Hai môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý) ở bậc trung học cơ sở trải qua 2 năm thực hiện gặp vô số bất cập như tập huấn, bố trí sách giáo khoa, bồi dưỡng chứng chỉ,…ảnh hưởng nhiều đến khả năng giảng dạy của giáo viên và tiếp thu của học sinh.
Nhiều phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia đều bảy tỏ sự lo lắng với môn tích hợp khi trong thời gian tới, giáo viên đơn môn sẽ phải bồi dưỡng thêm 1, 2 phân môn để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn trong môn tích hợp.
Điều lo lắng nhất chính là việc giáo viên sau khi đào tạo bồi dưỡng liệu có đủ kiến thức để giảng dạy cả 2, 3 phân môn hay không khi kiến thức các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý ở lớp 8, 9 là khá khó, giáo viên đào tạo đơn môn, giảng dạy đơn môn 10 – 30 năm thì vô cùng khó để đào tạo, bồi dưỡng để trở thành giáo viên tích hợp theo nguyên tắc biết 10 dạy 1.
Ảnh minh họa - Vtn.vn |
Con đường nào cho môn tích hợp?
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27/7, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng đây là vấn đề "khó khăn nhất" hiện nay và còn nhiều trăn trở từ phía nhà trường, đội ngũ giáo viên.
Do vậy, bà Hoa đề nghị có những nội dung cần được làm rõ liên quan đến môn học tích hợp này: sách giáo khoa đã thực sự gọi là sách giáo khoa của môn tích hợp hay chỉ là gộp 2 - 3 môn vào một cuốn sách giáo khoa.
Việc triển khai thực hiện nơi thì bố trí 1 giáo viên dạy đơn môn tham gia lớp tập huấn 6 tháng về dạy tích hợp; nơi thì cả 2 - 3 giáo viên dạy 1 môn. Việc đào tạo giáo viên để bảo đảm chuẩn dạy các môn tích hợp hiện chỉ có một số ít trường sư phạm có đào tạo, nhưng chưa cho "ra lò" bất cứ giáo viên nào…
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là "một thách thức lớn đang đặt ra" và cho rằng: "Môn tích hợp là câu chuyện "quả trứng và con gà". Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp trung học cơ sở. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Khi bắt đầu thực hiện thì phải dùng đội ngũ giáo viên cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi đến 4 năm đào tạo giáo viên dạy tích hợp ra trường rồi mới thực hiện chương trình này".
Do vậy, theo Bộ trưởng Sơn, tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh thực tế: "Đây là lần đổi mới rất căn bản, toàn diện nhưng các yếu tố đảm bảo cho nó thì không được đổi mới một cách căn bản và toàn diện”. Do vậy, người đứng đầu ngành Giáo dục mong đoàn giám sát “chiếu cố” tới các yếu tố này khi đánh giá và đề xuất giải pháp.[1]
Quá nhiều bất cập khi thực hiện 2 môn tích hợp thời gian qua
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở, có 2 bộ môn tích hợp mới đó là Khoa học tự nhiên thực chất là ghép kiến thức của 3 môn Vật Lý, Hóa, Sinh; Lịch sử và Địa lý thực chất là ghép 2 môn Lịch sử và Địa lý bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 ở lớp 6.
Từ đó đến nay, giáo viên các nhà trường ngao ngán kêu rất khó dạy, vì họ chỉ được đào tạo đơn môn nhưng buộc phải dạy đa môn. Nhiều giáo viên học môn Sinh học nay phải dạy cả Vật lý, Hóa học và ngược lại. Môn Lịch sử và Địa lý cũng vậy, giáo viên chỉ đào tạo để dạy môn Địa lý thì làm sao có thể dạy tốt thêm môn Lịch sử?
Thực tế trong sách giáo khoa mới, kiến thức trong bộ môn Khoa học tự nhiên được viết thành các chủ đề hoặc chương riêng như chương về Vật lí, chương sau sẽ là Hóa học, chương sau nữa là Sinh học, là kiến thức đơn môn, không có sự "tích hợp" như kỳ vọng, thì nhập chung là rất bất cập.
Giáo viên dù có tập huấn nhưng kiến thức môn không chuyên thì không thể dạy tốt được, gặp câu hỏi khó của học sinh sẽ lúng túng. Điều này chỉ làm cho học sinh thiệt thòi, khi mà trình độ giáo viên chưa thể dạy tích hợp, hơn nữa ở bậc đại học sư phạm họ cũng chỉ đào tạo theo đơn môn đã chọn.
Qua 2 năm triển khai và thực hiện môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình ở bậc trung học cơ sở đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc dưới đây:
Thứ nhất, kinh phí bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp quá lớn
Hai năm qua việc bồi dưỡng chứng chỉ 2 môn tích hợp rất ít do nhiều vướng mắc về thời gian, kinh phí bồi dưỡng cũng như hiệu quả của nó chưa được kiểm chứng.
Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ có hàng trăm ngàn giáo viên phải bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp theo Quyết định 2454, 2455 Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mỗi giáo viên đóng kinh phí cho chứng chỉ khoảng 3-7 triệu đồng.
Sẽ tiến bỏ ra là không hề nhỏ để bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp (có thể từ nguồn ngân sách hoặc do giáo viên đóng góp), tuy nhiên giáo viên đi bồi dưỡng thì sẽ xáo trộn việc tổ chức dạy học, giáo viên vừa dạy vừa bồi dưỡng sẽ không hiệu quả, sau bồi dưỡng xong thì khó đủ kiến thức chuyên sâu để giảng dạy 2,3 phân môn,…
Nói chung, tiền sẽ tiêu tốn là con số thật nhưng hiệu quả thì chưa được kiểm chứng.
Thứ hai, nhiều giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp nhưng vẫn không dạy được cả 2, 3 phân môn
Giáo viên được đào tạo đơn môn, dạy đơn môn một thời gian dài, trong quá trình dạy vẫn phải học hỏi thêm, bồi dưỡng thêm,...đôi khi kiến thức 1 phân môn còn chưa chuyên sâu.
Nay học thêm 1, 2 phân môn mới trong thời gian ngắn để dạy được cả 2, 3 phân môn có hiệu quả, chiều sâu là quá khó.
Thời gian qua, có một số giáo viên tự bỏ tiền túi hoặc được cơ quan cử đi học và được cấp chứng chỉ nhưng sau khi có chứng chỉ thì vẫn không đảm bảo đủ kiến thức chuyên sâu để dạy được 2, 3 phân môn, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Một giáo viên Sinh học đã dạy đơn môn 10 năm trở lên sẽ rất khó để tìm hiểu về các kiến thức chuyên sâu Vật lý, Hóa học để dạy được cả 3 phân môn.
Liệu giáo viên này có dám làm thí nghiệm với các hóa chất hóa học, thực hành với các dụng cụ điện, lắp ráp mạng điện không? Hậu quả sẽ vô cùng lớn nếu có những phản ứng hóa học, tại nạn điện gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng giáo viên, học sinh.
Thứ ba, sách giáo khoa chưa có nhiều tính "tích hợp"
Tích hợp có thể hiểu là sự kết hợp, sự hợp nhất, sự hòa nhập các bộ phận, các phần tử khác nhau thành một thể thống nhất. Nếu tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên thì nó là một môn hoàn toàn mới, trong 1 bài có kết hợp kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học đồng nhất; tương tự môn Lịch sử và Địa lý không còn khái niệm Lịch sử, Địa lý mà phải là kiến thức tích hợp.
Hiện nay, chương trình và sách giáo khoa không phải là tích hợp mà là ghép môn, các sách giáo khoa Khoa học tự nhiên chia làm 3 phần riêng biệt Vật lý, Hóa học, Sinh học vào 1 sách, sách Lịch sử và Địa lý chia thành 2 phần, phần I Lịch sử, phần II Địa lý riêng biệt;
Nhiều giáo viên cấp trung học cơ sở trình độ có hạn, trước đây được đào tạo bậc cao đẳng sư phạm (sau đó bồi dưỡng hệ từ xa, liên thông đại học), từ thời phổ thông có thể chỉ học giỏi, khá chỉ 1 môn mình đang giảng dạy, không đủ trình độ để tiếp thu thêm kiến thức để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn;
Giáo viên sau đào tạo không đủ kiến thức để đảm nhận được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhất là lớp 8, 9 đã có sự phân hóa, nhiều bài rất khó, cần đúng chuyên môn;
Việc bồi dưỡng 20-36 tín chỉ để trở thành giáo viên dạy được 3 phân môn thiếu khoa học, không đúng quy chế đào tạo tín chỉ, giáo viên học đơn môn để giảng dạy cần thời gian 4 năm, học thêm 2 môn chỉ trong 3 tháng là không phù hợp.
Thứ tư, thời gian nào để giáo viên học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp
Giáo viên vừa dạy vừa thực hiện nhiều công việc khác, nếu huy động hàng trăm ngàn giáo viên học chứng chỉ tích hợp vừa tốn tiền vừa không có giáo viên dạy vừa quá tải,…giáo viên sẽ chán nản, nhiều giáo viên sẽ nghỉ việc.
Học sinh cũng có học sinh thích môn này, môn khác, ghép 3 môn thành 1 rồi yêu cầu học sinh giỏi cả 3 phân môn là không hợp lý.
Học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 không học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng đến lớp 10 phải chọn tổ hợp các môn học có các môn trên thì vô lý.
Giáo viên nếu được trường hoặc lãnh đạo cấp trên cử đi bồi dưỡng chứng chỉ thì được xem như đi công tác và được cơ quan chi trả học phí, do đó ngân sách trường không chỉ tốn tiền học phí mà còn phải tốn thêm tiền đi lại, lưu trú của giáo viên, chi trả tăng giờ cho giáo viên dạy thay,...
Giáo viên sau bồi dưỡng có dạy được cả 2, 3 phân môn không?
Thực tế, đối với lĩnh vực khoa học, ở bậc trung học cơ sở có rất nhiều kiến thức khó của 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhất là lớp 8, 9.
Nếu nói có người đủ kiến thức chuyên sâu để giảng dạy được kiến thức của 3 phân môn, có thể sẽ có một số giảng viên, giáo sư, tiến sĩ ngành khoa học tự nhiên được đào tạo ở nước ngoài có đủ kiến thức để giảng dạy.
Đa số các giáo sư, tiến sĩ, người biên soạn, chương trình, sách giáo khoa mới cũng chỉ là giáo sư “đơn môn”, như Phó giáo sư- Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn - Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên, cũng có chuyên ngành Sinh học, không phải chuyên ngành Khoa học tự nhiên và thầy cũng khó nắm bắt kiến thức chuyên sâu của 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Với lực lượng giáo viên trung học cơ sở hiện nay, khoảng 70-80% đều học cao đẳng sư phạm, có đầu vào không cao, nói một cách đúng ra là chỉ số IQ cũng ở mức trung bình khá, nếu có giỏi chỉ cũng giỏi 1, 2 phân môn, rất khó tìm được ở thời phổ thông và sau học cao đẳng có người nào giỏi được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Đã không giỏi được 3 phân môn trên từ thời phổ thông, không tiếp cận kiến thức 2 phân môn từ hàng chục năm thì liệu có thể đào tạo để nắm chuyên sâu kiến thức để tự tin dạy trước hàng trăm học sinh mỗi năm.
Cách triển khai nào cũng phức tạp, rối rắm.
Cách 1 là dạy học song song: môn Vật lý (1 tiết/tuần), Hóa học (1 tiết/tuần) và Sinh học (2 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7, việc dạy song song không đảm bảo được mạch kiến thức, khó thống nhất việc dạy, ra đề kiểm tra, chấm điểm nhận xét, sử dụng sổ điểm, nhận xét,…
Cách 2 là dạy học theo tuyến tính: chủ đề sinh học thì giáo viên sinh dạy, chủ đề vật lý, giáo viên vật lý dạy, chủ đề hóa học do giáo viên hóa dạy, với thời lượng 4 tiết/tuần… với cách này thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho giáo viên, cũng gặp khó khăn rối rắm trong việc ra đề kiểm tra, vào điểm, nhận xét giống cách 1. Học sinh học xong phần Hóa học sẽ bỏ trong một thời gian dài, khi quay trở lại học sẽ không còn nhớ kiến thức cũ.
Cách 3 là phân công cho một giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp (hoặc chưa có chứng chỉ) “ôm” cả 3 phân môn, thuận lợi cho nhà trường, giáo viên dễ chấm điểm, nhập điểm… nhưng giáo viên chưa đủ kiến thức, tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, niềm tin khoa học.
Cách nào cũng phức tạp, gây quá tải, gây thiệt thòi cho giáo viên và học sinh, không phù hợp thực tế, biến cái đơn giản thành cái phức tạp, rối rắm, thiếu khoa học.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành liên quan sớm có những giải pháp phù hợp cho 2 môn tích hợp trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/bo-truong-bo-gd-dt-hai-con-duong-cho-mon-tich-hop-185230728012841408.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.