GV bị HS bạo lực: Ông hiệu trưởng THCS Văn Phú ở đâu khi mâu thuẫn âm ỉ diễn ra?

08/12/2023 06:39
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Phú có hành vi ngỗ ngược, thiếu tôn trọng giáo viên cũng do một phần hiệu trưởng xử lí vụ việc chưa đến nơi đến chốn.

Tối 4/12 video ghi lại cảnh cô giáo Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị một nhóm học sinh quây kín vào góc tường, liên tục chửi bới và có hành vi thiếu tôn trọng được mạng xã hội lan truyền nhanh chóng.

Theo diễn biến mới nhất được báo chí đăng tải, Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phúc. Quyết định này nhằm phục vụ công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của nhà trường.

Cô giáo "kêu cứu" vì bị học sinh xúc phạm

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải phản ánh của cô N.T.H - giáo viên Âm nhạc, Trường Trung học cơ sở Văn Phú - giáo viên ở trong clip.

Theo đó, "ngày 29/11 vào tiết dạy môn Nghệ thuật tại lớp 7C, cô nhắc nhở hai học sinh đang ngồi ghế đá vào lớp nhưng các em không nghe và nói lời lẽ ngỗ ngược với cô. Mặt khác, một số học sinh khác chạy ra ngoài khi chưa có sự đồng ý của giáo viên. Thậm chí có em còn mở nhạc và hét to trong lớp mặc cho cô nhắc nhở.

Khi giáo viên viết trên bảng, học sinh xóa, không cho cô dạy. Sau đó các em học sinh bao vây giáo viên, có em vứt khăn lau bảng vào mặt cô, ngoài ra, có em có những hành vi thiếu tôn trọng, xúc phạm cô.

Sau khi hết giờ học sinh không cho cô ra ngoài mà tiếp tục chốt cửa, nhốt cô trong lớp. "Một em học sinh nam lớp 7C dùng vũ lực nhảy lên đạp vào bụng tôi. Các em nam liên tiếp đấm vào người tôi.

Sau khi ông bảo vệ nghe được tiếng hét của tôi đã quát các em thì các em ở phía ngoài mới giải tán, lúc đó tôi thoát được ra ngoài. T. và K. lớp 7C và M. lớp 6C vẫn đuổi theo, tiếp tục lấy đất đá, chai nước lọc ném tôi. M., K. và T. cầm quạt múa đập vào tôi, đuổi theo tôi lên gần tới văn phòng nhà trường.

Đến hết tiết 4 cùng ngày, khi tôi vừa dạy ở lớp 6A xong thì các em lớp 7C lại kéo sang, chửi bới với lời lẽ thô tục, sau đó tiếp tục đóng cửa nhốt tôi. Một số em lấy quả tạ cát trong ngăn bàn, lấy dép ném vào tôi. Tôi thấy ngột ngạt, khó thở và ngã ra lớp ngất đi, chân tay tôi co cứng lại. Học sinh lớp 6A chạy đi báo bảo vệ và cô H. thì các em mới mở cửa. Lúc này tôi đã tỉnh lại", cô giáo H. nêu.

Nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Phú có hành vi ngỗ ngược đối với giáo viên. Ảnh cắt từ clip.Nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Phú có hành vi ngỗ ngược đối với giáo viên. Ảnh cắt từ clip.

Học sinh xúc phạm giáo viên - vì đâu nên nỗi?

Theo như phản ánh của cô N.T.H - giáo viên Âm nhạc, Trường Trung học cơ sở Văn Phú, có thể nhận thấy các em học sinh lớp 7, chỉ mới 13 tuổi, nhưng lại có những hành động quá mức hư hỗn đối với cô giáo của mình.

Học sinh vi phạm hàng loạt lỗi như: không nghe lời; nói ngỗ ngược; quay ra ngoài lớp; mở nhạc, hét to trong lớp; không cho cô viết bảng; vứt khăn lau vô mặt cô; nhốt cô trong lớp, đạp vào bụng, đấm vào người cô...

Có thể đặt nghi vấn, học sinh có hàng loạt hành động xúc phạm giáo viên ngay trong lớp học là do một uẩn khúc nào đó. Được biết, trước đó cô N.T.H từng bị nhà trường kỷ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nguyên nhân được cho là từ giữa tháng 9/2023, cô H. mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói không chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Khi xảy ra sự việc, một học sinh lớp 7C dùng điện thoại quay lại và chia sẻ cho nhóm bạn đồng thời đăng tải lên mạng xã hội.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Trường Trung học cơ sở Văn Phú đã họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh liên quan. Tại buổi làm việc, có 14 ý kiến tham gia, trong đó đều thống nhất nhận xét: cô H, và học sinh trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc.

Đáng chú ý, ngày 21/11, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú đã ban hành quyết định kỷ luật đối với viên chức là bà P.T.H. với hình thức "cảnh cáo" với lý do: “Bà H. vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh, ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đảm bảo tính sư phạm, đúng mực”.

Vấn đề cần bàn là, từ giữa tháng 9/2023, cô H. mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói không chuẩn mực đạo đức của nhà giáo và sau đó cô bị lãnh đạo nhà trường kỉ luật với hình thức "cảnh cáo".

Hình thức kỉ luật "cảnh cáo" áp dụng đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý là rất nặng, chỉ sau mức "buộc thôi việc" (khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc).

Điều đáng nói, sau khi kỉ luật giáo viên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú đã làm việc như thế nào đối với 3 bên: cô H., nhóm học sinh liên quan và phụ huynh học sinh?

Nếu học sinh được hiệu trưởng phân tích những lỗi sai của cô P.T.H. thì lẽ nào các em không có sự cảm thông, sẻ chia với cô giáo của mình để mà chú tâm học hành cho tốt?

Cần biết.học sinh bậc trung học cơ sở (trường hợp này là lớp 7) tình cảm mang tính bồng bột, sôi nổi, dễ bị kích động, dễ thay đổi, đôi khi còn mâu thuẫn. Tuy vậy, tình cảm các em đã bắt đầu biết phục tùng lý trí, tình cảm đạo đức đã phát triển mạnh.

Cùng với đó, sự việc kéo dài từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 11/2023, phải chăng hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú buông lỏng quản lí, không quan tâm đến tâm tư của học sinh cũng như bản thân cô P.T.H. sau "án" kỉ luật?

Học sinh chỉ chực chờ bạo hành cô giáo thì tâm trí đâu để học? Giáo viên ở trong tình trạng này thì làm sao có thể dạy học? Quyền được dạy của giáo viên và quyền được học của học sinh hiệu trưởng có thấu?

Hơn nữa, sự việc xảy ra giữa cô H. và một nhóm học sinh ngay trong lớp học đến mức rất nghiêm trọng (học sinh ném dép vô mặt khiến khiến cô P.T.H. ngất xỉu) nhưng không thấy bóng dáng giáo viên hay hiệu trưởng, hiệu phó vào can thiệp mà chỉ có bảo vệ cũng là câu hỏi cần làm rõ.

Sự việc xảy ra ngay trong lớp học, học sinh hành xử với cô giáo như những kẻ "đầu đường xó chợ" mà vắng bóng lãnh đạo thì ai đứng ra bảo vệ giáo viên?

Hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên bộ môn thực sự không biết sự việc xảy ra trong lớp hay tất cả đều làm ngơ mặc cho học sinh hành xử thô bạo với đồng nghiệp?

Và dù lí do nào đi chăng nữa thì nhiều giáo viên cho rằng, không biết vai trò của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Phú ở đâu. Hiệu trưởng không bảo vệ được giáo viên suốt một thời gian dài bị học sinh lăng mạ cả thể xác lẫn tinh thần thì làm sao đủ sức lãnh đạo, quản lí.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền của Hiệu trưởng như sau (trích): "quản lý giáo viên, nhân viên", "quản lí chuyên môn", "quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức"...

Theo quy định này, sự việc ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú kéo dài gần 3 tháng cho đến xuất hiện clip học sinh bạo hành giáo viên thì mới vỡ lở là điều khó chấp nhận ở môi trường giáo dục.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội trong trường như Công đoàn, Đoàn Thanh niên... cũng chưa thấy có động thái nào đứng lên bảo vệ cô P.T.H. trong suốt thời gian dài cũng là điều khó hiểu.

Ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, công đoàn trong các nhà trường phổ thông còn là nơi để đội ngũ nhà giáo gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và tạo động lực để giáo viên làm việc.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/co-giao-thcs-van-phu-keu-cuu-vi-bi-hs-xuc-pham-huyen-son-duong-chi-dao-gi-post239681.gd

https://tienphong.vn/hoc-sinh-don-nu-giao-vien-vao-chan-tuong-xuc-pham-co-giao-tung-bi-hieu-truong-ky-luat-post1592901.tpo

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/hieu-truong-truong-trung-hoc-pho-thong-co-nhiem-vu-va-quyen-han-gi-nguoi-bi-ky-luat-co-duoc-bo-nhie-36413.html

https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-yeu-cau-ubnd-tinh-tuyen-quang-xac-minh-lam-ro-vu-co-giao-bi-hs-bao-luc-post239696.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên