Những mẩu chuyện vui buồn thời Covid-19

24/03/2020 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Ông Trần Quang Thảo có cần xin lỗi người dân cách ly tại quận 8 và hành vi “nói xấu dân” của ông có cần bị công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý hành chính?

Thứ nhất là chuyện “nói xấu dân và nói xấu cán bộ”

Đưa thông tin về phát biểu của ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi thị sát sáng 21/3/2020 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong dẫn đầu, Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn hai ý kiến của ông Thảo:

“Quận 8 thiếu khẩu trang, nhất là khẩu trang cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ;

“Có 4 hộ yêu cầu Ban chỉ đạo cung cấp trái cây là táo Newzeland và nho Mỹ”. [1]

Phát biểu thứ nhất của ông Thảo khiến cả hai vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố “nổi nóng” bởi vị Chủ tịch quận này không hề biết là quận đã nhận đủ khẩu trang mà thành phố cung cấp.

Còn phát biểu thứ hai sau khi báo chí đăng tải, cộng đồng mạng đã đưa ra khá nhiều bình luận rất cay nghiệt.

Bài viết trên Thanhnien.vn đăng 67 bình luận, xin trích một số ý kiến:

“Hơi nực cười nhỉ, muốn ăn ngon lúc này nên nhờ mua giúp, đòi hỏi thế không xấu hổ với nhân dân cả nước đang ủng hộ nhà nước chống dịch à; 

Tự bỏ tiền của mình ra mà mua hàng đi, xong gọi bên bán gửi Nho Mỹ với táo New Zealand vào cho! Cả đất nước đang gồng mình lên, các bác lãnh đạo đến ngủ còn chẳng đủ giấc... Sao không biết nghĩ một chút...”;

"Họ nghĩ là họ đang đi dự tiệc hay sao. Trong khi họ đang được đảm bảo an toàn thì bao nhiêu người khác phải đối mặt với những khó khăn nguy hiểm. Thật nực cười cho những đòi hỏi của họ”;... [2]

Nỗ lực, cố gắng, đoàn kết và quyết tâm cao thực hiện công tác phòng, chống dịch
Nỗ lực, cố gắng, đoàn kết và quyết tâm cao thực hiện công tác phòng, chống dịch

Sau khi dư luận dậy sóng, ông Trần Quang Thảo đính chính:

“Một số hộ dân có đề nghị mua giúp họ nho Mỹ, táo New Zealand sau khi được giải thích địa phương chỉ cung cấp thực phẩm thiết yếu”. [3]

“Đề nghị mua giúp” và “yêu cầu Ban chỉ đạo cung cấp” là hoàn toàn khác nhau, việc ông Chủ tịch quận đưa thông tin sai khiến cộng đồng mạng lên án người dân đang cách ly ở quận 8 có phải là hành động nói xấu người dân? 

Trong bài “Xử phạt 4 đối tượng nói xấu lãnh đạo trên Facebook” trên báo Thanhtra.com.vn có đoạn:

“4 người bị Công an huyện Tĩnh Gia phạt hành chính mức tiền 7.500.000 đồng/người gồm: Lê Quang Cường, sinh năm 1979 ở xã Hải Yến; Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1991 ở xã Trúc Lâm; Lê Khắc Linh, sinh năm 1982 xã Phú Lâm và Đặng Nguyên Tùng, sinh năm 1994 ở xã Nguyên Bình”. [4]

Được biết cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã khai trừ đảng viên Quách Duy (công tác biệt phái tại Trang Thông tin điện tử thuộc Đảng bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố) vì người này có hành vi “xuyên tạc, vu khống, hạ thấp uy tín đối với các đồng chí lãnh đạo thành phố và Trung ương”. [5]

Vậy ông Trần Quang Thảo có cần xin lỗi người dân cách ly tại quận 8 và hành vi “nói xấu dân” của ông có cần bị công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý hành chính?

Thứ hai là chuyện "kỳ thị"

Báo chí dẫn ý kiến phàn nàn của vài người nước ngoài, rằng họ bị người Việt “xa lánh” khi đến một số nơi công cộng. 

“Mùa dịch Covid-19, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam buồn vì người Việt dè chừng…

Trong suốt một năm sống ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình không được chào đón và bị xa lánh, anh Danny G. buồn bã”.

Ngay lúc này, cần chung tay, không ai cần ca thán!
Ngay lúc này, cần chung tay, không ai cần ca thán!

“Trên các nhóm, hội của người nước ngoài ở Việt Nam, rất nhiều người đã chia sẻ các câu chuyện và hy vọng người Việt Nam có thể bớt nhạy cảm, cẩn thận phòng tránh là tốt nhưng tuyệt đối không kỳ thị khách Tây, người nước ngoài trong thời gian này”. [6]

Có thể có hiện tượng thấy người nước ngoài không đeo khẩu trang hoặc vì lý do nào đó có người tránh xa họ nhưng phải khẳng định việc các nhóm, hội của người nước ngoài ở Việt Nam cho là người Việt “kỳ thị khách Tây, người nước ngoài” là không đúng sự thật.

Điều này cũng đã từng xảy ra khi một nhóm khách Hàn Quốc bị yêu cầu cách ly đã thông tin sai sự thật về đối xử của chính quyền thành phố Đà Nẵng với họ trên truyền hình nước này.

Cơ quan truyền thông Hàn Quốc sau đó đã phải đăng lời giải thích.

Việc đưa thông tin “kỳ thị” lên báo có nên cân nhắc nặng nhẹ?

Tuy nhiên có một sự “kỳ thị” của cư dân mạng mà người viết không phản đối, đó là sự giận dữ của nhiều người đối với một phụ nữ gốc Việt trở về từ Đài Loan khi người này buông lời xúc phạm người dân quê hương khi làm thủ tục tại sân bay.

Chúng ta sẵn sàng tha thứ khi người mắc lỗi biết hối cải nhưng không có nghĩa là không cảnh báo để ai đó đừng quên, rằng phía trước có rất nhiều đường để đi nhưng trở về quê hương thì chỉ có một con đường. 

Thứ ba là chuyện “bữa ăn”

Xin nói đôi chút về quyết định mới đây của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng quyết định “Hỗ trợ tiền ăn cho người nước ngoài (thông qua bếp ăn tập thể) với mức 85.000 đồng/người/ngày; Hỗ trợ tiền ăn cho người Việt Nam và lực lượng phục vụ tại cơ sở cách ly với mức 75.000/người/ngày”. [7]

Giải thích điều này ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết: “Đây là tiền xã hội hóa, không phải tiền ngân sách nhà nước”.

Bếp ăn phục vụ những người cách ly y tế tập trung - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Ảnh và chú thích trên Danviet.vn)
Bếp ăn phục vụ những người cách ly y tế tập trung - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Ảnh và chú thích trên Danviet.vn)
Bữa cơm của học sinh nội trú vùng cao (Ảnh và chú thích: Baoquangngai.vn)
Bữa cơm của học sinh nội trú vùng cao (Ảnh và chú thích: Baoquangngai.vn)

Các chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ y tế, lực lượng phục vụ tại cơ sở cách ly đang căng sức làm việc để bảo đảm an toàn tính mạng cho toàn dân, đặc biệt là những người phải cách ly, vì sao Hải Phòng lại chỉ hỗ trợ “lực lượng phục vụ” tiền ăn như bệnh nhân người Việt chứ không phải người nước ngoài? Chẳng lẽ họ làm việc nhàn hơn người bị cách ly?

Tiền xã hội hóa tức là từ các doanh nghiệp, người dân đóng góp cho thành phố và chắc chắn không người dân nào khi ủng hộ tiền cho các hoạt động chống dịch Covid-19 lại kèm theo điều kiện phải cho người nước ngoài hưởng cao hơn người Việt.

Cách thức phân bổ tiền đóng góp của dân mà Hải Phòng áp dụng liệu có tùy tiện?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://mattran.org.vn/tin-tuc/cach-ly-vi-covid19-mot-so-ho-dan-yeu-cau-cung-cap-tao-new-zealand-nho-my-32867.html

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-de-xuat-tang-muc-ho-tro-nguoi-cach-ly-phong-dich-covid-19-1199331.html

[3] http://kinhtedothi.vn/thuc-hu-chuyen-nguoi-cach-ly-phong-dich-covid-19-doi-an-nho-my-tao-new-zealand-378530.html

[4] https://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/xu-phat-4-doi-tuong-noi-xau-lanh-dao-tren-facebook_t114c1144n148821

[5] https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thi-hanh-ky-luat-doi-voi-dang-vien-quach-duy-bang-hinh-thuc-khai-tru-1491856689

[6] https://thanhnien.vn/doi-song/khach-tay-o-viet-nam-ke-chuyen-tui-than-vi-bi-nhieu-nguoi-ne-vi-dich-covid-19-1199266.html

[7] http://danviet.vn/tin-tuc/hai-phong-ly-giai-viec-ho-tro-tien-an-cho-nguoi-nuoc-ngoai-bi-cach-ly-1070905.html

Xuân Dương