Hà Nội sắp đóng cửa hàng loạt nghĩa trang lớn

03/08/2012 07:59
Theo VnExpress.net
Sau Văn Điển, các nghĩa trang tập trung Mai Dịch, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Yên Kỳ 1, sẽ phải đóng cửa trong 3 năm tới do hết diện tích. Hà Nội sẽ xây mới 12 nghĩa trang để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Do tốc độ đô thị hóa, đất trống dành cho nghĩa trang của Hà Nội đang hẹp dần, trong khi sức ép về nhu cầu người dân, hài cốt do giải phóng mặt bằng, các công trình xây dựng... gây quá tải cho hệ thống nghĩa trang nội thành.

Theo ghi nhận của PV, hiện các nghĩa trang tập trung quy mô lớn là Yên Kỳ 1 (38 ha) và Văn Điển (18 ha) đã hết diện tích. Thời gian tới, các nghĩa trang tập trung khác như Mai Dịch, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Sài Đồng... cũng sẽ bị lấp đầy là tiếp tục đóng cửa.

Bên cạnh đó, những nghĩa trang nhỏ lẻ nằm trong nội đô cũng đã quá tải, phần lớn đã đóng cửa. Thiếu đất nghĩa trang, nhiều người dân Hà Nội đang phải tìm mua những mộ phần tại những nghĩa trang tư nhân như Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), Vĩnh Hằng (Ba Vì), với giá 10 - 15 triệu đồng mỗi mộ.

Nghĩa trang nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư sẽ được quy tập. Ảnh: PV.
Nghĩa trang nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư sẽ được quy tập. Ảnh: PV.

Theo dự thảo quy hoạch nghĩa trang Hà Nội, đến năm 2020 nhu cầu đất xây dựng nghĩa trang toàn thành phố là 273 ha tại khu vực đô thị, 63 ha tại khu vực nông thôn và đến năm 2030, con số này tăng gần gấp đôi.

Dự kiến, thành phố phải di dời hơn 287.000 ngôi mộ trong khu vực phát triển đô thị (chiếm 20% số mộ phải di chuyển), với diện tích di chuyển đến năm 2020 là 86 ha và năm 2030 là 216 ha. Các khu mộ phần đơn lẻ sẽ dần được tập kết vào khu nghĩa trang chung để tránh tình trạng phân tán, gây ô nhiễm môi trường.

Trước năm 2015, 6 nghĩa trang lớn đóng cửa sẽ được trồng thêm cây xanh, cải tạo thành công viên nghĩa trang. Để đáp ứng nhu cầu người dân, thành phố sẽ xây mới và mở rộng 12 nghĩa trang như Vân Hà (Đông Anh), Thanh Tước (Mê Linh), Minh Phú (Sóc Sơn), Trung Màu (Long Biên, Gia Lâm). Người dân khu vực phía nam sẽ di chuyển đến nghĩa trang Chuyên Mỹ, Phú Xuyên... Ngoài ra, các huyện cũng sẽ có một nghĩa trang và ít nhất mỗi xã có một nghĩa trang tập trung.

Bên cạnh đó, đến năm 2020 thành phố sẽ xây dựng 30 nhà tang lễ, phấn đầu mỗi xã có một nhà tang lễ rộng 200 - 300 m2. Nhiều nghĩa trang xây mới sẽ được xã hội hóa đầu tư, như nghĩa trang Thanh Tước, Yên Kỳ 2, Vĩnh Hằng, Minh Phú.

Tại cuộc họp sáng 2/8, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi khẳng định sự cần thiết phải lập quy hoạch nghĩa trang, bám sát quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu của người dân trong những năm tới. Ông yêu cầu mỗi huyện phải có kế hoạch giữ đất để xây dựng nghĩa trang; đơn vị lập quy hoạch làm rõ danh mục dự án đầu tư nghĩa trang, nguồn vốn để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, quy chế khai thác sử dụng khi dự án được xã hội hóa.

Theo VnExpress.net