GV bức xúc với công tác cán bộ ở Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN

07/12/2023 09:30
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giảng viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ sự bức xúc xung quanh công tác làm nhân sự của lãnh đạo Học viện.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của nhiều giảng viên đang công tác tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam xung quanh công tác cán bộ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nhiều băn khoăn xung quanh công tác cán bộ tại Khoa Thanh nhạc

Theo phản ánh, nhằm kiện toàn bộ máy cho Khoa Thanh nhạc do nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc được bổ nhiệm lên vị trí Phó Giám đốc phụ trách đào tạo của Học viện.

Tập thể lãnh đạo Học viện đã họp, thảo luận và nhất trí phê duyệt chủ trương bổ nhiệm vị trí Trưởng khoa từ nguồn nhân sự tại chỗ. Khoa Thanh nhạc có 2 Phó Trưởng khoa đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa là đồng chí N.T.P.N và đồng chí N.T.T.N.

Quy trình trải qua 5 bước để thực hiện việc bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ. Tuy nhiên, đến bước 4 (tập thể khoa họp và lấy phiếu ý kiến tín nhiệm bằng phiếu kín) đồng chí N.T.T.N chỉ đạt 35% phiếu đồng ý bổ nhiệm, chưa đủ trên 50% nhưng vẫn đi tiếp đến bước 5. Việc này gây nhiều ý kiến, tâm tư đối với cán bộ, giảng viên.

Được biết, ngày 18/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3468/BVHTTDL-TCCB gửi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam về công tác cán bộ.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê bình nghiêm khắc Chủ tịch Hội đồng trường, Ban Giám đốc, Cấp ủy Học viện trong việc thực hiện công tác cán bộ.

Theo một số giảng viên cho biết, sau đó, việc bổ nhiệm Trưởng khoa Thanh nhạc bị dừng lại.

Đáng nói, đến tháng 9, nhân sự không đủ hơn 50% phiếu tín nhiệm ở bước 4 lại được giao Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Thanh nhạc. Điều này đã gây nên rất nhiều băn khoăn, ý kiến tâm tư về công tác cán bộ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thi.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thi.

Để có thêm thông tin, phóng viên đã ghi nhận ý kiến chia sẻ của một số giảng viên.

Một giảng viên Khoa Thanh nhạc chia sẻ: "Tôi thấy lạ trước cách làm công tác cán bộ của lãnh đạo Học viện. Ở bước 4 một đồng chí không đủ trên 50% số phiếu tín nhiệm khi lấy ý kiến bổ nhiệm trưởng khoa nhưng không hiểu vì sao lại được lãnh đạo Học viện trao quyền điều hành khoa tạm thời. Ban lãnh đạo đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm thì nên tôn trọng ý kiến của giảng viên, tôn trọng kết quả mà chúng tôi đã thể hiện trong phiếu.

Khi lấy phiếu tín nhiệm ở khoa, chúng tôi cũng đã đề nghị ký vào tờ phiếu bầu của mình để sau này nếu kiểm soát lại thì sẽ có căn cứ đó là phiếu tôi đã bầu. Điều đó ít nhiều cho thấy, giảng viên muốn ý kiến của mình được tôn trọng và đảm bảo kết quả chính xác, minh bạch.

Là giảng viên công tác tại khoa, tôi đề nghị cần sớm chọn ra trưởng khoa bởi ngày nào còn thiếu lãnh đạo được đa số mọi người cùng tin tưởng thì tôi nghĩ rằng các công việc trong khoa không thể thống nhất và vận hành tốt nhất được".

Theo thông tin từ giảng viên này, trước khi bắt đầu năm học 2023-2024, Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã mời toàn bộ giảng viên thuộc biên chế của Khoa Thanh nhạc đến và trao quyết định cho giảng viên N.T.T.N. làm Phó Trưởng khoa phụ trách.

Giảng viên này tâm tư, cần có một người có tiếng nói, đủ tín nhiệm để giải quyết các công việc của khoa Thanh nhạc.

Đồng thời, theo người này, lý do giảng viên N.T.T.N chưa nhận được tín nhiệm của đa số giảng viên trong khoa vì: "Tôi tin tưởng và bầu cho người còn lại vì khi họ vận động đã đưa ra được hướng phát triển phù hợp, hợp lý và thuyết phục tôi".

Cùng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một giảng viên khác hiện đang công tác tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng cho biết: "Tôi và một số giảng viên khác trong Khoa Thanh nhạc có ký vào phiếu bầu tín nhiệm ở bước 4. Trước khi thực hiện việc này thì chúng tôi đã xin phép ban lãnh đạo Học viện và đã được đồng ý. Thực chất, chúng tôi ký tên vào phiếu vì muốn thật yên tâm với những lá phiếu mình chọn được đúng người mình tin tưởng.

Ngoài ra, việc một đồng chí chưa nhận được phiếu tín nhiệm cao, theo cá nhân tôi và phần đông giảng viên trong khoa vì chúng tôi chưa tin tưởng, chưa yên tâm để đồng chí này làm trưởng khoa.

Hiện tại đã hơn nửa năm rồi mà Khoa Thanh Nhạc vẫn chưa có trưởng khoa. Đây là một điều theo tôi được biết là chưa có tiền lệ. Trước đây chúng tôi đã có những trưởng khoa rất tuyệt vời, vừa có tâm, vừa có tầm, rất đáng kính trọng, họ đã dẫn dắt Khoa Thanh nhạc trở thành khoa có truyền thống yêu thương nhau, luôn động viên, chia sẻ kịp thời để giảng viên công tác tốt. Đồng thời khoa cũng có được những thành tích xuất sắc".

Theo vị này, không phải là Khoa Thanh nhạc không có người đủ trình độ để làm trưởng khoa nhưng không hiểu tại sao ban Giám đốc Học viện vẫn chưa đưa ra được quyết định? Giảng viên này cũng bày tỏ tâm tư mong cấp trên xem xét lại rằng liệu việc này đang vướng mắc ở đâu và tìm ra nguyên nhân của sự vướng mắc đó để sớm có một quy trình làm nhân sự đúng đắn, lựa chọn đúng để có được một người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm và kết nối sự đoàn kết, yêu thương của cán bộ, giảng viên trong khoa.

Ngoài ra, một giảng viên khác cũng bày tỏ sự bức xúc về quy trình làm công tác nhân sự tại Khoa Thanh Nhạc. Vị này cho hay: "Giảng viên chúng tôi chỉ muốn kiện toàn nhân sự và có lãnh đạo chính thức của Khoa Thanh nhạc. Cá nhân tôi nhận thấy người đang được giao Phó trưởng khoa phụ trách hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý.

Việc người này không được giảng viên trong Khoa tín nhiệm đã được thể hiện trong số phiếu chỉ được 35% ở bước 4.

Tất nhiên, nếu đồng chí này lãnh đạo chuẩn thì sẽ không ai có ý kiến nhưng đa số giảng viên đều không bỏ phiếu tín nhiệm ở bước 4 thì Ban Giám đốc Học viện nên có sự xem xét lại việc này".

Không đạt số phiếu tín nhiệm trên 50% ở bước 4 sao lại đi tiếp bước 5?

Liên quan đến quy trình làm công tác nhân sự khi một cá nhân ở bước 4 không đạt đủ trên 50% số phiếu tín nhiệm nhưng Học viện Âm nhạc Việt Nam vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Tiến sĩ N.T.T.N ở bước 5, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Tiến sĩ Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Tổng thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam.

Tiến sĩ Phúc nhận định công tác bổ nhiệm cán bộ ngày càng quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, nếu bước 4 có nhân sự không đạt tỷ lệ trên 50% phiếu tín nhiệm mà vẫn tiến hành tiếp bước 5 thì "sai quy trình, rõ ràng không quá 50% thì phải loại, nhưng tại sao vẫn đi tiếp?".

Trước câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nếu bước 4 không đạt tỷ lệ trên 50% số phiếu tín nhiệm nhưng vẫn tiến hành tiếp bước 5, liệu quy trình này có đúng không?, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: "Nói chung là không đúng. Công tác bổ nhiệm nhân sự rất phức tạp, có người đồng tình và có người không đồng tình. Tổ chức cán bộ thuộc lãnh đạo của Cấp ủy, của Đảng, của người lãnh đạo đơn vị. Nếu họ ra quyết định mà sau này nhân sự không tốt, không ổn thì phải chịu trách nhiệm. Quy trình bổ nhiệm cán bộ đều theo quyết định của Đảng, quy trình bổ nhiệm của Chính phủ", ông Dĩnh cho hay.

Theo các chuyên gia, nhân sự lấy phiếu tín nhiệm ở hội nghị toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên ở Khoa Thanh nhạc mà không đủ số phiếu tín nhiệm trên 50% thì cho thấy sự tín nhiệm của Tiến sĩ N.T.T.N rất ít, uy tín thấp. Chính vì thế, lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn giao cho Tiến sĩ N.T.T.N làm Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Thanh nhạc sẽ gây nhiều câu hỏi băn khoăn cũng là điều dễ hiểu.

Liên quan đến công tác cán bộ tại Khoa Thanh nhạc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc và gửi câu hỏi tới Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, hiện, phóng viên chưa nhận được phản hồi.

Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong đó, Điều 21, Chương III quy định quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ gồm 5 bước:

Bước 1: Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn cán bộ quy hoạch, người đứng đầu chủ trì cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự; đồng thời, tiến hành rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ trong quy hoạch (gồm cả cán bộ được quy hoạch chức danh tương đương trở lên), thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo.

Bước 2: Căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách nhân sự đã thông qua ở bước 1, người đứng đầu trao đổi định hướng nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phù hợp với yêu cầu của địa phương, đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn:

Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức danh; người nào đạt số phiếu đồng ý cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo. Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Bước 3: Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, hội nghị tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu 1 người cho một chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Người nào đạt số phiếu cao nhất trên 50% tổng số người được triệu tập đồng ý thì được lựa chọn. Trường hợp không có người nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo (kết quả kiểm phiếu được công bố tại hội nghị này). Trường hợp không có người đạt số phiếu 30% thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Trường hợp nhân sự giới thiệu ở bước này khác với nhân sự được giới thiệu ở bước 2 thì tập thể lãnh đạo họp, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Người được lựa chọn phải có số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo theo quy định. Trường hợp không có người đạt số phiếu ít nhất 2/3 thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh sách đã được giới thiệu ở bước 3 (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này).

- Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển và dự kiến lĩnh vực phân công công tác.

- Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không ký tên).

Bước 5: Trên cơ sở ý kiến đánh giá, nhận xét (bằng văn bản) của ban thường vụ đảng uỷ (đảng uỷ cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ); kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự; tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguyên tắc lựa chọn:

- Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đạt tỉ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để trình, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Tài liệu tham khảo:

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-quy-dinh-ve-phan-cap-quan-ly-can-bo-va-bo-nhiem-gioi-thieu-can-bo-ung-cu-119220906092433686.htm

Phạm Thi