Đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục lần này, GS. Hoàng Tụy cũng đã có nhiều cuộc làm việc rất nghiêm túc với Bộ GD&ĐT về những vấn đề cần đổi mới, trong đó có đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK). Xung quanh câu chuyện này, GS. Hoàng Tụy đã dành cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam những ý kiến sâu sắc.
GS. Hoàng Tụy khẳng định: “Không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một tổ chức nào, kể cả của Bộ GD. Cần cho phép bất cứ ai cũng được quyền biên soạn, xuất bản SGK. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng tối thiểu cần thiết, chỉ những SGK nào đã qua sự thẩm định của một Hội đồng có thẩm quyền của Bộ GD mới được phép dùng trong trường học”.
Vấn đề “cốt tử” cần đổi mới ở SGK
PV: Thưa GS, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện hành được cho là có nhiều bất cập, vậy trong lần đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản này những bất cập ấy sẽ phải giải quyết như thế nào ?
GS Hoàng Tụy: Đúng là SGK lâu nay có nhiều vấn đề gây bức xúc. Từ mấy năm nay những khuyết điểm, sai sót trong SGK đã được nói tới nhiều. Cũng đã có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT không nên giữ độc quyền biên soạn và xuất bản SGK và không ít phương án giải quyết vấn đề này đã được đề xuất. Cho nên trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục sắp tới tất nhiên SGK là một trong các khâu quan trọng cần thể hiện sự đổi mới đó.
GS. Hoàng Tụy: Không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một tổ chức nào, kể cả của Bộ GD. Ảnh Xuân Trung. |
Mặc cho không ít cố gắng của Bộ GD&ĐT, những bất cập về SGK cứ tồn tại dai dẳng trong hàng chục năm qua. Phân tích kỹ có thể thấy rằng cái gốc của mọi khó khăn ở đây chính là do tư duy, quan niệm cơ bản về SGK chưa ổn. Cái gốc đó mà chưa khắc phục thì dù cố gắng gì cũng khó đem lại kết quả. Cho nên mấu chốt là phải thay đổi tư duy, quan niệm về SGK, mới có thể từng bước thóat ra khỏi những thói quen, những nếp làm cũ kỹ đã hình thành từ cả thời gian dài mấy chục năm qua.
PV: Là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình đổi mới, theo GS chúng ta bắt đầu giải quyết được những khâu nào đầu tiên?
GS Hoàng Tụy: Thật ra vấn đề cũng không đến nỗi quá phức tạp. Trên thế giới không thiếu kinh nghiệm, chỉ cần chúng ta xem xét cách làm của họ thì cũng rút ra được nhiều bài học.
Chung quy có mấy quan niệm cơ bản về SGK nên xác định lại cho rõ.
Thứ nhất, không cần thiết và không nên quy định chỉ có một bộ SGK duy nhất cho mọi trường học trong cả nước. Về chuyện này cách đây 30 năm khi tôi làm Chủ tịch Hội đồng duyệt sách SGK toán ở Bộ GD&ĐT, tôi đã đề xuất nên cho phép có nhiều bộ SGK về mỗi bộ môn. Theo chủ trương đó, về môn toán chẳng hạn, có thời chúng ta đã có hai bộ SGK toán, do hai nhóm biên soạn được lựa chọn ở miền Bắc và miền Nam. Nhưng thật đáng tiếc, chỉ vài năm sau chủ trương đó đã bị bác bỏ, với lý do "vớ vẩn" đất nước đã thống nhất thì SGK cũng phải thống nhất, chỉ có thể cho phép có một bộ SGK chung cho cả nước !
Vì chỉ cần có một bộ SGK duy nhất nên theo chế độ quản lý tập trung quan liêu của chúng ta đương nhiên bộ SGK ấy phải do Nhà Nước (Bộ GD&ĐT) chịu trách nhiệm biên soạn và xuất bản. Chính đó là sai lầm đưa tới nhiều hệ lụy bất cập ngày càng rõ nhưng càng khó khắc phục.
Thứ hai, nên từ bỏ quan điểm coi SGK là “pháp lệnh”, bắt buộc thầy giáo phải dạy đúng y theo SGK, thậm chí đến thi cử mà thí sinh trả lời không theo đúng SGK cũng bị mất điểm. Nên xác định chỉ có chương trình là bắt buộc phải theo đúng, còn thực hiện chương trình như thế nào thì tùy thầy giáo, có thể tự soạn riêng giáo trình, hay dùng SGK nào thích hợp nhất cho đối tượng học sinh cụ thể của mình. Như thế mới khuyến khích thầy giáo suy nghĩ sáng tạo trong cách giảng dạy, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh gữa các SGK khác nhau để nâng cao chất lượng.
Thứ ba, SGK không nhất thiết phải bó hẹp nội dung trong các vấn đề thuộc phạm vi chương trình, mà có thể bao gồm một nội dung rộng hơn, sâu hơn, nhưng vẫn trong tầm tiếp thu của học sinh các lớp tương ứng. Như thế học sinh giỏi có thể dùng SGK tự bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng, tập cho các em biết tự học, tự tìm cách mở rộng hiểu biết.
Mặt khác, tuy chương trình cần tương đối ổn định trong khoảng 10 - 15 năm, nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy trong khoảng thời gian ấy, chương trình thường vẫn có thể có những điều chỉnh nhất định. Khi đó nếu SGK chỉ bám sát đúng chương trình thì có thể không đáp ứng yêu cầu, có khi phải soạn lại mới dùng được. Cho nên, để giữ cho SGK có thể dùng tương đối lâu dài thì thường nó phải có nội dung đủ rộng, dĩ nhiên ở mức độ thích hợp.
Như thế một mặt tránh được sự lãng phí lớn hàng năm hoặc vài ba năm lại phải chỉnh sửa, in lại SGK rất tốn kém, mặt khác do SGK có thể dùng ổn định trong 10 - 15 năm nên trong gia đình SGK của anh có thể để lại cho em dùng, hoặc bán lại với giá rẻ cho người khác. Đồng thời, nhà trường có thể sắm đủ SGK để hàng năm cho học sinh mượn dùng hoặc thuê với giá rẻ. Đó là cách làm phổ biến từ lâu ngay cả ở nhiều nước giàu. Dân ta còn nghèo mà sử dụng SGK như ta chẳng những lãng phí mà còn gây nhiều khó khăn cho người học.
Thứ tư, không nên trao độc quyền biên soạn và xuất bản SGK cho một cá nhân hay một tổ chức nào, kể cả của Bộ GD. Cần cho phép bất cứ ai cũng được quyền biên soạn, xuất bản SGK. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng tối thiểu cần thiết, chỉ những SGK nào đã qua sự thẩm định của một Hội đồng có thẩm quyền của Bộ GD mới được phép dùng trong trường học.
Như vậy, sẽ có nhiều bộ SGK được phép dùng và qua cạnh tranh thực tế các SGK sẽ được cải tiến, sửa chữa những sai sót, nâng cao dần chất lượng về cả nội dung lẫn hình thức trình bày. Kinh nghiệm thực tế ở các nước cho thấy qua quá trình sàng lọc thực tế đó thường chỉ tồn tại vài ba bộ hay 4 - 5 bộ SGK có chất lượng để dùng cho nhiều năm. Những SGK tốt nhất có khi tồn tại qua mấy thế hệ mà chỉ lâu lâu mới có những chỉnh sửa không đáng kể.
Đó là mấy quan niệm cơ bản về SGK cần phải thay đổi trước hết thì rồi mới có thể cải tiến công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK đáp ứng yêu cầu đổi mới GD.
Mong “số phận” Đề án đổi mới được may mắn
PV: Việc đổi mới công tác SGK theo hướng như GS đề nghị chắc không dễ dàng và đòi hỏi phải có thời gian. Theo GS cần một giai đoạn chuyển tiếp như thế nào?
GS Hoàng Tụy: Đuơng nhiên không thể vội vàng được mà phải có một lộ trình chuyển tiếp trong đó phải xử lý nhiều vấn đề cụ thể. Phải xây dựng chương trình trước rồi mới bàn đến SGK chứ không thể làm ngược. Chương trình này phải được giữ tương đối ổn định trong khoảng 10 - 15 năm cho nên phải làm cẩn trọng và bài bản.
Đổi mới chương trình và SGK phải giữ được tính bền vững trong khoảng 10 - 15 năm. |
Nếu chấp nhận những quan niệm như tôi đã trình bày thì sau khi chương trình đã xác định sẽ công bố cho mọi người biết và khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia biên soạn. Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị một bộ SGK để tạm dùng trong giai đoạn đầu. Về sau bộ SGK này sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với những SGK do các nhóm tác giả khác biên soạn.
PV: Thưa GS, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nói trên báo chí rằng, trong cuộc đổi mới lần này Bộ trưởng đã có gặp GS một số lần và lắng nghe ý kiến từ GS. Vậy trong Đề án này chắc có nhiều điểm phù hợp với những quan điểm góp ý của GS?
GS Hoàng Tụy: Đúng là mấy năm gần đây tôi đã có nhiều dịp làm việc nghiêm túc và có hiệu quả với Bộ GD&ĐT. Tôi cần ghi nhận điều đó và rất cảm kích trước thái độ cởi mở và thật sự cầu thị của Bộ trưởng. Tôi vào nghề giáo khi mới 19 tuổi và sau này khi đã trưởng thành trong nghề để bước vào khoa học tôi vẫn luôn luôn gắn bó với giáo dục.
Năm 1955 - 1956 tôi được giao trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục ở miền Bắc khi ấy. Năm 2004, được sự gợi ý và ủng hộ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đã cùng 23 trí thức trong nước và Việt kiều gửi lên TƯ một bản kiến nghị nhan đề: “Chấn hưng, cải cách giáo dục – mệnh lệnh từ cuộc sống”.
Tước tình hình suy sụp nặng nền của giáo dục, năm 2009 tôi lại cùng với Viện IDS xây dựng và gửi lên trên một kiến nghị mới về chấn hưng giáo dục. Nhìn chung, các kiến nghị ấy cũng như nhiều bản góp ý khác rất tâm huyết và sáng suốt của nhiều bậc thức giả, thường không có mấy tác dụng. Tuy cũng có trường hợp kiến nghị được tiếp nhận nghiêm túc (như bản kiến nghị của 24 trí thức năm 2004), nhưng hầu hết đều không có hồi âm.
Chỉ có bản kiến nghị “Đề cương cải cách giáo dục” đăng đầu tiên ở Tạp chí Tia Sáng cách đây hơn một năm là tương đối thành công, nhờ được sự hợp tác có hiệu quả với Bộ GD&ĐT và Ban Tuyên giáo TƯ. Kể ra như thế cũng đã chậm nhưng vẫn còn là may.
Một điều nữa tôi muốn nói là có một đề án tốt được TƯ thông qua là thuận lợi lớn, nhưng chỉ mới là bước đầu. Thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Trước đây đã từng có nghị quyết TƯ II khóa 8, xác định phát triển giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu, mà rồi mọi chuyện vẫn cứ ỳ ra, không tiến được bước nào mà có mặt còn tồi tệ hơn. Mong sao số phận đề án đổi mới giáo dục kỳ này sẽ may mắn hơn.
Xin chân thành cám ơn GS!
Xuân Trung (thực hiện)