GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học xuất sắc ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ

04/09/2024 06:23
Thu Thủy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ được tôn vinh là trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những người được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Hành trình 40 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức chia sẻ, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và cách mạng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội. Đến năm 6 tuổi, ông đã sớm xa quê hương vì gia đình lên lập nghiệp ở Yên Bái.

Ông cũng là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn (1978) đồng thời là thủ khoa Khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984.

GS Đức_T7_2024_Phân tích điểm.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Trong kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh năm 1985, ông đã đỗ đầu với số điểm cao nhất. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí “Who is who in the World” của Mỹ đưa vào danh mục những nhân vật nổi tiếng trong lần xuất bản thứ 18 năm 2001.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời là khi ông được cử đi học tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU). Tại đây, ông được tiếp xúc và học hỏi từ các nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc và đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ Toán - Lý với đề tài “Các tiêu chuẩn bền của composite cốt sợi đồng phương” dưới sự hướng dẫn của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Pobedrya B.E, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật liệu composite. Sau đó, ông tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ khoa học về Engineering ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga khi 34 tuổi. Kết quả nghiên cứu về composite siêu bền có cấu trúc không gian của ông đã được cấp bằng phát minh năm 1999.

Thầy Đức nhớ lại, ngày trở về nước, được sự tín nhiệm của Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, khi đó nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, thầy đã là một trong những người đứng ra vận động, sáng lập và là một trong những phó chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức Khoa học công nghệ trẻ Việt Nam (2004-2010). Đồng thời, thầy Đức cũng tham gia phản biện cho 75 tạp chí quốc tế ISI, trong đó có nhiều tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu mới. Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng vinh dự được mời làm thành viên hội đồng khoa học biên tập cho 10 tạp chí ISI có uy tín của các nhà xuất bản Elsevier, Springer, SAGE, Taylo & Francis,...

Kể từ những ngày đầu bước chân vào nghiên cứu khoa học cho đến nay, thầy Đức đã chọn cho mình hướng đi bền bỉ và gắn bó trọn vẹn với nghiên cứu về vật liệu composite. Loại vật liệu mới có độ bền cơ học cao, vừa nhẹ và bền với các môi trường kiềm, axit, nhiệt độ cao… mà vật liệu tự nhiên không có được.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức có nhiều đóng góp cho Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đã kinh qua các chức vụ: Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2005-2008; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2008-2012; Trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội từ 2012-5/2023; Từ tháng 6/2023 đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức là Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Cũng từ nhiều năm nay, ông là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.

Với sự nỗ lực bền bỉ kiên trì và cống hiến của mình cho khoa học, liên tục từ năm 2019 đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) công bố lọt vào bảng xếp hạng 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, và xếp thứ 85 – trong bảng xếp hạng 100 nhà khoa học xuất sắc nhất, ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ vào năm 2023.

London_2017.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. (Ảnh: NVCC)

Phát triển khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để đào tạo nguồn nhân lực

Không chỉ là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức còn là người thầy truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học và đào tạo nên những thế hệ tài năng cho đất nước. Thầy Đức cho biết, ngay từ khi về nước năm 2002, thầy đã có nhóm nghiên cứu riêng chuyên về các lĩnh vực: composite, vật liệu chức năng FGM và vật liệu nano.

“Ban đầu nhóm nghiên cứu chỉ có tôi và một vài học trò. Một mặt tôi giảng dạy kiến thức cho các em, mặt khác tôi động viên tinh thần, quan tâm tới đời sống của mỗi em để các em yên tâm tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học vốn cần nhiều thử thách về lòng kiên trì.

Bên cạnh việc truyền tải tri thức, chúng tôi cùng vượt lên điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất bằng cách luôn động viên nhau, người thầy thì định hướng, học trò có sức trẻ thì miệt mài. Có nhiều đêm 1-2 giờ sáng thầy trò vẫn còn trao đổi, thảo luận về đề tài”, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức nhớ lại.

Nhờ quá trình nỗ lực bền bỉ, các kết quả nghiên cứu của thầy Đức và học trò liên tục được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Học trò đến với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức ngày một nhiều hơn, tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới và có tiếng trong giới nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước.

Từ một nhóm nghiên cứu của mình, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức đã thành lập phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là sự kết hợp giữa hai mô hình: Tổ bộ môn (đào tạo đầy đủ các bậc từ kỹ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ) và mô hình phòng thí nghiệm (triển khai các nghiên cứu khoa học với các thiết bị hiện đại), thu hút hàng chục học viên cao học và nghiên cứu sinh từ khắp mọi miền của đất nước và cả ở nước ngoài đến trao đổi, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu và học tập.

Thầy Đức khẳng định, giáo dục là nền tảng của quốc gia, khoa học công nghệ là động lực phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa giúp các quốc gia vươn lên thành nước công nghiệp phát triển. Mô hình này đã được minh chứng ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

thay-duc-1.jpg
Thầy Đức cùng nhóm nghiên cứu thảo luận đề tài. (Ảnh: NVCC)

Trong gần 40 năm nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố 400 bài báo và công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài trên các tạp chí ISI có uy tín; xuất bản sách giáo trình và chuyên khảo bằng tiếng Việt Nam, tiếng Nga và tiếng Anh.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Không chỉ là nhà khoa học xuất sắc, ông còn là người thầy tận tâm, luôn truyền cảm hứng và ước mơ, hoài bão cho bao thế hệ học trò. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam, góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Thu Thủy