Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do vậy, nhiều phụ huynh, học sinh, nhà trường đang lo lắng không biết đề thi sẽ như thế nào để có những định hướng, sự chuẩn bị phù hợp.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Do vậy, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên chuyển dần theo hình thức đánh giá năng lực để học sinh phải học một cách toàn diện, nếu vẫn thi theo cách thức cũ thì không phù hợp lắm với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Nguồn: Fanpage nhà trường). |
Theo đó, thầy Nam cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tương lai gần nên tổ chức thi trên máy tính để được thuận lợi, khách quan và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Thậm chí, thi trên máy tính, nếu thí sinh thi xong có thể biết được kết quả ngay lại càng tốt, vì không ai có thể can thiệp được vào kết quả (ở những khâu sau đó) nên cũng sẽ giúp giảm bớt các vấn đề tiêu cực xảy ra.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt và áp dụng được ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản và định hướng dài hạn để hình thành cách dạy của giáo viên, cách học cho học sinh và phải sớm có chiến lược phát triển về các cơ sở vật chất, trang thiết bị,...
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị), những môn học đòi hỏi học sinh phải có sự tư duy và viết ra được mới gọi là hiểu môn học như Lịch sử thì thi theo hình thức trắc nghiệm có thể sẽ không phù hợp mà phải thi theo hình thức tự luận.
“Đề thi theo hình thức trắc nghiệm chỉ kiểm tra được chiều rộng về kiến thức nhưng với một số môn, không đánh giá hết được khả năng, năng lực của người học, lại khiến khâu trình bày của người học yếu đi gây ra ảnh hưởng lớn đến công việc trong tương lai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trưng cầu ý kiến của phụ huynh, học sinh để có quyết định phù hợp nhất”, thầy Nam nói.
Chia sẻ từ thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho hay, hiện nay các trường đều đang chờ các văn bản hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để có định hướng kịp thời trong quá trình chỉ đạo giảng dạy học sinh được tốt hơn vì năm 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung nghiệp phổ thông theo chương trình mới.
Theo thầy Vinh, nếu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức trên máy tính thì sẽ thuận lợi hơn nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta phải có đủ điều kiện và thời gian để xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi, cần nhiều mã đề, có sự tương đồng để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Bởi, nếu ngân hàng đề thi còn ít thì rất dễ xảy ra những tiêu cực như học sinh học vẹt các dạng câu hỏi tương đồng, hay các lò luyện thi tổ chức ôn luyện dạng đề theo khuôn mẫu từ đề tham khảo dẫn tới việc không đánh giá đúng năng lực của thí sinh.
Không những vậy, nếu đề thi có cả tự luận và trắc nghiệm thì hai phần này phải thi riêng chứ không gộp chung, ví dụ thí sinh hết thời gian thi phần tự luận xong mới phát phần thi trắc nghiệm, như vậy sẽ đảm bảo công bằng và tránh các bất cập không đáng có.
Cũng bàn về vấn đề trên, cô Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) chia sẻ, cô cũng mong muốn hình thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi sẽ đạt được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải vừa kiểm tra được kiến thức vừa kiểm tra được kỹ năng cũng như xây dựng ma trận đề thi một cách khoa học để đánh giá được đúng năng lực của thí sinh.
Cô Thu cũng cho rằng, hiện nay mặc dù ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển và tiên tiến hơn. Tuy nhiên, phải chuẩn bị ít nhất vài năm để có thể áp dụng công nghệ thông tin vào trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bởi, nếu áp dụng quá sớm, một số em có thể kiến thức tốt nhưng đến lúc vào thi, ứng dụng công nghệ thông chưa tốt sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả thi.
Ngoài ra, theo cô Thu, việc dự kiến Lịch sử là một trong những môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cơ bản không gây ra khó khăn gì đối với những em đăng ký tuyển sinh đại học (bằng kết quả thi tốt nghiệp) vào các ngành không có môn này. Bởi ngành các em đăng ký sẽ yêu cầu điểm của các tổ hợp môn trong ngành cao, còn với môn Lịch sử, thì vì ngành xét không có môn này, nên có thể thí sinh chỉ cần điểm môn Lịch sử ở mức trung bình, đủ yêu cầu tốt nghiệp mà thôi.
"Hơn nữa, giáo dục học sinh về Lịch sử là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng và truyền thống của đất nước ta nên theo tôi, nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc cũng hoàn toàn hợp lý", cô Thu nói.