Thủ Thiêm, nước mắt đã ngừng rơi?

03/07/2019 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Hy vọng cuộc “trường kỳ khiếu nại” kéo dài tới 20 năm của bà con Thủ Thiêm sẽ kết thúc có hậu, để nước mắt không còn rơi trên khuôn mặt những người già...

Ngày 26/6/2019 của Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo số 1041/TB-TTCP “Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Từ lời văn của bản thông báo, có thể thấy bản kết luận thanh tra này tập trung vào xem xét vai trò của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong “quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai” chứ chưa đề cập đến quyền và lợi ích của đối tượng bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính quyền, tức là người dân sinh sống hợp pháp tại các khu vực bị giải tỏa trong và ngoài ranh giới quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm.

Hy vọng tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện một vài chuyên đề thanh tra khác về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân Thủ Thiêm, tổ chức Đảng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Kiểm tra, Dân vận và Quốc hội cũng sẽ đề cập đến vai trò của Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vụ việc kéo dài tới 20 năm này.

Có ai khóc cùng dân không?

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ vai trò của cấp ủy, Hội đồng nhân dân và đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Sẽ là thiếu sót lớn, là vô cảm với nỗi khổ của người dân Thủ Thiêm nếu đây là kết luận thanh tra cuối cùng về những tai tiếng liên quan đến các cá nhân, tổ chức đã biến dự án khu đô thị này thành ác mộng với nhiều hộ dân sinh sống tại đây.

Ít nhất đã có ba lần Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vào các năm 2015, 2018, 2019.

Ngày 30/05/2018, Tạp chí điện tử Langmoi.vn - cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có bài: “Phải trả lời vì sao dừng thanh tra Thủ Thiêm?”. [1]

Ảnh chụp màn hình tạp chí điện tử Langmoi.vn ngày 01/07/2019
Ảnh chụp màn hình tạp chí điện tử Langmoi.vn ngày 01/07/2019

Bài báo có đoạn: “Năm 2015, Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng, đoàn thanh tra sau vài ngày làm việc, phát hiện hàng loạt sai phạm thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bất ngờ có văn bản “Mật” cho hoãn thanh tra toàn bộ dự án”.

Tiếc rằng cho đến nay, người dân và truyền thông vẫn chưa được tiếp cận được với giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ về câu hỏi này.

Ngày 18/8/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết quả kiểm tra, rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về ranh quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi kết quả thanh tra được công bố, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (Vov.vn) đã có bài viết:

“Người dân Thủ Thiêm: Kết luận thanh tra Khu đô thị mới chưa thỏa đáng”. [2]

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ lại tiếp tục vụ việc Thủ Thiêm và ban hành Thông báo 1041/TB-TTCP. Một lần nữa báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam lại phải đề cập đến cụm từ “dân Thủ Thiêm” trong bài viết:

“Kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa nhắc đến đời sống dân Thủ Thiêm”. [3]

Trả lời phỏng vấn của báo Thanhnien.vn “Người dân ở đâu sau 2 kết luận thanh tra?” nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng:

“Ở các nước có chính sách tiến bộ, người ta luôn đặt cư dân tại chỗ vào trung tâm của phát triển đô thị. Rất tiếc, ở ta lại luôn đặt nhà đầu tư vào trung tâm, tạo nên sự xung đột xã hội bắt nguồn từ sự cảm nhận bất công bằng về lợi ích”. [4]

Từ các dẫn chứng nêu trên, có thể thấy việc người dân bị đặt ra ngoài sự quan tâm của Thanh tra Chính phủ không phải là ý kiến duy nhất trên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn là ý kiến của không ít cá nhân có uy tín và xuất hiện trên không ít bài báo.

Đến đây thì không thể không đặt câu hỏi: “Mục đích thanh tra vụ việc tại Thủ Thiêm năm 2019 là gì?”.

Nếu mục đích thanh tra là thu hồi 26.315 tỷ đồng đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước và xử lý một số cán bộ, cơ quan sai phạm thì phải chăng đã có sự xem nhẹ mục tiêu ghi trong Hiến pháp 2013:

Ai đang chơi “Ô ăn quan” ở Sài Gòn?
Ai đang chơi “Ô ăn quan” ở Sài Gòn?

“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. 

Và cũng không thể không đặt câu hỏi vì sao kết luận thanh tra lại đặt vấn đề:

“Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Còn nhớ vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (An Viên - AVG), ngày 26/4/2018, đại diện các cổ đông AVG đã chuyển khoản trả cho MobiFone tổng số tiền hơn 8 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm số tiền MobiFone đã thanh toán cho nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần khi mua 95% cổ phần AVG (hơn 8.445 tỷ đồng) và gần 60 tỷ đồng là số tiền các cổ đông chuyển nhượng tạm trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tạm tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán.

Toàn bộ số tiền có khả năng thất thoát của ngân sách đã được thu hồi từ tháng 4/2018 song ba tháng sau, vào tháng 7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.

Sau 9 tháng điều tra, 9 người đã bị bắt trong đó có hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, một vụ trưởng, một số lãnh đạo MobiFone và doanh nhân.

Có thể thấy đã có tiền lệ, dù đã khắc phục hậu quả, dù đã trả tiền đầy đủ cho ngân sách thì vụ án vẫn được khởi tố và bị can vẫn bị bắt tạm giam.

Vậy thì tại sao trong vụ Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ lại đề xuất “nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm…” thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý? 

Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân”
Phác thảo chân dung những kẻ “hại nước, hại dân”

Trong trường hợp các đối tượng “khắc phục triệt để các vi phạm” thì có phải sẽ không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý? Liệu pháp luật có phải là những “đường cong mềm mại” để cơ quan chức năng tùy ý tận dụng?

Có một điều người viết hoàn toàn tán thành với kết luận thanh tra:

“Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận”.

Được biết, theo Phụ lục 1 kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, ban hành ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị, chức danh cán bộ địa phương do Bộ Chính trị quản lý gồm:

- Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chức danh lãnh đạo địa phương do Ban Bí thư quản lý gồm:

- Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân; chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố.

Trong vụ Thủ Thiêm không thể chỉ nói đến trách nhiệm của cơ quan công quyền (Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) mà còn có trách nhiệm của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thời kỳ đó- những đối tượng do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.

Hy vọng cuộc “trường kỳ khiếu nại” kéo dài tới 20 năm của bà con Thủ Thiêm sẽ kết thúc có hậu, để nước mắt không còn rơi trên khuôn mặt những người già và đặc biệt những người mang danh “đày tớ nhân dân” nhưng bằng mọi cách đẩy dân chúng vào cảnh mất đất, mất nhà sẽ bị trừng trị thích đáng giống như hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như hàng loạt tướng tá Quân đội, Công an đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://langmoi.vn/phai-tra-loi-vi-sao-dung-thanh-tra-thu-thiem/

[2]https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-thu-thiem-ket-luan-thanh-tra-khu-do-thi-moi-chua-thoa-dang-811032.vov

[3] https://vov.vn/tin-24h/ket-luan-cua-thanh-tra-chinh-phu-chua-nhac-den-doi-song-dan-thu-thiem-926744.vov

[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/co-the-tuyen-hop-dong-bt-voi-nha-dau-tu-tai-thu-thiem-la-vo-hieu-1097862.html

Xuân Dương