Hà Nội chuẩn hóa IELTS có thêm giấy phép con cho giáo viên?

19/06/2020 05:59
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chuẩn hóa giáo viên phải có IELTS từ 6.5 trở lên, chẳng khác gì Hà Nội đang tạo ra một loại giấy phép con trong giáo dục riêng của mình.

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, từ ngày 18/6 đến ngày 5/7/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ triển khai việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đối với giáo viên phổ thông.

Theo đó, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá.

Đối với những giáo viên có chứng chỉ IELTS từ năm 2019 trở lại đây đạt kết quả 6.5 trở lên có thể lấy kết quả đó để phân lớp đào tạo.

Điều này khiến nhiều giáo viên không riêng gì ở Hà Nội mà giáo viên Anh văn trên cả nước băn khoăn, lo lắng.

Hà Nội làm như thế, các địa phương khác sẽ làm như thế, giáo viên Anh văn lại phải “chạy” chứng chỉ IELTS.

Cô giáo Ng. dạy Anh văn tại Vũng Tàu chia sẻ “Đọc thông tin Hà Nội chuẩn hóa IELTS với giáo viên em cũng thấy lo lắng, băn khoăn.

Rất nhiều người bình luận, nếu chuẩn hóa giáo viên phải có IELTS từ 6.5 trở lên, chẳng khác gì Hà Nội đang tạo ra một loại giấy phép con trong giáo dục riêng của mình.

Để đi dạy, giáo viên đã học chuyên ngành Sư phạm 4 năm; tự học thêm chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai; khi có quy định chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam đã học, thi để đạt được theo quy định.

Chứng chỉ IELTS chỉ có giá trị 2 năm kể từ ngày cấp; chả nhẽ giáo viên cứ hai năm lại phải thi chứng chỉ IELTS một lần?.

100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá. (Ảnh minh họa: VOV)

100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá.

(Ảnh minh họa: VOV)


Thầy Tr. lại có góc nhìn khác: “Có thể Hà Nội là Thủ đô, muốn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho tốt;

Hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không tin vào hệ thống các trường Sư phạm đào tạo giáo viên tiếng Anh;

Hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không tin vào các tổ chức đánh giá chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép;

Nên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội buộc giáo viên thi chứng chỉ IELTS cho khách quan”.

Trong tất cả văn bản quy định về giáo dục, giáo viên, tuyệt đối không có cụm từ quy định giáo viên phải có chứng chỉ IELTS, chứ chưa nói là phải đạt bao nhiêu điểm.

Tuy nhiên, giáo viên bất cứ môn học nào cũng phải tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp là điều cần thiết.

Với giáo viên ngoại ngữ việc tự học, bồi dưỡng thường xuyên lại càng cần thiết, thế nhưng việc bồi dưỡng đó chỉ có giá trị thực tiễn khi là nhu cầu nội tại của mỗi giáo viên.

Nếu việc học bồi dưỡng chỉ mang tính đối phó, bắt ép, hiệu quả sẽ rất nhỏ, lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước, thời gian của giáo viên.

Bắt buộc giáo viên một bộ môn nào đó phải có tiêu chuẩn riêng, ngoài chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được luật pháp quy định lại gây phản cảm cho giáo giới.

Với Hà Nội, giáo viên ngoại ngữ không tự học, tự nâng cao trình độ, khó mà tồn tại trong trái tim học trò, trong nghề nghiệp của mình.

Vì vậy hãy để giáo viên tự vận động, tự bồi dưỡng; xã hội hóa … chứng chỉ IELTS.

Ngành giáo dục cần dành ngân sách cho việc giải quyết sĩ số lớp đang vượt mức cho phép của Luật giáo dục, đang làm khổ giáo viên mỗi khi lên lớp; trả tiền công cho giáo viên hợp đồng theo đúng luật pháp…vv.

Giaó viên đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục; theo Điều lệ trường phổ thông là đủ điều kiện giảng dạy.

Việc quy định thêm những chứng chỉ ngoài Luật Giáo dục, ngoài Điều lệ trường phổ thông là trái luật pháp, là giấy phép con, cần phải loại bỏ.

Sơn Quang Huyến