Những ngày qua dư luận không khỏi lo lắng cho số phận của gần 100 ứng viên thuộc Đề án 322 bị tạm dừng du học. Các ứng viên đang ra sức cầu cứu các cơ quan chức năng để có thể du học theo đúng kế hoạch của mình. Trước vấn đề đang rất được dư luận quan tâm, GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến nguyên trưởng ban điều hành Đề án 322 giai đoạn 2000 – 2005 đã có bức tâm thư gửi đến độc giả nói chung và các ứng viên nói riêng.
Nhiều sinh viên tài năng trong diện đề án 322 đang thấp thỏm chờ đợi (Ảnh minh họa) |
Nên giải quyết cho du học sinh đi đúng kế hoạch
Gửi các bậc phụ huynh và ứng viên Đề án 322 cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tôi nguyên là trưởng ban Điều hành Đề án 322 giai đoạn 2000 – 2005 nên nhiều người, trong đó có các phóng viên đã hỏi tôi về việc dừng cử người đi học năm 2012 của Đề án 322. Trước hết, tôi rất thông cảm với các ứng viên đã được tuyển chọn trong các năm 2010, 2011 nhất là 47 em sinh viên đại học nay bị dừng sẽ đảo lộn tất cả trong con đường học tập của mình.
Tôi không còn là người quản lý Đề án 322 nữa, nhưng hiểu tại sao xảy ra vấn đề dừng cử ứng viên đi du học trong năm nay.
Theo quy định về số lượng tuyển sinh của Đề án 322, kể cả giai đoạn sau năm 2005 thì mỗi năm chỉ có 400 suất học bổng để tuyển chọn người cử đi đào tạo ở nước ngoài, trong đó quy định rất rõ mỗi năm đào tạo 200 người trình độ tiến sĩ, 100 trình độ thạc sĩ, khoảng 50 trình độ đại học và 50 thực tập ngắn hạn.
Những năm gần đây: 2008 – 2011 Bộ GDĐT đã tuyển vượt mức khá nhiều ứng viên tiến sĩ, con số không phải là 200 như quy định mà là 600 đến 800 ứng viên tiến sĩ mỗi năm. Số thạc sĩ cũng tuyển tăng, không phải là 100 mà là 200 – 250 mỗi năm.
Khi tuyển nhiều như vậy, có thể Bộ GDĐT muốn khởi động nhanh đề án đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài để đề án này sớm đảm nhận số ứng viên tiến sĩ đã tuyển vượt mức.
Trong thực tế, ý định đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ đã được khởi động từ năm 2009, ngày 17/6/2010 Chính phủ đã phê duyết Đề án 911 (Quyết đinh số 911/QĐ-TTg. Cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ GDĐT thì quan niệm đơn giản là mức kinh phí cấp cho lưu học sinh thuộc Đề án 911 theo chế độ hiện hành đối với Đề án 322. Nhưng cơ quan quản lý tài chính muốn có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng được phê duyệt thì mới triển khai Đề án 911.
Kết quả là số ứng viên tiến sĩ đã tuyển vượt mức vẫn bị “ứ đọng”, dẫn đến tình trạng hết kinh phí phải tạm dừng cử người đi học nước ngoài năm 2012. Như vậy, xuất phát từ ý định tốt muốn đào tạo sớm và nhiều tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng, nhưng không lường trước được sự chậm trễ cố hữu trong cả hệ thống quản lý nhà nước nói chung.
Về cách giải quyết đối với những người đã được xét tuyển, theo tôi nên lùi thời gian phải đăng ký đi học nước ngoài, nhất là đối với 47 sinh viên đại học. Đồng thời với việc đó báo cáo Chính phủ cho phép nhanh chóng điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của Đề án 911 theo hướng giảm đi khoảng 50 chỉ tiêu năm 2012, chuyển số tiền đó để tiếp tục cử sinh viên đi học đại học năm 2012. Các năm sau, tùy theo khả năng có đề án mới thì tiếp tục tuyển sinh đại học như Đề án 322 hiện nay.
Trong việc điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của Đề án 911, chúng ta nói với nhau thì thấy khá đơn giản, nhưng đối với cơ quan tài chính thì chưa chắc đã đơn giản. Nhưng tôi hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ thì các cơ quan liên quan phải hợp tác chặt chẽ với nhau và tích cực, nhanh chóng giải quyết vấn đề này.Tôi tin rằng các sinh viên sẽ vẫn được cử đi học đúng kế hoạch của mình.
Nhân tài cũng cần phải trả nợ đất nước
Nhân đây tôi xin nêu một ý kiến, có thể nhiều người cho rằng chưa cần thiết nêu ra lúc này. Đó là trách nhiệm của sinh viên đi học nước ngoài, kể cả phụ huynh của sinh viên.
Về mặt chi phí, đào tạo tiến sĩ ở Mỹ, Úc, Canada thời gian là 4 năm, nhà nước chỉ phải chi phí cho 2 năm đầu với số tiền trọn gói từ 57.000 – 60.000 USD, 2 năm sau các trường đại học nước ngoài sử dụng nguồn kinh phí nghiên cứu rất dồi dào của họ để đào tạo tiến sĩ cho ta, lưu học sinh thực hiện công việc nghiên cứu của họ. Đó là do sự hỗ trợ của chương trình học bổng của Mỹ cho Việt Nam (chương trình VEF) và nhiều trường đại học ở Mỹ, Úc, Canada đã ký thỏa thuận với Bộ GDĐT.
Nhiều phụ huynh đã bật khóc khi biết con bị tạm dừng kế hoạch du học |
Trong khi đó, đào tạo đại học tại Mỹ, Úc, Canada Nhà nước phải chi cả 4 năm với số tiền 100.000 – 150.000 USD (khoảng 2 - 3 tỷ đồng) cho đào tạo một cử nhân. Đào tạo tại Pháp, chi phí thấp hơn (khoảng 66.000 USD cho 3 năm). Các nước đều không có chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ đại học.
Khi trao đổi với cơ quan quản lý, nhiều phụ huynh và sinh viên nhấn mạnh về việc cần đào tạo hoặc đối xử đúng với nhân tài, hạt giống của đất nước. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng nhân tài chỉ của đất nước khi họ quay về làm việc cho đất nước (có thể làm việc cho cơ quan nhà nước hay cơ quan không thuộc khối nhà nước tại Việt Nam).
Hiện nay, Nhà nước không quá khắt khe, mà còn cho phép các sinh viên kết thúc khóa đào tạo đại học nếu có khả năng thì được ở lại học trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), chỉ cần báo cáo Bộ GDĐT. Một số sinh viên rất xuất sắc còn được Nhà nước cấp học bổng để học tiếp trình độ cao hơn. Nhưng trong số những người đã học cao hơn, họ lại quên mất nghĩa vụ mà họ đã ký cam kết trước khi đi học, không trở về làm việc cho đất nước, hoặc tốt nghiệp xong về nước làm thủ tục hoàn tất hồ sơ tốt nghiệp rồi lại ra nước ngoài học tập. Cơ quan quản lý lưu học sinh chưa thể yêu cầu bồi hoàn kinh phí, nhưng những người được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng khi đào tạo ở trình độ cơ bản (đại học) cùng với phụ huynh nên suy nghĩ nghiêm túc về nghĩa vụ đối với nhà nước.
Sau này, các sinh viên thành đạt làm việc ở nước ngoài cần suy nghĩ cách đóng góp hoặc trả dần số tiền đầu tư của Nhà nước để Nhà nước tiếp tục đào tạo nhân tài khác. Hoặc hãy suy nghĩ: mỗi người thực hiện trả dần cho nhà nước, dù chỉ một vài trăm USD một tháng đã có thể giúp các em học sinh vùng khó khăn có đầy đủ điều kiện ăn và học vài tháng.
ĐIỂM NÓNG |
|
GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến