Tại sao phải chuyển đổi số trong giáo dục?
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/06/2020 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Trong đó, Giáo dục là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Mục tiêu của Giáo dục và Đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi công dân đều được học tập suốt đời.
Đồng thời, trong hệ thống đó có những chính sách và cơ chế tương ứng để đảm bảo cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, toàn ngành giáo dục đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Trên cơ sở đó sẽ tạo ra những công dân của nền kinh tế tri thức, nguồn lao động sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, góp phần Thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 108 ngày 26/11/2019 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45, trong đó xác định xây dựng mục tiêu Hải Phòng trở thành “trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ”.
“Xác định rõ việc đào tạo công dân học tập nhất là trong nền giáo dục 4.0 là một việc không dễ dàng, đó không chỉ là về đổi mới hay công nghệ, nó còn là vấn đề văn hóa và con người.
Thông qua việc số hóa kinh nghiệm học tập, mọi công dân đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung: tạo ra một quy trình giáo dục hấp dẫn, hiệu quả hơn và tiến tới cá nhân hóa với mọi công dân; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.
Chính vì điều đó, nhận thức chuyển đổi số là con đường đưa giáo dục Hải Phòng chuyển mình từng bước xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0, đó chính là nền tảng để đào tạo những công dân học tập trong nền giáo dục 4.0 và trước hết bắt đầu từ chính những học sinh, những thầy cô giáo trong ngành giáo dục”, Phó giáo sư Lê Quốc Tiến nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thông tin, nhiều năm qua, thành phố Cảng luôn đi đầu cả nước với những cơ chế đặc thù về khuyến học, khuyến tài, cơ chế tạo đột phá trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể như: Nghị Quyết số 06/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về việc quy định cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố hải phòng;
Nghị quyết 54/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về Chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Hải Phòng (Ảnh: CTV) |
Các Nghị quyết này được đánh giá mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tạo động lực cho học sinh học tập tốt, ổn định tâm lý cho nhân dân lao động, thu hút người tài và tạo công bằng xã hội trong giáo dục, an sinh xã hội.
Thành công bước đầu khi bước vào nền giáo dục 4.0
Phó giáo sư Lê Quốc Tiến nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tất cả các mặt của đời sống, kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Nhưng trong nguy có cơ, với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đề án hệ tri thức Việt số hóa (Itrithuc), ngành giáo dục Hải Phòng đã từng bước chuyển mình bước vào nền giáo dục 4.0 với những thành công bước đầu:
1. Xác định việc triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành trong đó kết nối tổng thể các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với các cơ quan quản lý (với những thông tin quản lý mang đặc thù và nhu cầu riêng của Hải Phòng) là trọng tâm của công tác chuyển đổi số trong giáo dục.
Đến nay, 910 cơ sở giáo dục, 32.141 giáo viên, 433.425 học sinh đều có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập.
Hải Phòng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, là trọng tâm của công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành; giúp các cấp quản lý ban hành chính sách quản lý có hiệu quả; đánh giá hiện trạng thừa thiếu giáo viên ở các nhà trường theo từng cấp học, địa phương, môn học từ đó xây dựng lên bức tranh tổng thể toàn ngành giáo dục.
Đồng thời, xây dựng các Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, luật giáo dục 2019 và triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
2. Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số trong toàn ngành.
Trong đó, sử dụng văn bản điện tử, sổ sách học bạ sổ điểm điện tử thay thế văn bản, tài liệu giấy; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.
3. Thúc đẩy phát triển học liệu số ở tất cả các cấp học, môn học gắn với việc chia sẻ học liệu giữa các nhà trường từ đó hình thành kho học liệu số toàn ngành giáo dục Hải Phòng với trên 3000 bài giảng chất lượng;
Tăng cường khai thác hệ tri thức Việt số hóa – kho học liệu số (Igiaoduc) giúp giáo viên tiếp cận hàng ngàn bài giảng và giáo trình điện tử đã được thẩm định nội dung.
4. Triển khai hàng loạt giải pháp dạy học trực tuyến với trên 95% học sinh trung học tham gia, không chỉ trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 mà còn duy trì triển khai song song với học chính khóa.
Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cũng được triển khai trực tuyến qua việc thiết lập các điểm cầu từ đại học giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) đến từng cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với số lượng giáo viên tham gia từ 10.000 đến 15.000 học viên mỗi chương trình.
Điều đáng nói là các chương trình tập huấn này hoàn toạn miễn phí hoặc chỉ là chi phí thuê giảng viên nhưng hiệu quả mang lại rất cao do có sự tương tác cùng lúc lên tới 15.000 giáo viên.
Cùng với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin trong việc xây dựng, triển khai hệ thống học tập trực tuyến LMS đáp ứng nhu cầu đặc trưng của thành phố Hải Phòng, qua đó đã xác định các giai đoạn thực hiện:
Giai đoạn 1: Triển khai hệ thống LMS tới toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục; phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên triển khai xây dựng các bài giảng điện tử không chỉ về nội dung học tập phổ thông mà còn các kiến thức về địa phương học, giáo dục pháp luật, giáo dục lòng yêu nước, kỹ năng làm chủ bản thân trên môi trường mạng...
Từ đó với việc mỗi học sinh, mỗi giáo viên có 1 mã định danh riêng có thể truy cập để tham gia các lớp học ảo. Sử dụng hệ thống LMS để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng sự phát triển của ngành.
Học sinh Trường Trung học phổ thông An Lão trong tiết học công nghệ thông tin (Ảnh: CTV) |
Giai đoạn 2: Triển khai hệ thống LMS tới các trung tâm trong hệ thống Giáo dục thường xuyên, qua đó hỗ trợ các trung tâm chuyển đổi phương thức học tập truyền thống sang kết hợp học tập trực tuyến; xác định rõ cung cấp nội dung bồi dưỡng mở theo nhu cầu người học và xu hướng của xã hội hiện đại.
5. Phát triển mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất qua việc phát triển các cộng đồng giáo viên sáng tạo Hải Phòng; cộng đồng học sinh, sinh viên sáng tạo Hải Phòng với sự tham gia của hàng chục nghìn giáo viên và học sinh Hải Phòng.
Qua các cộng đồng này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã định hướng dư luận tạo sự đồng thuận về xã hội trong các chính sách, giải pháp về phát triển giáo dục.
6. Nhận thấy khả năng tự học, tự nghiên cứu là yếu tổ cơ bản của một công dân học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thực hiện đẩy mạnh văn hóa đọc thông qua việc phát triển hệ thống thư viện lớp học từ chính những cuốn sách mà các em yêu thích.
Đây không phải là mô hình mới nhưng đã được thực hiện theo hình thức hoàn toàn, mới và song song với nó là các chương trình kết nghĩa, tặng sách giữa các trường trong thành phố với nhau, với các trường miền núi khó khăn.
Qua đó các giá trị của sách sẽ được tôn vinh, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách trong cuộc sống cũng như phát triển văn hóa đọc tạo nền tảng xây dựng thành phố tri thức.
Qua 5 tháng triển khai, hiện nay thư viện lớp học dưới tên gọi “Thư viện 50K” đã được triển khai rộng khắp tại 14/14 quận huyện với số sách huy động được trên 1,4 triệu cuốn từ đóng góp của chính học sinh và các nguồn tài trợ xã hội hóa.
Chính từ việc yêu thích sách, biết cách đọc sách sẽ làm nền tảng cho các em đọc sách điện tự và tự nghiên cứu tài liệu trong quá trình học tập và làm việc.