Ngày 31/10, nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây tổ chức ngày lễ hội Halloween. Giới trẻ Việt Nam đã hưởng ứng ngày này (31/10) hàng năm và xem như một ngày lễ hội dành cho hóa trang.
Nhiều trường mầm non, tiểu học ở các thành phố lớn cũng có chương trình lễ hội để các em tham gia.
Dưới góc nhìn của chuyên gia Nguyễn Quốc Cường - Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thì cần cho các em hiểu ý nghĩa của ngày Halloween khi tham gia hoạt động lễ hội.
Chuyên gia Nguyễn Quốc Cường và hình ảnh của đêm lễ hội Halloween. (Ảnh: H.L) |
(*) Từ "Halloween" bắt nguồn từ nhà thờ Thiên chúa giáo, là dấu vết còn lại của lễ hội All Hallow Eve (lễ thánh). Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và ngày hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celtic.
Người Celtic tổ chức kỷ niệm năm mới với lễ hội Samhain. Vào thời gian này vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết.
Halloween “kỳ bí” tại Vinhomes Riverside |
Lễ hội bắt đầu vào ngày 1/11, khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt đêm lễ thánh Hallow’s Eve, diễn ra vào đầu mùa đông - thời điểm kết thúc một năm, các xác chết đi lại tự do.
Ở Anh trước đây, đêm Halloween từng được gọi là Nutcrack Night hay Snap Apple Night tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn trái cây.
Những người nghèo đi ăn xin (a-souling) thường được cho một thứ bánh gọi là bánh linh-hồn (soulcakes) với điều kiện họ phải cầu nguyện cho người chết.
Ngày nay, nhiều nhà thờ tổ chức tiệc Halloween hoặc tổ chức khắc đèn lồng cho trẻ em. Mọi người cùng nhau đấu tranh vì một thế giới không còn tội lỗi.
Theo thầy Cường, ý nghĩa của ngày Halloween là như vậy, là trào lưu của phương Tây, là ngày lễ để mọi người trừ ma quỷ.
Lễ Halloween lại khiến nhiều bạn trẻ Việt Nam hóa trang thành ma quỷ, không giống con người. Lễ Halloween ở phương Tây diễn ra có ý nghĩa, phù hợp với văn hóa của nước sở tại.
Các bạn trẻ đã biến ngày này không theo ý nghĩa vốn có. Halloween còn là ngày cầu phước, cầu may qua cách hóa trang và hoạt động của lễ hội thực sự.
Giới trẻ Việt Nam đã “biến tấu” ngày này mất đi ý nghĩa vốn có. Chính vì không hiểu rõ về ý nghĩa của ngày lễ hội Halloween nên nhiều người đã sa đà vào việc hóa trang, trang trí không khí cho ngày lễ hội trở nên phản cảm.
Thầy Cường phân tích, văn hóa phương Đông và phương Tây hoàn toàn khác nhau nên việc du nhập văn hóa về một quốc gia cũng cần có sự sàng lọc cho phù hợp.
Nhiều người tổ chức lễ hội không hiểu rõ, không giải thích cho các bạn trẻ, các em học sinh ý nghĩa của ngày này. Nhiều em nhỏ hoặc các bạn trẻ đã bắt gặp những hình dạng mang tính chất gây sợ hãi cho người tham gia chương trình.
Nhất là đối với các em ở lứa tuổi bậc mầm non, tiểu học hoặc trung học cơ sở sẽ bị mất vui bởi những hình ảnh hóa trang một cách quái dị.
Thầy Cường đưa ra lời khuyên, với các em nhỏ nếu được tham gia vào lễ hội thì cần phải loại bỏ những hình ảnh hóa trang ma quỷ, màu sắc máu me. Những hình ảnh này sẽ tác động không tốt đến sự phát triển của tâm lý của trẻ nhỏ.
Nếu các em được tham gia hóa trang thành những quả bí ngô đẹp sẽ cuốn hút và không tác động đến thị giác, đến tâm lý của các em.
Chuyên gia Nguyễn Quốc Cường đánh giá, người tham gia lễ hội phải biết rõ nguồn gốc của lễ hội. Nếu chỉ trang trí thành ma quỷ với hình ảnh máu để kích động người chơi thì đây chỉ là sự du nhập của văn hóa “lai-căng” – phi thực tế.
Thầy Cường khẳng định, mục đích và ý nghĩa của ngày lễ hội Halloween là rất tốt nhưng được du nhập về Việt Nam chưa đúng với thực tế đang diễn ra ở các nước phương Tây.
Tài liệu tham khảo:
(*) //infonet.vn/le-halloween-la-gi-vao-ngay-may-post212562.info