GV bằng ThS, có chứng chỉ vẫn không thể dạy tốt môn tích hợp, mong có 'lối ra'

08/09/2023 06:44
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi có bằng thạc sĩ, dạy Sinh học ở trung học cơ sở đã hơn 15 năm, đã có chứng chỉ tích hợp nhưng tôi không thể dạy được phần phân môn Vật lý.

Chuyện dạy và học môn tích hợp ở trung học cơ sở đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận và người trong cuộc.

Cô giáo Trần Thị Tuyết, đang công tác tại một tỉnh phía Nam chia sẻ: “Tôi có bằng cử nhân sư phạm Sinh học, có bằng thạc sĩ, dạy môn Sinh học ở trung học cơ sở đã hơn 15 năm.

Hai năm vừa qua tôi dạy Sinh lớp 9 và Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7. Khi dạy Khoa học tự nhiên 6, Khoa học tự nhiên 7, phần kiến thức Sinh học thì vô tư, kiến thức môn Hóa học cũng còn đỡ, nhưng nhằm vào kiến thức Vật lý thực sự là cuộc chiến không cân sức của cả thầy và trò.

Hồi học phổ thông, tôi tập trung khối B (Toán, Hóa, Sinh – NV) kiến thức Vật lý học để qua môn là chủ yếu, gần hai chục năm đi học, đi dạy cái đọng lại của môn Vật lý thực sự là không còn gì. Nay học trước, dạy sau, thấy ngượng với học trò.

Vừa rồi tôi đi học bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, không riêng tôi, đại đa số giáo viên thiên hướng khối B đều cùng cảnh ngộ, dở khóc dở cười khi học về kiến thức môn Vật lý.

Khó khăn cũng qua đi, sau hơn 3 tháng mày mò, tôi cũng có chứng chỉ dạy Khoa học tự nhiên, nhưng tôi nói thật, tôi không thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là phần kiến thức về môn Vật lý.

Từ thực tế đó, họp hội đồng sư phạm đầu năm nay, tôi trình bày cụ thể với nhà trường, cái được, cái mất, khi phân công 1 giáo viên ôm trọn môn Khoa học tự nhiên.

Cũng phấn khởi, lãnh đạo đã tiếp thu, trên tinh thần vì học sinh thân yêu, trường tôi đã phân công giáo viên dạy theo kiến thức đơn môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý”.

Bài tập do giáo viên cung cấp

Bài tập do giáo viên cung cấp

Cùng cảnh ngộ, một giáo viên dạy Lịch sử chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Lịch sử gần 20 năm rồi, đi học bồi dưỡng để dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý, giảng viên ra bài tập đơn giản mà cả lớp “đứng hình”, không ai trả lời được.

Giảng viên còn nói thẳng: “Học 4 năm về còn dạy sai, nay mới học vài ngày, thầy cô chưa làm được cũng đừng lo lắng quá, nhưng tốt nhất, về đề nghị nhà trường phân công dạy theo đơn môn đào tạo”.

Nói thật, đi dạy giáo viên chỉ chuyên sâu một môn của mình thôi, nên càng nhiều thâm niên giáo viên càng "dốt" các môn học khác.

Nay trong đầu chúng tôi còn có bài toán nan giải cơm áo gạo tiền nữa, bồi dưỡng thời gian ngắn như thế này tôi thấy không đảm bảo chất lượng để giáo viên đủ tự tin dạy tích hợp”.

Tại chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” ngày 15/8 vừa qua, nhiều giáo viên cũng đã có nhiều chia sẻ, tâm tư với Bộ trưởng về các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Thực tế những bất cập khi giảng dạy môn tích hợp đã có nhiều bài viết phản ánh. Có những bất cập mà giáo viên dù muốn chủ động, tích cực học hỏi thì cũng rất xóa đi được hạn chế trong năng lực tiếp thu và giảng dạy các môn trái với chuyên môn được đào tạo của các thầy cô.

Vì thế, để đảm bảo chất lượng giáo dục, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn điều chỉnh dạy học tích hợp trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của học sinh, càng sớm càng tốt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến