GV bằng TS chưa được công nhận dạy trình độ ThS, dấu hỏi trách nhiệm ĐH Văn Lang

11/09/2023 06:36
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các chuyên gia, việc để giảng viên chưa được công nhận bằng TS tham gia đào tạo ThS là vi phạm quy định, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của nhà trường.

Những ngày qua, sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải các bài viết liên quan đến vụ việc bằng tiến sĩ của thầy Lê Minh Thành - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn Lang) chưa được công nhận ở Việt Nam, các chuyên gia giáo dục đã nêu vấn đề này sinh và bày tỏ lo lắng về chất lượng đào tạo sau đại học, cũng như dấu hỏi về trách nhiệm của nhà trường.

Cụ thể, sau có bài viết Bằng tiến sĩ của Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn Lang) chưa được công nhận ở Việt Nam, thầy Lê Minh Thành đã lý giải trong bài viết Bằng tiến sĩ chưa được công nhận ở Việt Nam, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn Lang) nói gì?

Theo đó, thầy Lê Minh Thành cho biết, thầy được Trường SMC của Thụy Sỹ cấp bằng tiến sĩ vào năm 2017, ngành Quản trị học. Theo đó, thầy Thành học tiến sĩ theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Học trực tiếp thì tại Hoa Kỳ, một trong hai địa điểm đào tạo của Trường SMC (Hoa Kỳ và Thụy Sỹ). Cũng theo thầy Thành, thời gian qua, mặc dù đã làm thủ tục nhưng vẫn chưa được công nhận bằng tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn Lang) chưa từng làm hồ sơ công nhận bằng tiến sĩ.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết, hiện đang yêu cầu Trường Đại học Văn Lang báo cáo.

Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Việt DũngTrường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Việt Dũng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia giáo dục phân tích: Theo Khoản 3, Điều 54 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (hay gọi tắt là Luật số 34), quy định: ‘Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo’.

Theo Điều 7. Tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập (Chương III. Tổ chức và quản lý đào tạo) trong Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, cũng nêu rõ: ‘2. Tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền hạn của giảng viên giảng dạy ở trình độ thạc sĩ phải tuân thủ các quy định hiện hành tại Điều 54, Điều 55, Điều 57 và Điều 58 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018); quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định khác có liên quan’.

Điều 8. Hướng dẫn luận văn ghi: "4. Tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn: a) Có trình độ tiến sĩ chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo và đề tài luận văn của học viên".

Như vậy, đối chiếu theo những quy định sẵn có, việc giảng viên chưa có bằng tiến sĩ được công nhận (tính đến thời điểm này) nhưng lại tham gia phụ trách chuyên môn đào tạo như sắp xếp thời khóa biểu, mời giảng, tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật, các buổi trao đổi, làm đề tài, luận văn... theo phản ánh của bạn đọc, là hoàn toàn không phù hợp.

Nhìn nhận dưới góc độ đào tạo học viên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho rằng: “Về nguyên tắc, cơ sở giáo dục phải có phương án kiểm định, xác minh toàn bộ thông tin khi tuyển dụng giảng viên. Tất cả các văn bằng, chứng chỉ do nước ngoài cấp cho các thầy cô trong trường đều phải được báo cáo cẩn thận, có sự kiểm tra kỹ lưỡng, chứ không thể tin vào những bằng cấp chỉ thông qua lời nói”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, việc một giảng viên với tấm bằng tiến sĩ chưa được công nhận lên lớp, giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, ở đây chính là câu chuyện “thạc sĩ dạy thạc sĩ”, không đúng với quy định hiện hành.

“Trong trường hợp này, trách nhiệm của Trường Đại học Văn Lang ở chỗ còn sơ suất, không xác minh bằng cấp một cách minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Thực tế, cũng rất khó xử lý, khi học viên cao học đi học vào thời điểm giảng viên vẫn chưa được công nhận bằng tiến sĩ, đây cũng là một thiệt thòi đối với người học, khi còn băn khoăn về chất lượng đào tạo” - Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân bày tỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho rằng, Trường Đại học Văn Lang có trách nhiệm khi đã không xác minh bằng cấp cẩn thận. Ảnh: Thùy Linh.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho rằng, Trường Đại học Văn Lang có trách nhiệm khi đã không xác minh bằng cấp cẩn thận. Ảnh: Thùy Linh.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng nhấn mạnh: “Khi đã có quy định về giảng viên đào tạo thạc sĩ phải là tiến sĩ, mà thời điểm trực tiếp giảng dạy vẫn chưa được công nhận bằng cấp, đó là sai quy định.

Thứ nhất, bản thân giảng viên chưa thành thực báo cáo lại nhà trường; thứ hai, do nhà trường chưa có sự kiểm tra, xác minh cẩn thận.

Đã là cơ sở giáo dục, phải luôn luôn tuân thủ luật pháp thật nghiêm minh, vì đó là môi trường đào tạo con người, sản phẩm đầu ra là con người. Hơn ai hết, nhất là cơ sở giáo dục đại học lại càng phải nắm rõ các quy định về đào tạo sau đại học, vậy tại sao lại để xảy ra sơ suất như vậy?”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các nhà trường. Ảnh: NVCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các nhà trường. Ảnh: NVCC.

“Tôi cho rằng, đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các giảng viên và các nhà trường khác. Bản thân thầy cô phải trung thực trong báo cáo; phía nhà trường cũng phải có sự xác minh cẩn thận, chính xác.

Theo tôi được biết, trước đây, bằng cấp nước ngoài đều phải gửi về Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để xác nhận, kiểm định lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phân cấp lại cho các trường trong việc này. Các trường có thể tự kiểm tra và báo lại cho Bộ.

Mặc dù vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vẫn phải thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo chất lượng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An phân tích thêm.

Thành An