết của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm tuy bàn về vấn đề học thuật nhưng được trình bày bằng văn phong nhẹ nhàng và hấp dẫn.
Tuy vậy, sau khi đọc đi đọc lại bài viết này khá nhiều lần, tôi cho rằng dường như Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đang có sự nhầm lẫn về vai trò vị trí của môn văn trong chương trình giáo dục phổ thông nói chung và mục tiêu dạy học truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nói riêng.
Từ đó vô tình cường điệu và làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
Chí Phèo trong tác phẩm điện ảnh "Làng Vũ Đại ngày ấy" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, tôi cho rằng, đằng sau những con chữ đánh lừa cảm xúc người đọc, bài viết của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm có nhiều chỗ tác giả lập luận còn sơ hở và không thuyết phục (ít nhất là với cá nhân tôi). Sau đây, tôi sẽ phân tích và chỉ ra những sơ hở ấy:
Thứ nhất, tôi đồng ý với Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm khi cho rằng đề xuất của tác giả Sóng Hiền trên thực tế là câu chuyện “logic về mặt giáo dục: nên chọn cái gì để có tính giáo dục liên quan đến tâm sinh lý học sinh”.
Tuy nhiên, khi chị khẳng định và cho rằng ý kiến của nghiên cứu sinh Sóng Hiền “là một trường hợp khoa học cần suy nghĩ chính đáng và nghiêm túc” thì tôi nghĩ cần phải xem xét lại.
Trước hết, có thể nói, cơ sở lý luận và khoa học để tác giả Sóng Hiền đặt vấn đề loại bỏ truyện ngắn Chí Phèo ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông hoàn toàn dựa trên cách hiểu chủ quan của anh về giá trị của một tác phẩm văn học nghệ thuật (cụ thể là những phân tích, diễn giải của anh về hình tượng nhân vật Chí Phèo).
Đây là cách hiểu hoàn toàn không chấp nhận được (vấn đề mà các chuyên gia văn học buộc phải gọi đây là cách hiểu “xã hội học dung tục”, rất non nớt và ấu trĩ).
Và đây cũng chính là mấu chốt và nguồn cơn dẫn đến sự phản ứng của dư luận đặc biệt là các Thầy cô giáo ở bậc phổ thông;
Chứ không phải như lời bênh vực của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm khi cho rằng đề xuất của Sóng Hiền là “khá giản dị và lập luận hơi chủ quan, có phần mộc mạc, nên “nhận được” một sự chống đối không thể lớn hơn, như thể cả một xã hội nổi lên cuồn cuộn, thương tiếc anh Chí đến trào nước mắt”.
Vậy nên, tôi cho rằng riêng ở chỗ này Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đã không những đọc không kỹ bài viết của Sóng Hiền mà còn lên tiếng oán trách những người phản đối anh.
Thực ra, tất cả chỉ là một câu chuyện chứ không phải là “hai câu chuyện” khác nhau như cách nói của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm trong bài viết của mình.
Thứ hai, trong toàn bộ nội dung bài viết của mình, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm trong khi bảo vệ ý kiến của Sóng Hiền đã thường xuyên nhấn mạnh đến vấn đề “tâm lý lứa tuổi” của các em học sinh khi tiếp cận tác phẩm văn học - ở đây là truyện ngắn Chí Phèo.
Đừng xem anh Nguyễn Sóng Hiền là “kẻ đốt đền” |
Ở góc độ giáo dục, tôi cũng rất tán thành với chị về quan điểm này.
Tuy nhiên, đáng tiếc là khi đi vào diễn giải và phân tích chị lại quá cường điệu vai trò và mục tiêu của việc dạy học môn văn trong nhà trường phổ thông nói chung.
Nói khác đi, có thể thấy khi đặt ra vấn đề này, cả chị và tác giả Sóng Hiền trước đó đều vô tình hay cố ý đánh đồng hai phạm trù văn học và đạo đức.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc cả hai chỉ chú ý khai thác phẩm Chí Phèo ở khía cạnh giá trị đạo đức hơn là giá trị nghệ thuật (những vấn đề thuộc về thi pháp hay tư tưởng nghệ thuật… của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm này).
Chúng ta đều biết, một tác phẩm văn học có thể mang ý nghĩa và giá trị đạo đức nào đó, nhưng văn học và đạo đức về căn bản vẫn là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Điều này thì Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm chắc đã thừa hiểu.
Không ai phủ nhận việc dạy tác phẩm văn học trong trường phổ thông cần phải chú ý đến những bài học về đạo đức (nếu có) cho học sinh nhằm góp phần hình thành nhân cách cho các em về sau.
Tuy vậy, nên nhớ đây vẫn không phải là mục tiêu chính yếu của việc giảng dạy môn văn trong nhà trường.
“Văn học là nghệ thuật ngôn từ” – thông qua tác phẩm văn học dạy cho học sinh hiểu điều này mới là mục tiêu quan trọng nhất.
Còn việc hình thành nhân cách thông qua những bài học đạo đức (đặc biệt là những giá trị đạo đức có tính nền tảng) cho các em học sinh thì bên cạnh môn văn chúng ta vẫn còn có các môn học khác nữa.
Cụ thể trong giáo dục phổ thông môn “Đạo đức” hay “Giáo dục công dân”…sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này hơn.
Vậy nên, cũng không nên quá lo lắng cho việc dạy truyện ngắn Chí Phèo sẽ ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến tâm lý các em học sinh. Không có cơ sở nào để khẳng định điều ấy!
Thứ ba, tôi thực sự lấy làm lạ và không hiểu sao Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm lại dám khẳng định những điều này trong bài viết của mình:
“Dạy Chí Phèo trong thời chiến là một sách lược có ý nghĩa. Dạy Chí Phèo thời hậu chiến cũng có thể vẫn còn nhiều cảm xúc.
Dạy Chí Phèo trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng du học sinh mỗi năm tăng vùn vụt, người sống đã bớt nhu cầu “yêu, căm, chiến, lạc” và có nhu cầu thưởng thức một cuộc sống bình an, hạnh phúc trong tâm hồn thì việc giảng dạy ấy vẫn rất đáng để suy nghĩ, nghĩ đi và nghĩ lại.”
Nói thật, dù không muốn nhưng tôi cũng buộc lòng phải nói: quan điểm trên đây của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm chính là hệ lụy của lối tiếp cận tác phẩm văn học theo kiểu xã hội học dung tục.
Khi tranh luận lạc đường |
Bởi lẽ, nói như chị hóa ra khi nào đất nước xảy ra chiến tranh (nói dại) thì thế hệ con cháu chúng ta mới có cơ hội học truyện ngắn Chí Phèo hay sao?
Nếu lập luận như thế này thì bài Thơ thần “Nam quốc sơn hà” (tương truyền của Lý Thường Kiệt) với câu kết “Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư” được chuyển nghĩa và dịch sang tiếng Việt thành “chúng bây sẽ bị đánh tơi bời” cũng không nên đưa vào giảng dạy vì đất nước ta hiện không có chiến tranh?
Từ đây, nếu nhìn rộng ra chẳng lẽ môn Lịch sử trong trường phổ thông với những bài học về những trận đánh của cha ông ta trong lịch sử chống ngoại bang xâm lược cũng không nên đưa vào giảng dạy vì tính “bạo lực” của nó hay sao?
Xin thưa với Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, cho dù ở vào thời nào thì cũng không thể xem đây là căn cứ để đưa hay không đưa một tác phẩm văn học nào đó vào giảng dạy như chị phát biểu.
Hơn nữa, nói cho cùng hầu hết những tác phẩm văn học thuộc hàng kiệt tác và kinh điển của nhân loại từ cổ chí kim lại hiếm có tác phẩm nào phơi phới một niềm vui, trái lại toàn là những tác phẩm nói về sự khổ đau, bất hạnh, chết chóc và tang thương…của con người.
Tôi không nghĩ và hoàn toàn không tin nếu chúng ta thay thế truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao bằng một truyện ngắn ngôn tình, diễm lệ nào đó của một nhà văn Việt Nam nay sẽ có ý nghĩa giáo dục tích cực hơn cho các em học sinh phổ thông như cách đặt vấn đề của chị.
Thứ tư, không dừng lại ở đó Tiến sĩ Lê Thị Thành Tâm viết:
“Dạy Chí Phèo ở Đại học là một lựa chọn chuẩn xác, khi người học đã qua tuổi 18 và được nâng đỡ một cách chín chắn bởi nền tảng vốn sống, vốn chữ nghĩa đã phần nào đủ để nhìn ra Chí Phèo như một tác phẩm có giá trị mà không bị bất kì một sự ám ảnh non thơ nào.
Năng lượng của tác phẩm Chí Phèo cần được phát tiết nhiều hơn ở những vỉa tầng sâu sắc hơn, va đập với hiện thực mới nhiều hơn, và tạo ra những ẩn nghĩa thú vị hơn theo những cách đọc chuyên nghiệp, thậm chí từ góc độ so sánh văn học thế giới.
Còn học sinh phổ thông đại trà, trước khi theo được những cách đọc chuyên nghiệp và tròn trĩnh, đọc trang nào cũng rưng rưng nước mắt như những người yêu văn chương, thì họ còn có thêm gánh nặng về một anh Chí bị bóp nát và uốn lượn đủ kiểu để nói cho được “số phận người nông dân bị lưu manh hoá”.
Trước hết, có thể thấy đoạn văn này cho thấy sự mâu thuẫn trong tư duy và lập luận của Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm.
Tại sao trước đó chị bảo đất nước đang trong thời bình không còn nhu cầu “căm, yêu, chiến, lạc” như lúc thời chiến nữa nên không cần dạy Chí Phèo thì đến đây lại bảo “dạy Chí Phèo ở đại học là một lựa chọn chuẩn xác”?
Dạy ở bậc nào thì Việt Nam hiện tại cũng đâu còn chiến tranh?
Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa" |
Chưa hết, nhân đây xin được hỏi chị Lê Thị Thanh Tâm là, các em học sinh phổ thông với độ tuổi 16, 17 khi bước vào giảng đường đại học cũng chỉ vừa tròn 18 (hay qua 18 một chút như chị nói) thì liệu rằng trong một thời gian chuyển tiếp ngắn ngủi như thế, cơ sở nào để khẳng định rằng:
Các em sẽ “chín chắn bởi nền tảng vốn sống”, “vốn chữ nghĩa” và “đủ để nhìn ra Chí Phèo như một tác phẩm có giá trị mà không bị bất kì một sự ám ảnh non thơ nào” như chị nói?
Không những vậy, trong tình hình mà đa phần các bạn trẻ hiện nay không thiết tha, mặn mà với các môn học thuộc khối ngành Khoa học xã hội nói chung (trong đó có môn văn) mà Chí Phèo chỉ được dạy ở bậc Đại học thì có phải là quá chậm trễ và đáng tiếc không?
Vì khi ấy, sẽ có một lượng rất lớn các bạn trẻ nước nhà có nguy cơ không được tiếp xúc với truyện ngắn này.
Cuối cùng, từ những phân tích trên, tôi cho rằng việc tác giả Sóng Hiền và Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đặt vấn đề cần xem xét và chú ý đến khía cạnh “tâm lý lứa tuổi” của các em học sinh trong trường phổ thông trong việc giáo dục là không có gì sai.
Tuy vậy, theo tôi ở đây trong khi lập luận nhằm chứng minh cho quan điểm của mình cả anh Sóng Hiền và Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đã quá máy móc và hời hợt khi mang truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra để làm ví dụ minh họa.
Nhân đây cũng xin nói thêm, theo tôi việc hình thành nhân cách cho các em học sinh ngoài vai trò của giáo dục nhà trường thì giáo dục trong gia đình cũng là một yếu tố rất quan trọng.
Đặc biệt là nó còn phụ rất nhiều vào môi trường xã hội hiện tại mà các em sống như thế nào? Nói như thế để thấy rằng giáo dục trong nhà trường tuy có vai trò quan trọng nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa nó.
Ngoài ra, thiển nghĩ trong quá trình giáo dục, bên cạnh việc mang những “tấm gương sáng” ra làm bài học cho các em thì cho các em hiểu thêm về những “tấm gương ố” cũng là điều rất quan trọng và cần thiết.
Những “tấm gương sáng” là bài học để các em noi theo; còn những “tấm gương ố” là bài học giúp các em nhận biết sự tệ hại, xấu xa, tàn bạo… của con người từ đó tránh xa, không phạm phải.
Đây chính phương cách giáo dục giúp cho con người trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình từ những sai lầm của người khác!
Nói tóm lại, theo tôi, trong chuyện này cả tác giả Sóng Hiền lẫn Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm đang có sự lấn cấn, nhập nhằng trong nhận thức về mục tiêu và nhiệm vụ của môn văn trong nhà trường phổ thông nên đã cường điệu và làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Từ đó suy diễn và tạo ra những sự lo lắng rất không cần thiết.
Cần Thơ, 15/12/2017
Nguồn tham khảo:
1. Nguyễn Sóng Hiền - “Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?”. Xem tại:
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/nen-dua-tac-pham-chi-pheo-ra-khoi-chuong-trinh-ngu-van-11-412525.html#inner-article
2. Lê Thị Thanh Tâm - “Đề xuất đưa "Chí Phèo" ra khỏi chương trình lớp 11: Sự thể tất của trí tuệ”. Xem tại: