Những câu hỏi về quy hoạch và xử lý cán bộ sai phạm nhìn từ vụ Bí thư Cô Tô

22/11/2021 09:14
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu hành vi phạm pháp của cựu Bí thư Huyện ủy Cô Tô được chứng minh là đúng thì không thể không nêu câu hỏi về quá trình theo dõi, quy hoạch cán bộ nguồn...

Quảng Ninh hơn một năm trở lại đây liên tục được nêu trên mặt báo không phải chỉ vì những khởi sắc về kinh tế hay việc chuẩn bị đón khách du lịch trở lại trong điều kiện “bình thường mới” mà còn là chuyện kỷ luật cán bộ.

Cụm từ “vùng mỏ” gắn với Quảng Ninh gần như đã là dĩ vãng, ngày nay nói đến Quảng Ninh là nói đến du lịch, kinh tế biển mà Vân Đồn, Cô Tô là một trong những địa danh nổi bật.

Điều đáng tiếc là hai năm nay, nhất là trong năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và trung ương đã phải xử lý hàng loạt cán bộ thuộc các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.

Tháng 07/2020 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật đảng với ba Thành ủy viên thành phố Cẩm Phả trong đó có hai Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Tháng 9/2021 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật Ban Cán sự Đảng và một loạt cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 trong đó có cả Chánh án, hai Phó Chánh án và một số người khác.

Tháng 9/2021 sau khi xem xét khuyết điểm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh. Cơ quan chức năng đã khởi tố một loạt cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh trong đó có nguyên Giám đốc Sở Vũ Liên Oanh.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kỷ luật ba vị nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 12/11/2021 sau khi xem xét tố cáo của công dân, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Hùng Sơn - Bí thư Huyện ủy Cô Tô, đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đình chỉ công tác Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô của ông Lê Hùng Sơn.

Ngày 17/11/2021 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh thi hành kỷ luật với Giám đốc và hai Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh…

Phải chăng vì tập trung làm kinh tế nên việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên có phần bị buông lỏng hay chủ yếu là do những cán bộ Quảng Ninh nêu trên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”?

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Vụ việc liên quan đến nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn được nhiều tờ báo đăng bài, chẳng hạn:

“Nghi án Bí thư huyện uỷ Cô Tô sai phạm và cách xử lý thần tốc “trong đêm” ”. [1]

“Đình chỉ Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô liên quan "nghi án" hiếp dâm”. [2]

“Bí thư Huyện ủy Cô Tô – người bị tố hiếp dâm nữ nhân viên là Bí thư cấp huyện trẻ nhất tỉnh Quảng Ninh”. [3]

“Bí thư huyện Cô Tô bị tố cưỡng hiếp nữ cán bộ, UBKT Tỉnh ủy Quảng Ninh vào cuộc”. [4]

“NÓNG: Đình chỉ công tác Bí thư Huyện ủy Cô Tô vì bị tố hiếp dâm”. [5]

“Vụ Bí thư Lê Hùng Sơn bị tố hiếp dâm: 3 khả năng pháp lý”. [6]

Điều đặc biệt trong 06 bài báo nêu trên là cả 06 bài đều nhắc đến chức vụ Bí thư của ông Lê Hùng Sơn mà không nhắc đến chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện mặc dù cơ quan chức năng Quảng Ninh đã đình chỉ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô của ông Long và đã cử ông Vũ Văn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban - điều hành các hoạt động của Ủy ban thay ông Lê Hùng Sơn. Một điều cũng đặc biệt không kém là 05 bài viết đã sử dụng cụm từ rất mạnh là “hiếp dâm, cưỡng hiếp” trừ bài [1].

Thông tin trên Vietbao.vn (Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế trực thuộc Cục thông tin đối ngoại - Bộ thông tin và truyền thông) ngày 12/11/2021 cho biết “Hiện cơ quan công an đã trích xuất camera tại khách sạn nơi xảy ra vụ việc để phục vụ công tác điều tra”. [7]

Tuy nhiên đến chiều ngày 21/11/2021 vẫn chưa thấy công bố trên các phương tiện truyền thông kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Một tờ báo tường thuật vụ việc qua lời của mẹ chồng nạn nhân như sau:

“Trong tiệc rượu, con bà bị ép uống khá nhiều nên say. Khoảng hơn 18h, chiếc xe chở đoàn vào một khách sạn với một phòng hát karaoke được bố trí sẵn. Việc hiếp dâm, theo tố cáo, xảy ra ngay tại phòng karaoke. Và thủ phạm là Bí thư kiêm Chủ tịch Cô Tô… Ngay trong đêm hôm đó, Công an tỉnh đã cử gần 20 người xuống làm việc với nghi phạm và lấy mẫu tinh trùng trong người nạn nhân mang đi giám định”. [1]

Một vụ việc đang trong quá trình điều tra nên bàn luận hoặc đánh giá cách thức xử lý mà tổ chức Đảng và chính quyền địa phương áp dụng có phải nên có sự tiết chế?

Việc khá nhiều bài báo đăng ảnh đương sự (không chỉnh sửa) và tít bài gắn với cụm từ “hiếp dâm” liệu có phù hợp?

Khi cơ quan điều tra bên Đảng và chính quyền chưa đưa ra kết luận chính thức thì đương sự vẫn vô tội, đó là nguyên tắc tối thượng mà bất kỳ nền tư pháp nào cũng phải tôn trọng, vì thế việc tổ chức hoặc cá nhân “gợi ý” cơ quan chức năng về tội trạng của công dân có phải là việc làm hợp tình, hợp lý?

Ngược lại, nếu đã có cơ sở kết luận nghi vấn “hiếp dâm” kết hợp với sự tố cáo của công dân tới cơ quan chức năng thì tức là đã hình thành một vụ án hình sự (theo điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) và do đó cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can chứ không phải chỉ cần cơ quan Công an vào cuộc rồi chính quyền dựa vào đó ban hành quyết định kỷ luật.

Việc nhiều bài viết cùng sử dụng một cụm từ gắn với một tội danh quy định trong Luật Hình sự phản ánh sự bức xúc của dư luận hay mang dấu ấn một cuộc “ném đá” hội đồng?

Nếu lời tố cáo là đúng sự thật, nếu sự việc đã xảy ra thì hai thông tin sau đây cần phải được xem xét một cách nghiêm túc:

1. Như báo Laodong.vn tường thuật, đoạn văn “Chiếc xe chở đoàn vào một khách sạn” cho thấy đây là một “đoàn” nghĩa là một nhóm người chứ không phải chỉ có đương sự và nạn nhân. Nhóm người này gồm bao nhiêu người, họ đã làm gì trong thời gian xảy ra vụ việc?

2. Nếu cả đoàn chỉ vào “một phòng hát karaoke được bố trí sẵn” thì phải chăng những người đi cùng đã rủ nhau lánh mặt “nhường” lại căn phòng cho đương sự và nạn nhân, bởi không thể có chuyện vụ việc xảy ra khi mọi người vẫn ngồi trong phòng?

Hai thông tin nêu trên dẫn tới một số câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao những người cùng đi không có mặt tại “hiện trường”? Họ bị buộc phải “thông cảm” với Bí thư huyện hay nhóm người này cố tình “tạo điều kiện” để cấp trên vi phạm?

Thứ hai, một Bí thư Tỉnh đoàn trẻ, thuộc thế hệ kế cận, được đào tạo bài bản (đương sự có bằng Cử nhân kinh tế, Cử nhân ngoại ngữ, Thạc sỹ kinh tế Công nghiệp), được Tỉnh ủy Quảng Ninh điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cô Tô, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được Hội đồng Nhân dân huyện Cô Tô khóa V bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ngày 07/11/2020 vì sao chỉ sau một năm ngồi vào chế ghế quyền lực (cấp huyện) đã bị sa ngã?

Thứ ba, với độ tuổi chưa đến 40 nghĩa là ở vào giai đoạn thể lực rất sung mãn, tuy không thể loại trừ khả năng cựu Bí thư huyện uống say đến mức không làm chủ được bản thân song cũng không thể không chú ý đến các khả năng khác, chẳng hạn chuyện “ngựa quen đường cũ” hoặc là vị này “uống nhầm” thứ không nên uống?

Thứ tư, ngày 20/03/2020 Trung ương ban hành “Hướng dẫn số 03-HD/TW” trong đó có đề cập đến chuyện đề cử, giới thiệu nhân sự tại đại hội Đảng các cấp. Theo đó “Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng”.

Công tác cán bộ nếu không thận trọng, nếu không cân nhắc mọi điều kiện dễ trở thành nguyên nhân làm mất cán bộ, làm giảm uy tín của Đảng và nhà nước.

Nếu hành vi phạm pháp (được cho là tội hiếp dâm) của cựu Bí thư Huyện ủy Cô Tô được chứng minh là đúng thì không thể không nêu câu hỏi về quá trình theo dõi, quy hoạch cán bộ nguồn tại địa phương bởi lẽ đương sự từng là một cán bộ bình thường được cất nhắc thành Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh; thư ký Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí Thư tỉnh đoàn; Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh. [8]

Có thể thấy vụ việc không chỉ liên quan đến đương sự và “nạn nhân” và vì vậy việc nhanh chóng xử lý cá nhân ông Lê Hùng Sơn phải chăng chỉ là bước khởi đầu, tiếp theo sẽ còn là việc xem xét trách nhiệm của một số người và cơ quan liên quan?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghi-an-bi-thu-huyen-uy-co-to-sai-pham-va-cach-xu-ly-than-toc-trong-dem-973517.ldo

[2] https://nld.com.vn/thoi-su/dinh-chi-bi-thu-kiem-chu-tich-huyen-co-to-lien-quan-nghi-an-hiep-dam-20211112145106248.htm

[3] https://danviet.vn/chan-dung-bi-thu-huyen-uy-co-to-nguoi-bi-to-hiep-dam-nu-nhan-vien-2021111218190275.htm

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-huyen-co-to-bi-to-cuong-hiep-nu-can-bo-ubkt-tinh-uy-quang-ninh-vao-cuoc-792023.html

[5] http://daidoanket.vn/nong-dinh-chi-cong-tac-bi-thu-huyen-uy-co-to-vi-bi-to-hiep-dam-5672252.html

[6] https://plo.vn/phap-luat/vu-bi-thu-le-hung-son-bi-to-hiep-dam-3-kha-nang-phap-ly-1027727.html

[7] https://vietbao.vn/dinh-chi-bi-thu-co-to-bi-to-hiep-dam-cong-an-trich-xuat-camera-khach-san-290439.html

[8] https://vtc.vn/quang-ninh-quan-lo-cua-bi-thu-huyen-co-to-vua-bi-dinh-chi-cong-tac-ar646239.html

Xuân Dương