Thời gian gần đây, Facebook của nhóm “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học” xôn xao và thích thú với bài thơ về tính chu vi, diện tích, thể tích các hình ở bậc tiểu học.
Bài thơ đã liệt kê ra cách tính chu vi hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, hình thoi, tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, hình bình hành, hình thang, hình thoi, hình tròn cũng như diện tích xung quanh, diện tích toàn phần của hình lập phương, hình hộp chữ nhật.
Với thể thơ lục bát giàu vần điệu, lối diễn đạt ngôn ngữ trong sáng, hài hước và dí dỏm, bài thơ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực đồng nghiệp và học sinh. Đây là một trong những phương pháp dạy toán mà thầy Nguyễn Thọ Tuyến, giáo viên Trường tiểu học Phú Nhuận (Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã áp dụng trong thời gian qua.
Anh Nguyễn Thọ Tuyến, giáo viên Trường tiểu học Phú Nhuận (Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) - người chuyên dạy toán bằng thơ. |
Trò chuyện với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về phương pháp độc đáo này, thầy Tuyến cho biết, tất cả cũng chỉ muốn giúp học sinh của mình dễ hiểu bài, nhớ lâu và thoải mái đầu óc trong lúc học để có kết quả tốt nhất.
Giải toán bằng thơ
Xuất phát từ đâu thầy nghĩ ra cách có thể lấy thơ lắp ghép vào những công thức toán khô khan?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Để có được tư liệu giúp cho học sinh học được tốt hơn trước hết đó là cái tâm của người thầy. Và phải có một chút năng khiếu về phần ngôn ngữ, để viết ra cho tương đối phù hợp và giúp các em nhớ được qua những vần điệu đó.
Tôi cũng đã từng đứng lớp rất nhiều năm, nhiều khi cũng phải tạo ra những bài thơ cho các em nghe và cũng thấy hiệu quả hơn so với cách làm thông thường.
Cảm hứng làm thơ thầy có từ khi nào?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Từ khi tôi và một người nữa lập ra Hội “Những người yêu giáo dục tiểu học” online, thấy nhiều anh chị em vào đó và chia sẻ những tâm tư tình cảm và tôi cảm thấy rất vui. Sau đó cũng xem một số bài của các tác giả khác viết, tự dưng cũng cảm thấy có một chút hứng thú, thoải mái.
Trong bài thơ về công thức toán, có một số câu tôi phải đánh dấu ý muốn nhấn mạnh để nhắc các em. Bởi giữa các công thức hình học khi chuyển thành thơ rất khó, khó vì có được vần điệu để các em nhận thức được.
Học trò và mọi người đón nhận những bài thơ bằng công thức toán của thầy như thế nào?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Các thầy cô và học sinh chủ yếu động viên là chính, nói thật tôi cũng không tài cán gì, trình độ năng lực có hạn chỉ ở mức tầm thường.
Với người giáo viên tiểu học mỗi thứ biết một chút, do lập gia đình muộn nên cũng có khoảng thời gian ở nhà, ở nhà cũng chưa có việc làm nên hay mày mò, nghiên cứu vấn đề này. Con người khả năng cũng có hạn nhưng do tích lũy được trong quá trình 20 năm công tác, những kinh nghiệm cộng lại và có gì đó yêu nghề nên hay trao đổi với các đồng nghiệp về cách học toán bằng thơ.
Đặc biệt có những đề toán cũng có thể chuyển thành một bài thơ, thậm chí giải toán bằng thơ, như thế sẽ mất rất nhiều thời gian.
Một bài toán giải thông thường bằng lời văn là dễ, nhưng chuyển thành bài thơ thì phải đúng luật thơ như Lục bát hay Đường luật, phải đúng vần điệu, câu từ và số lượng chữ, quan trọng làm sao cho học sinh hiểu được bài.
Khi đứng trên bục giảng thầy có phương pháp nào để cho học sinh hào hứng, tiếp thu dễ nhất ý mà người thầy muốn truyền tải?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Để dạy một học sinh nhiều năm ở trên vùng núi là khó, không như dưới xuôi học sinh được gia đình quan tâm rất tốt, trên này nếu để dạy một đội tuyển thầy cô phải là những người có tâm huyết, chịu được sự hy sinh để dạy các em.
Làm thế nào để cho học sinh thích học toán? Nhiều khi mình phải bỏ một tiết học để nói chuyện cho các em vui, đọc cho các em nghe một vài bài toán bằng thơ, một vài công thức bằng thơ, các em cảm thấy hay và sẽ nhớ lâu bài toán đó.
Một số cách tính công thức toán, hình học được thầy Tuyến vận dụng vào thơ để học sinh dễ nhớ. |
Sau đó quay trở lại công việc hàng ngày mình thấy hiệu quả hơn. Tính giáo dục được coi như nhà thiết kế, mình đi dạy là người thi công phải hiểu được ý của nhau mới có thể làm tốt.
Thầy nghĩ gì về ý kiến cho rằng, ngoài chương trình và sách thì phương pháp có vai trò quan trọng không kém?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Đó là điều chắc chắn. Đối với các em học sinh người thầy phải hiểu được tâm lý lứa tuổi các em, các em ở lứa tuổi ở tiểu học vẫn mang nặng tính ham chơi, chưa ý thức được việc học, người thầy làm sao kết hợp được giữa việc học và chơi để cho học sinh thích.
Theo tôi nghĩ với giáo dục như hiện nay, với kiến thức và chương trình nên đưa vào những bài toán gắn với cuộc sống hiện tại của các em, thay đổi một số bài toán hơi xa vời với thực tế.
Lấy ngay như bài toán học sinh tiểu học học về sử dụng cân đĩa, với bài toán này chỉ ứng dụng trong khoảng 30 năm trở về trước khi đó xã hội dùng cân đó nhiều thì phù hợp.
Nhưng thời bây giờ khi đưa vào học nhiều học sinh bỡ ngỡ vì chưa được nhìn thấy cân đó như thế nào.
Thầy Tuyến và các em học sinh của mình trong một giờ trên lớp. |
Hay như các bài toán đo độ dài hay ộ khối lượng, tại sao không gắn vào thực tế như: quãng đường từ nhà em tới trường, từ nhà em đến phố huyện, hay các độ dài ngắn hơn như cen ti mét…?
Tôi nhớ một lần có nhờ đứa cháu đi mua vài chiếc đinh 10 phân, rõ ràng cháu là học sinh giỏi tỉnh còn chưa hiểu là 10 phân như thế nào? Sau tôi giật mình giáo dục của ta có nhiều bài toán chưa gắn với thực tế cuộc sống, không gắn với cuộc sống thì học sinh sẽ không thích. Đó là điều tôi mong muốn.
Qua nhiều phương tiện như thầy tìm hiểu, thầy có nhận thấy chương trình đào tạo sư phạm ngày hay nặng về lý thuyết, kém thực tế, và điều đó khiến sinh viên sư phạm khi ra trường sẽ không có phương pháp tốt?
Thầy Nguyễn Thọ Tuyến: Tôi đồng ý với nhận định này. Lấy như đào tạo giáo viên tiểu học, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn hình thức đào tạo bởi có những cái không phù hợp.
Thứ nhất, khi đào tạo ra một thầy giáo, một cô giáo để đứng trên bục giảng và mảng kiến thức phải đào tạo trước (sinh viên sư phạm phải có kiến thức tố về bậc học mà mình được đào tạo), sau đó mới tới phương pháp, hai yếu tố đó kết hợp lại sẽ tạo ra người giáo viên tương đối tốt.
Thời gian kiến tập, thực tập của sinh viên sư phạm phải tăng lên một chút.
Xin cảm ơn thầy.
Theo nhận xét của hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Nhuận Lê Quang Thuyên, thầy Nguyễn Thọ Tuyến là người có chuyên môn rất vững, hài hước, hóm hỉnh và đặc biệt là một trong những giáo viên là nhân tố của trường và của tỉnh Bắc Giang.