Để GD thực hiện được sứ mạng vẻ vang của mình, Đại hội XI của Đảng đã yêu cầu “đổi mới căn bản và toàn diện GD và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”. Tuy văn kiện Đaị hội không sử dụng cụm từ “cải cách GD” nhưng “đổi mới căn bản và toàn diện” thực chất là cải cách.
1. Đổi mới triết lý GD
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết và PGS.TS Hoàng Hòa Bình, đầu tiên là phải đổi mới Triết lý Giáo dục |
Theo chúng tôi, GD Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền GD thực học, khai phóng và dân chủ.
Trước hết, nói về thực học. Về cơ cấu ngành nghề, thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong những ngành kinh tế - kỹ thuật có tính ứng dụng cao. Nước ta còn nghèo, lại là nước đi sau và muốn nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước nên không thể phát triển dàn trải. Trong vòng 50 năm tới, cần tập trung đào tạo nhân lực cho những ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, có khả năng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các ngành khoa học cơ bản, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chỉ cần đầu tư đào tạo số lượng ít những người thực sự có năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng nhân tài.
Về nội dung dạy và học, thực học có nghĩa là từ bỏ những kiến thức thuần tuý sách vở, hàn lâm, tập trung vào việc hình thành những tri thức và kỹ năng thiết thực đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Về phương pháp dạy và học, thực học có nghĩa là tăng cường thời gian thực hành cho người học, gắn kết trường học với đơn vị sử dụng lao động để người học có điều kiện vừa học vừa làm. Ở CHLB Đức, việc đào tạo kỹ sư thực hành và công nhân thường có sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp theo tỷ lệ doanh nghiệp bỏ ra 70%, nhà nước 30% tổng chi phí đào tạo. Trong quá trình đào tạo, học sinh có 70% thời gian học tại doanh nghiệp, 30% tại trường. Thời gian học tại doanh nghiệp, học sinh được tiếp cận với toàn bộ thiết bị, công nghệ mới, thậm chí được doanh nghiệp trả lương khi đáp ứng được yêu cầu của cong việc. Đây là một kinh nghiệm quý nên được tham khảo.
Thứ hai, nói về dân chủ. Trên phương diện tổ chức hệ thống giáo dục, dân chủ đồng nghĩa với xã hội hoá, nhưng xét về mặt thuật ngữ thì sử dụng thuật ngữ dân chủ hợp lí hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng xã hội hóa (socialisation) là một khái niệm của nhân loại học và xã hội học, được định nghĩa là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên của xã hội ấy.
Xã hội hoá trước tiên được thực hiện trong gia đình, rồi được tiếp tục thực hiện trong nhà trường và các nhóm xã hội - nghề nghiệp. Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường thường làm công việc xã hội hoá trước (anticipatory socialisation); trong nhiều trường hợp, nhất là khi đã vào đời hoặc sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, người ta phải đào thải một số giá trị cũ, tiếp thu những giá trị mới để hoàn thiện bản thân, tức là được xã hội hoá lại (resocialisation).
Để tránh hiểu ngược với cách hiểu đã phổ biến từ lâu trong nhân loại học và xã hội học, chúng ta cần thay thuật ngữ xã hội hoá trong cụm từ xã hội hoá giáo dục bằng thuật ngữ dân chủ (hoặc dân chủ hoá) và hiểu dân chủ có nghĩa là người dân tham gia phát triển giáo dục, quản lý giáo dục và được tạo mọi điều kiện để hưởng thụ thành quả giáo dục.
Trên phương diện quản lý GD, dân chủ thể hiện ở quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD, quyền chủ động của giáo viên và quyền của người học đóng góp vào quá trình thực hiện hoạt động GD. Còn trên phương diện nội dung và phương pháp dạy học, dân chủ thể hiện không chỉ ở tư tưởng dân chủ trong nội dung GD mà còn ở sự tôn trọng người học, tạo điều kiện để người học phát triển.
Thứ ba , nói về khai phóng. Khai phóng là cởi mở về tư tưởng, học thuật, tạo điều kiện cho việc tiếp nhận và sáng tạo cái mới. Có khai phóng mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm.
Người Việt Nam chúng ta thường tiếp thu nhanh và có nhiều sáng kiến nhưng năng lực tưởng tượng không cao, do đó ít có khả năng tạo ra những bước đột phá. Từ mô hình xã hội đến phát triển kinh tế, công nghệ, chúng ta thường nhập khẩu hoặc mô phỏng sáng kiến nước ngoài.
Nguyên nhân hẳn không phải là hạn chế về năng lực tư duy mà là ở sự kìm hãm tự do tư tưởng và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất kéo dài hàng nghìn năm từ chế độ phong kiến phương Đông cho đến trước thời kỳ Đổi mới.
Hơn lúc nào hết, đổi mới căn bản và toàn diện GD là thời cơ thuận lợi để giải phóng tư duy con người khỏi tầm nhìn hạn hẹp, tạo ra những bước ngoặt về chất lượng nhân lực, góp phần thúc đầy phanh sự phát triển của đất nước và tiến bộ của nhân loại.
2. Đổi mới cơ cấu hệ thống GD quốc dân
Hệ thống Giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm tỏ ra không phù hợp |
Hệ thống GD phổ thông kéo dài 12 năm tỏ ra không phù hợp với hoàn cảnh của đa phần người học và điều kiện kinh tế của đất nước nói chung. Theo quan điểm của chúng tôi, nên thiết kế hệ thống này theo công thức 9 + 2, tức là đại bộ phận học sinh chỉ học 9 năm, sau đó vào trường nghề; số học sinh có đủ điều kiện sẽ học 2 năm dự bị ĐH và chỉ học các môn phục vụ chuyên ngành tương lai.
Hệ thống GD chuyên nghiệp và GDDH nước ta khá rắc rối. Bên cạnh các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường CĐ, trường ĐH do Bộ GDĐT quản lý, còn có các trường nghề do Bộ LĐTBXH quản lý, bao gồm ba trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và CĐ nghề.
Theo chúng tôi, nhân dịp đổi mới căn bản và toàn diện GD, chúng ta cần giải quyết những rắc rối này - những rắc rối nảy sinh không phải từ khoa học mà từ sự phân công quản lý chồng chéo.
Cũng nhân dịp này, nên xem xét khả năng khôi phục chương trình đại học hai giai đoạn với cách thực hiện linh hoạt hơn và chuyển những trường đại học chưa đủ năng lực hoạt động độc lập thành trường đại học cộng đồng trong hệ thống liên kết đào tạo với các trường lớn và được những trường này bảo trợ.
Về hình thức GD thường xuyên, cũng cần có sự nhận thức lại. Để tiến tới một xã hội học tập, trong đó người lao động có thể học bất kỳ một học phần nào để nâng cao hiểu biết và kỹ năng, phục vụ cho công việc của mình, không nên quan niệm cứng nhắc GD thường xuyên phải tổ chức thành những lớp học riêng, học phải lấy bằng, mà cần quan niệm là tuỳ điều kiện thời gian của mình và khả năng tiếp nhận của cơ sở GD, người học có thể theo học cùng sinh viên chính quy hoặc học lớp riêng.
Nhưng để đảm bảo GD thường xuyên có mặt bằng ngang với mặt bằng đào tạo chính quy, những người có nguyện vọng học lấy bằng hay tín chỉ cần thi học phần, thi tốt nghiệp chung với sinh viên chính quy.
3. Đổi mới nội dung, phương pháp GD
Cần quan tâm đến đầu ra của ngành Giáo dục |
Theo các nhà nghiên cứu, trong GD có hai cách xây dựng chương trình là xây dựng theo định hướng nội dung (content-based approach) và xây dựng theo định hướng năng lực (competency-based approach).
Xây dựng chương trình theo định hướng nội dung là định ra trong chương trình một hệ thống các đơn vị kiến thức cần trang bị cho người học. Đây là kiểu chương trình xác định đầu vào.
Cách tiếp cận này nặng về lí thuyết, kết quả là người học có thể được trang bị kiến thức có tính hệ thống nhưng yếu về kĩ năng thực hành, đặc biệt là kĩ năng sống.
Xây dựng chương trình theo định hướng năng lực là định ra trong chương trình những phẩm chất người học cần đạt được sau mỗi giai đoạn của chương trình để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đây là kiểu chương trình xác định đầu ra.
Việc xác định đầu ra, tức là lập danh sách những năng lực cần bồi dưỡng cho người học không dễ dàng vì nó không phải là một hệ thống có sẵn như khái niệm khoa học trong trường hợp xây dựng chương trình theo định hướng nội dung. Nhưng hiệu quả của chương trình theo định hướng năng lực là rất lớn. Nó không chỉ đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội đối với thế hệ trẻ và đảm bảo kết quả đào tạo bền vững mà còn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn lực trong đào tạo, đồng thời giảm áp lực làm việc, áp lực học hành đối với người dạy và người học.
Nói cho công bằng, Chương trình GDPT sau năm 2000 ở nước ta vừa qua là một bước tiến trên con đường phát triển theo định hướng năng lực nhưng thực hiện chưa được đồng bộ và triệt để do những người biên soạn chương trình chưa thoát khỏi ảnh hưởng của cách nghĩ, cách làmn cũ. Đây là điều cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Nội dung và phương pháp dạy học bao giờ cũng gắn bó với nhau. Mỗi nội dung đòi hỏi một phương pháp thích hợp. Các kĩ năng không thể được hình thành và phát triển bằng con đường truyền giảng thụ động. Muốn phát triến những kĩ năng này, người học phải được hoạt động trong môi trường gần với môi trường thực dưới sự hướng dẫn của người dạy. Các kiến thức có thể được tiếp thu qua lời giảng, nhưng người học chỉ làm chủ được những kiến thức này khi chiếm lĩnh chứng bằng chính hoạt động có ý thức của mình.
Cũng như vậy, những tư tưởng, tình cảm và nhân cách tốt đẹp chỉ có thể được hình thành chắc chắn thông qua sự rèn luyện trong thực tế. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được đặt ra trong thời gian qua nhưng triển khai chưa có hiệu quả; càng lên cấp học cao thì phương pháp dạy học càng chậm được đổi mới. Đây là điều phải kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.
Ý tưởng dạy học thông qua hoạt động của HS được nhà văn Pháp Michel Montaigne (1533 - 1592) nêu ra từ thế kỉ XVI trong tác phẩm Les Essais. Theo ông, người thầy cần rèn luyện cho trò trí xét đoán. Muốn đạt mục tiêu này, cách thức tốt nhất, kiến hiệu nhất không phải là thầy giảng dạy một cách giáo điều, thao thao bất tuyệt. Trái lại, thầy cần buộc học trò hoạt động, vận dụng khả năng xét đoán của mình và rèn luyện khả năng ấy trong quá trình hoạt động.
Cũng giống như muốn dạy cưỡi ngựa, phải bắt trèo lên mình ngựa, cho ngựa chạy ; muốn học ném giáo mác, phải đưa giáo mác rồi bắt ném ; muốn học đánh đàn, phải có nhạc cụ trong tay. Thực hành, thực tập đó là phương pháp độc nhất để rèn luyện trí xét đoán. Montaigne cũng chủ trương dạy học theo phương châm thoải mái, vui mà nghiêm chỉnh và sử dụng các trò chơi, cuộc giải trí làm phương tiện giáo dục.
Gần hai thế kỉ sau, tư tưởng dạy học thông qua tổ chức hoạt động được nhà văn, nhà triết học Pháp Jean-Jaques Rousseau (1712 - 1778) phát triển một cách toàn diện và sâu sắc trong cuốn tiểu thuyết Emile (còn gọi là De l’education [Về giáo dục]).
Công lao lớn nhất của Rousseau là hoá giải được sai lầm của nền giáo dục quá khứ nhìn trẻ em – đối tượng giáo dục – như người lớn thu nhỏ. Theo ông, một nền giáo dục đúng đắn phải xuất phát từ trẻ em, theo dõi quá trình phát triển của trẻ em và bước tiến tự nhiên của trái tim con người (marche naturelle au coeur humain). Ông phân chia tuổi trẻ thành bốn giai đoạn và đề xuất phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi giai đoạn đó.
Có thể nói những tư tưởng xuất hiện rất sớm của Montaigne và Rousseau tuy còn chưa thật hoàn hảo nhưng đã đặt nền móng cho sự ra đời của phương pháp tổ chức hoạt động, một phương pháp dạy học được hoàn thiện nhờ cách tiếp cận hoạt động - nhân cách trong giáo dục học sau này.
Cùng với đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, cũng cần sắp xếp hợp lí thời gian học trên lớp với thời gian dã ngoại, tăng tính linh hoạt của chương trình, trao quyền chủ động nhiều hơn cho nhà trường và giáo viên để đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kỹ năng cho người học.
4. Đổi mới công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo
Chất lượng Giáo viên là yếu tố quan trọng nhất |
Yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của đối mới GD là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gọi chung là nhà giáo.
Để nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ này, trước hết, phải quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Chương trình và phương pháp tổ chức đào tạo ở trường sư phạm phải thay đổi. Phải gắn kết chặt chẽ trường sư phạm với trường phổ thông, ít nhất cũng như mức độ gắn kết giữa trường Y với bệnh viện, để sinh viên có điều kiện vừa học vừa làm. Công tác bồi dưỡng thường xuyên đối với nhà giáo cũng cần được cải tiến để có hiệu quả rõ rệt hơn.
Bên cạnh đó, cần giải quyết thoả đáng vấn đề tăng thu nhập thực tế cho nhà giáo. Cần xây dựng cơ chế trả lương theo khối lượng và chất lượng công việc để những người có năng lực và toàn tâm toàn ý với nghề có thể sống được bằng nghề.
5. Đổi mới quản lý GD
Hiệu trưởng và giáo viên phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của trường hoặc lớp mà họ phụ trách. |
Theo ý kiến chúng tôi, Bộ GDĐT cần sớm được giải phóng khỏi những việc làm thay cơ sở để tập trung hoạch định chiến lược phát triển giáo dục, ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,…
Bộ GDĐT cũng cần được giao trách nhiệm quản lý việc sử dựng toàn bộ nguồn lực tài chính dành cho GD. Các cơ sở GD, kể cả trường phổ thông, cần được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với năng lực của mình.
Trong đợt khảo sát về GD ở Vương quốc Anh và Bắc Ai-len năm 1999, chúng tôi thấy ngay cả các trường tiểu học cũng có quyền tự chủ rất cao: giáo viên được quyền chọn tài liệu dạy học phù hợp với đặc điểm lớp mình và thường thì họ không dạy theo hẳn một bộ SGK nào; còn hiệu trưởng được quyền tuyển dụng và sa thải giáo viên; cơ quan quản lý cấp quận và thành phố chỉ đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn chuyên môn. Nhưng hiệu trưởng và giáo viên phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của trường hoặc lớp mà họ phụ trách. Kết quả các kỳ thi do Cơ quan về Chương trình và Khảo thí thực hiện được công bố trên báo chí và đó là căn cứ để hội đồng GD địa phương quyết định “số phận” của những người phụ trách lớp, trường.
6. Đổi mới cơ chế tài chính GD
Điều đáng buồn là cho đến nay, chưa một tỉnh, thành phố nào trong cả nước áp dụng mức học phí mới và chính sách hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo để có điều kiện đưa con tới trường |
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2009/QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Nghị quyết gồm 6 nội dung chính, trong đó có nội dung đổi mới chính sách học phí, học bổng và hỗ trợ người học theo hướng học phí GD mầm non và phổ thông công lập phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân, hướng tới miễn học phí vào thời điểm thích hợp, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo có con đi học; đối với GDĐH và nghề nghiệp, học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước với người học, có lộ trình thực hiện gắn liền với yêu cầu ba công khai và thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa một tỉnh, thành phố nào trong cả nước áp dụng mức học phí mới và chính sách hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo để có điều kiện đưa con tới trường. Theo chúng tôi, Bộ GDĐT cần khảo sát thực tế để đánh giá đúng nguyên nhân của tình trạng này, từ đó trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các giải pháp nêu trong Đề án, tạo điều kiện phát triển sự nghiệp GD.
7. Đổi mới kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện đổi mới GD
Nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế chất lượng GD của nước ta là nền kinh tế và thị trường lao động chưa tạo được sức hấp dẫn và áp lực buộc GD phải thay đổi. Một nền kinh tế dựa trên lắp ráp, gia công, khai khoáng, nông nghiệp cổ truyền cùng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, mua bán đất đai thì không cần các cử nhân và kỹ sư xuất sắc. Bên cạnh đó, nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế nhà nước, chưa vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường, từ đó đẻ ra một thị trường lao động không công bằng và một nền GD ứng thí, đi học chỉ cốt lấy bằng nhằm đáp ứng “tiêu chuẩn 'cán bộ'', chứ không cần thực học. Cho nên, muốn cải thiện chất lượng GD thì Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, nhân ái, tạo môi trường xã hội tích cực để hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường.
Đổi mới một lĩnh vực rộng lớn như GD không phải dễ dàng, nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm để thực hiện ước nguyện đưa dân tộc ta ''bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu'' như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Có thể bạn quan tâm |
|