Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết tỉnh này đã nhận được kết quả chấm thẩm định các bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển về.
Danh sách này được đóng dấu mật của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ Ban Giám đốc Sở mới được tiếp cận.
“Đây là quy định bảo mật của Bộ Giáo dục và Đào tạo do đó không cung cấp cho báo chí mà chỉ dùng cho công tác quản lý nhà nước”, ông Trọng (Chánh văn phòng Sở Giáo dục Sơn La) giải thích như vậy.
Báo chí đưa tin ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội (Ủy ban) cho biết, Ủy ban dự kiến sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an về vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 vào ngày 23/04/2019.
Ủy ban muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ "chuyện gì đang xảy ra" song cũng cho biết, đây sẽ là phiên giải trình "kín", vì muốn "các cơ quan này nói hết". [1]
Ảnh minh họa: Giadinhvietnam.com |
“Chống tham nhũng không có vùng cấm” là điều được nhắc đi nhắc lại trong các văn bản và phát biểu của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với chủ trương “Xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo”.
Hy vọng với chủ trương nhất quán đó, những thông tin đóng dấu “Mật” hoặc nội dung “giải trình kín” nếu không thuộc diện “Bí mật quốc gia” sẽ được cơ quan chức năng cung cấp cho nhân dân sớm nhất có thể.
Báo điện tử Dangcongsan.vn trong bài: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” viết:
“Các cấp ủy đảng cần tập trung quán triệt theo quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; đồng thời tập trung vào nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII)”. [2]
Bài báo cũng nhắc đến Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Vai trò của nhân dân được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước liên quan đến giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những người nắm trọng trách ở địa phương và Trung ương.
Muốn nhân dân giám sát thì người dân phải nắm được thông tin bởi không ít trường hợp phóng viên còn bị hành hung khi thu thập thông tin nên người dân rất khó tự mình điều tra sai phạm.
Nếu không tồn tại những đường dây, những nhóm người có chức, có quyền và có tiền thao túng quá trình thi thì liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định kết quả chấm thẩm định điểm của thí sinh Sơn La thuộc diện phải “bảo mật”?
Trong thực tế không phải là chưa từng xảy ra chuyện lợi dụng chức năng quản lý nhà nước để đóng dấu “Mật” lên tài liệu không phải là bí mật nhà nước như vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Đừng ngây thơ, hay vội vàng nói 60 tỉnh còn lại không có gian lận thi cử |
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bản kết quả chấm thẩm định của Sơn La là tài liệu mật liệu có phải là kịch bản tương tự vụ mua bán AVG?
Vì sao trong khi cả xã hội đòi hỏi phải công khai danh tính phụ huynh thí sinh được nâng điểm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại làm chuyện ngược lại bằng cách quy định bản kết quả chấm thẩm định của thí sinh Sơn La là tài liệu “mật”?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dành sự quan tâm đến cán bộ Sơn La hay đến đòi hỏi của nhân dân, đến nhiệm vụ chính trị mà dân giao phó?
Việc đóng dấu “Mật” lên văn bản kết quả chấm thẩm định các bài thi trong kỳ thi 2018 của Sơn La có phải đã tuân thủ chính xác những gì luật pháp cho phép?
Ngày 15/11/2018, Quốc hội ban hành “Luật Bảo vệ bí mật nhà nước”. Tại khoản 8 Điều 7 “Phạm vi bí mật nhà nước” quy định các thông tin sau đây thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là bí mật nhà nước:
a) Đề thi, đáp án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia;
b) Thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và ngoài nước;
Khi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chưa được ban hành, năm 2017 Bộ Công an ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BCA quy định “Danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Giáo dục và Đào tạo”.
Liên quan đến các kỳ thi, thông tin sau đây được quy định là bí mật nhà nước:
“Phương án sắp xếp thí sinh trong phòng thi, mã số phách bài thi và các tài liệu liên quan kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố”.
Ngôn từ trong Luật và Thông tư nêu trên cho thấy, thông tin, tài liệu liên quan đến việc “Tổ chức kỳ thi cấp quốc gia” được xem là bí mật nhà nước, không có bất kỳ câu chữ nào nói điểm chấm các bài thi của thí sinh là bí mật nhà nước.
Là một bộ thuộc Chính phủ, theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, chứ không phải là được làm những gì pháp luật không cấm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không được tự quy định những điều mà các văn bản quy phạm pháp luật không quy định.
Để có thể kết luận điểm chấm thẩm định kết quả thi 2018 có phải là “bí mật nhà nước” xin dẫn thêm một số thông tin:
Báo Giaoducthoidai.vn (cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đăng tin:
“Tại buổi công bố kết quả chấm thẩm định, ông Phạm Sỹ Bỉnh - Phó chủ tịch Hội đồng chấm thẩm định - Phó vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc đẩy nhanh tiên độ chấm thẩm định theo quy định của Quy chế thi THPT Quốc gia, chiều ngày 21/7 Hội đồng chấm thẩm định đã có mặt tại Lâm Đồng. Qua gần hai ngày làm việc hết sức khẩn trương, hội đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”. [3]
Baotintuc.vn - Kênh thông tin của Chính phủ do Thông tấn xã Việt Nam phát hành – ngày 23/07/2018 đưa tin:
“Ông Lê Ngọc Bữu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre cho biết, kết quả chấm thẩm định điểm kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của tỉnh Bến Tre do Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trùng khớp 100% với kết quả chấm của Hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia Bến Tre”. [4]
Như vậy kết quả chấm thẩm định các bài thi trong kỳ thi quốc gia 2018 tại Lâm Đồng, Bến Tre đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và không thấy báo chí thông tin kết quả này được quy định là “tài liệu mật”.
Đối chiếu kỹ các quy định trong Luật và Thông tư nêu trên và thực tế diễn biến tại Lâm Đồng, Bến Tre sau khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 kết thúc, có thể thấy điểm chấm thi, chấm phúc khảo hoặc chấm thẩm định không phải là “Bí mật nhà nước”.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai kết quả chấm thi cùng với phổ điểm từng môn thi là điều thuộc phạm vi trách nhiệm phải làm.
Thông tin liên quan đến “đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” liên quan đến vụ gian lận điểm thi tại Sơn La bị phong tỏa không cho dân chúng và truyền thông tiếp cận có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tự cho mình quyền đứng trên pháp luật, đứng trên nhân dân.
Phải chăng đây chỉ là biến tướng của hành vi “Cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân” như ý kiến thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ?
Không khó để phỏng đoán kết quả chấm thẩm định tại Sơn La đóng dấu “mật” không liên quan đến số điểm được nâng của từng bài thi hay những cán bộ đã bị khởi tố mà liên quan đến những gì dư luận xã hội đang đòi hỏi, cụ thể là thông tin về cha mẹ và bản thân các thí sinh được nâng điểm.
Nếu liên quan đến một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh này thì càng cần minh bạch để trả lại sự trong sạch cho những người đang bị dư luận “hiểu lầm” là có tác động đến những thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đặc biệt là những người trực tiếp chấm thi.
Thực ra thì chẳng cần cơ quan chức năng công bố, báo chí cũng đã đưa ra khá đầy đủ danh sách các phụ huynh có con, cháu được nâng điểm.
Điều đáng nói là không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà phản ứng của nhiều cơ quan, ban ngành tỏ ra khá chậm và lúng túng, trong khi vụ việc diễn ra đã được gần một năm và bị đánh giá là “Vết nhơ lớn nhất của ngành giáo dục nước nhà”.
Sự bàng quan, thậm chí là trốn tránh trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan có trách nhiệm trong vụ việc cho thấy “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức.
Dung túng thói giả dối trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo giáo dục chính là xem nhẹ nền giáo dục, chính là một đòn giáng chí tử vào “Quốc sách hàng đầu” – điều đã được ghi trong Hiến pháp.
Quân đội yếu chưa chắc đã thua mọi trận đánh nhưng giáo dục lụn bại khiến đạo đức xã hội suy đồi thì chắc chắn sẽ thua trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Dung dưỡng thói xấu trong giáo dục, để tồn tại trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục những kẻ dối trá, mất hết liêm sỉ là tội ác, không phải khuyết điểm.
Ngay hôm nay nếu không làm cuộc chấn hưng giáo dục thì muôn đời sau con cháu sẽ luôn luôn nhắc đến, và thế hệ người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/gian-lan-thi-cu-quoc-hoi-muon-duoc-giai-trinh-tuong-tan-chuyen-gi-dang-xay-ra-1072760.html
[2] http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dan-biet-dan-ban-dan-lam-dan-kiem-tra-475823.html
[3] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/lam-dong-ket-qua-cham-tham-dinh-khop-voi-diem-thi-cong-bo-3940546-v.html
[4] https://baotintuc.vn/tuyen-sinh/da-co-ket-qua-cham-tham-dinh-diem-thi-thpt-quoc-gia-tai-ben-tre-20180723114323267.htm