Nguyên nhân còn giáo viên “hợp đồng” 2-3 triệu/tháng và giải pháp chấm dứt

08/12/2022 06:50
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiến nghị cho phép tuyển dụng những giáo viên có trên 3 năm (liên tục hoặc cộng dồn) hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.

Câu chuyện một giáo viên ở Nghệ An phải dạy hợp đồng hơn 20 năm và hiện nay chỉ được hưởng lương mỗi tháng 2,6 triệu, không được thi tuyển, xét tuyển hoặc xét tuyển đặc cách theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ khiến nhiều người băn khoăn.[1]

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng giáo viên phải hợp đồng không qua thi hoặc xét tuyển nhiều năm liền, không được xét tuyển viên chức khiến nhiều người bức xúc vì gần như địa phương nào cũng thiếu giáo viên nhưng họ lại phải dạy hợp đồng nhiều năm.

Ảnh minh họa - P.L

Ảnh minh họa - P.L

Nguyên nhân vì sao nhiều giáo viên chưa được xét tuyển đặc cách theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ?

Để giải quyết dứt điểm tình trạng hợp đồng giáo viên công tác nhiều năm không qua thi hoặc xét tuyển, ngày 05 tháng 11 năm 2019 Bộ Nội vụ đã có Công văn 5378/BNV-CCVC tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH từ 2015 trở về trước. [2]

Công văn 5378 nêu rõ, đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Công văn 5378 của Bộ Nội vụ khi đó là công văn kịp thời, tạo điều kiện cho giáo viên được xét tuyển đặc cách vào ngành sư phạm, được trở thành viên chức để được yên tâm công tác, cống hiến.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại có một số vướng mắc như sau:

Thứ nhất, nhiều giáo viên không được đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng không liên tục

Công văn số 5378 nêu rõ, đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó nhiều giáo viên được trường hợp đồng làm việc và không được đóng bảo hiểm xã hội nên họ sẽ không được xét tuyển đặc cách để trở thành viên chức.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên do hợp đồng thời vụ 8-9 tháng/năm, không được đóng bảo hiểm xã hội liên tục nên cũng vướng quy định khi xét tuyển đặc cách.

Thứ hai, nhiều người đang không có hợp đồng lao động

Công văn 5378 cũng nêu, giáo viên để được xét tuyển đặc cách viên chức phải là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, theo Nghị định 161 thì giáo viên hợp đồng đã bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 30/6/2019. Như vậy, tại thời điểm này không thể tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên vì đã bị cắt hợp đồng hoặc không có hợp đồng làm việc. Đây là điểm vướng mắc mà nhiều nơi gặp phải.

Thứ ba, khó tuyển dụng đặc cách vì phải…tinh giản biên chế

Để được tuyển dụng thì phải có trong chỉ tiêu biên chế, nhưng chỉ tiêu biên chế được giao trước đây kèm với chỉ tiêu tinh giản biên chế 10%, nên dù thiếu giáo viên, nhiều địa phương vẫn không thực hiện xét tuyển đặc cách cho giáo viên.

Thứ tư, xét tuyển đặc cách….nhưng lại khó đạt

Gọi là xét tuyển đặc cách nhưng một số địa phương ban hành các tiêu chuẩn khắt khe, kiểm tra hồ sơ, phỏng vấn với nhiều tiêu chí.

Nên dù vẫn còn chỉ tiêu biên chế nhưng giáo viên vẫn không được xét tuyển đặc cách vì trong công văn 5378 có nêu người được tuyển dụng đặc cách phải có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Do đó, nhiều địa phương đã không thực hiện hoặc thực hiện rất nhỏ giọt xét tuyển đặc cách giáo viên.

Điều đó dẫn đến hiện nay có nhiều giáo viên giảng dạy lâu năm vẫn ở thân phận hợp đồng, không được hưởng các chế độ của viên chức, có người giảng dạy hợp đồng 20 năm với mức lương èo uột chỉ 2-3 triệu đồng mỗi tháng.

Giải pháp nào để không còn tình trạng giáo viên hợp đồng lương 2-3 triệu/tháng

Thực tế tại khoản 1, 2 Điều 25 Luật Viên chức 2019 từ 01/7/2020 chỉ còn 2 loại hợp đồng làm việc

“1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020;

b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này;

c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

Do đó, hiện nay không còn hợp đồng làm việc thời vụ hay hợp đồng làm việc dưới 12 tháng trừ trường hợp đặc biệt là giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo Nghị quyết 102 năm 2020 của Chính phủ.

Người viết xin được kiến nghị Bộ Nội vụ các giải pháp sau để có thể tiếp tục xét tuyển đặc cách những giáo viên trong diện hợp đồng để tuyển được giáo viên giỏi, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hiện nay.

Thứ nhất, nới lỏng tiêu chuẩn đặc cách

Những tiêu chuẩn trong Công văn 5378 trước đây đã tuyển được một số giáo viên, nhưng vẫn còn nhiều giáo viên phải hợp đồng do không đảm bảo các tiêu chuẩn. Nên người viết tiếp tục kiến nghị nới lỏng các tiêu chuẩn về xét tuyển đặc cách như sau:

Cho phép tuyển dụng những giáo viên có trên 3 năm (liên tục hoặc cộng dồn) hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập.

Hoặc cho phép tuyển dụng những giáo viên có đủ 3 năm đóng bảo hiểm xã hội (liên tục hoặc cộng dồn).

Những giáo viên thỏa mãn 1 trong 2 tiêu chuẩn trên nếu được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được xét tuyển đặc cách.

Thứ hai, kiến nghị không áp dụng tinh giản biên chế ngành giáo dục

Chính vì nghịch lý thiếu giáo viên nhưng lại vướng chỉ tiêu tinh giản biên chế 10% nên các địa phương khó ban hành quy định về tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách, khiến tình trạng thiếu giáo viên cứ mãi tiếp diễn không lối thoát.

Ngành giáo dục là ngành đặc thù mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền không tinh giản biên chế ngành giáo dục.

Thứ ba, tuyển dụng đặc cách cả những giáo viên đạt chuẩn Luật Giáo dục 2015

Hiện nay, có nhiều giáo viên đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2015 nhưng đến thời điểm có thể trở thành giáo viên dưới chuẩn.

Theo tôi, do họ vẫn nằm trong lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020 nên phải ưu tiên xem xét xét tuyển đặc cách cho những giáo viên trên.

Thứ tư, giao cho các trường xét tuyển đặc cách

Trên cơ sở chỉ tiêu của đơn vị, các địa phương nên mạnh dạn giao cho các trường linh động trong việc xét các chỉ tiêu tuyển dụng, chỉ tiêu xét tuyển đặc cách để đảm bảo mỗi người đều có cơ hội được xét tuyển.

Đây cũng là giải pháp để linh động trong xét tuyển đặc cách, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm, đảm bảo giáo viên giỏi, công tác tốt được xét tuyển đặc cách, có cơ hội được xét tuyển ở trường khác nếu không đạt ở trường ban đầu, tránh hao phí nhân lực.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, người viết cho rằng việc xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục sẽ diễn ra hợp lý hơn, xét tuyển được những giáo viên giỏi phải hợp đồng trong thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/thay-giao-hop-dong-gan-20-nam-lam-tho-ho-de-kiem-song-4538141.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5378-BNV-CCVC-2019-tuyen-dung-dac-cach-doi-voi-giao-vien-da-co-hop-dong-lao-dong-427904.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam