Hải Phòng đặt mục tiêu trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục đào tạo

15/08/2023 09:49
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị ngành giáo dục chú trọng bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Chiều ngày 14/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2022 – 2023 triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.

Dự hội nghị có ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành và quận, huyện.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2022 – 2023 triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 (Ảnh: Phạm Linh)

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2022 – 2023 triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024 (Ảnh: Phạm Linh)

Đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Năm học 2022 – 2023, quy mô giáo dục Hải Phòng tiếp tục ổn định, phát triển vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp; có đủ các loại hình, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong thành phố với 794 trường học; 529.645 học sinh; 394 trung tâm ngoại ngữ, cơ sở ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa; 217 trung tâm học tập cộng đồng; 4 trường đại học.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp theo đơn vị hành chính cấp xã, năm 2022. Hải Phòng đã tiến hành sắp xếp 64 trường, đến tháng 7/2023 đã tiếp tục hoàn thành sắp xếp 22 trường.

Giáo dục Hải Phòng đã giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học, cấp học. Với giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ tăng mạnh và vượt chỉ tiêu đề ra, chất lượng chăm sóc trẻ được đảm bảo, xây dựng thành công mô hình “Trường học xanh - an toàn - thân thiện”.

Với giáo dục phổ thông, đã triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật.

Đặc biệt giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao với 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 bằng khen trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực môn Toán học và Vật lý; 76 giải học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông; 2 giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; giáo dục đại trà duy trì thành tích ổn định.

Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng Cờ thi đua cho Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phòng trào thi đua năm 2022 (Ảnh: PL)

Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng Cờ thi đua cho Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phòng trào thi đua năm 2022 (Ảnh: PL)

1 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thao Giáo dục quốc phòng an ninh toàn quốc lần thứ II năm 2022 vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng(Ảnh: PL)

1 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thao Giáo dục quốc phòng an ninh toàn quốc lần thứ II năm 2022 vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng(Ảnh: PL)

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước về điểm trung bình các bài thi, đạt 6,85 điểm; tỉ lệ tốt nghiệp đạt 99,38%, có 1 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc khối D01…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm qua, giáo dục - đào tạo thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như trong báo cáo ngành đã chỉ ra là vấn đề thiếu quỹ đất cho giáo dục, thiếu trang thiết bị dạy học vẫn chưa được giải quyết triệt để; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn nhiều khó khăn.

Công tác sáp nhập trường học được chú trọng triển khai, đem lại hiệu quả tích cực, nhưng cũng làm phát sinh một số bất cập, Những khó khăn trong triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khi các điều kiện để thực hiện chương trình chưa được đảm bảo nhất là về đội ngũ giáo viên…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng ghi nhận kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Đồng thời, biểu dương những thành tích xuất sắc mà học sinh, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã đạt được trong năm học vừa qua.

Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phạm Linh)

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024: “Tháng 3 năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Riêng về giáo dục đào tạo, mục tiêu xây dựng Hải Phòng thành trung tâm quốc tế về giáo dục đào tạo. Như vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo có trọng trách lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thì mới đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; các Nghị quyết của Thành uỷ, Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố về xây dựng Hải Phòng là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo; các chương trình, đề án về giáo dục - đào tạo của thành phố đã được phê duyệt.

Tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm học mới; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, công tác quản lý, quản trị giáo dục.

Thực hiện tốt công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, làm tốt công tác dự báo nhu cầu để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong giáo dục và đào tạo. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông về giáo dục và đào tạo”.

Phạm Linh