Hiệp hội góp ý dự thảo Nghị định thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi

03/04/2019 06:52
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
(GDVN) - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo một số ý kiến góp ý dự thảo Nghị định thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 29/3/2019, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo Công văn số 41/HH-NC&PTCT để đưa ra một số ý kiến sau đây.

Ngày 29/3/2019, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo Công văn số 41/HH-NC&PTCT về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Ngày 29/3/2019, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo Công văn số 41/HH-NC&PTCT về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

1. Một số ý kiến về dự thảo nghị định

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật Giáo dục đại học sửa đổi) gồm 19 điều, quán xuyến toàn bộ các đầu việc (25 đầu việc) mà Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã giao việc cho Chính phủ hướng dẫn.

Về cơ bản, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) đồng ý với chuẩn bị của Ban soạn thảo. Dưới đây, Hiệp hội đóng góp ý kiến vào những điều mà Hiệp hội chưa an tâm.

Điều 2. Đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên chúng tôi đề nghị:

(i) Tên của Điều 2 là: Nguyên tắc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học cho đúng theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

(ii). Gộp khoản 1 với khoản 2 của Điều 2. Khi làm việc này chú ý:

(*) các điểm a, b ,c của Khoản 1 viết lại thành 2 điểm: a/ cụm từ xác định loại cơ sở giáo dục đại học, thường là: đại học, trường đại học, học viện; b/ cụm từ bổ trợ, có thể là: cụm từ xác định lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức .v.v...

(*) tên giao dịch quốc tế nên quy định rõ bằng tiếng Anh.

(iii). Nên có một khoản cấm các cơ sở giáo dục đại học sử dụng không đúng tên của mình trong quảng cáo, giao dịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài…

Điều 3. Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên chúng tôi đề nghị: nếu có nhà đầu tư không nhất trí chuyển nhà trường sang hoạt động không vì lợi nhuận thì phải để họ thực hiện quyền rút vốn theo giá thị trường.

Với tinh thần trên, đề nghị bổ sung vào sau điểm b, Khoản 1 đoạn dưới đây:

“Trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, những nhà đầu tư không nhất trí chuyển nhà trường sang hoạt động không vì lợi nhuận được thực hiện quyền rút vốn theo giá thị trường”.

Điều 4. Chuyển trường đại học thành đại học

Hiệp hội góp ý dự thảo Nghị định thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi ảnh 2Giao Bộ Giáo dục phối hợp, tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật Giáo dục

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Chúng tôi có ý kiến thêm như sau:

Tư tưởng xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo nhiều lĩnh vực trong đó ít nhất phải có các lĩnh vực về khoa học xã hội và nhân văn được gọi là đại học, tương tư như mô hình University phổ biến trên thế giới mà Việt Nam theo đuổi mấy chục năm nay.

Sự hiện diện của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG), Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng (ĐHV) là những ví dụ.

Việc chuyển trường đại học thành đại học là xu thế chung của những trường đại học chuyên ngành (cấu trúc kiểu Liên Xô cũ).

Việc Nhà nước cho chuyển trường đại học thành đại học sẽ được các trường hưởng ứng.

Có điều theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi thì trường thuộc cơ sở giáo dục đại học không có tư cách pháp nhân, trong khi đó hoạt động thực tiễn đòi hỏi trường thuộc đại học năng động. Vì vậy, chúng tôi đề nghị:

Trong nghị định của Chính phủ nên thêm nội dung quy định quyền hạn của trường thuộc đại học trên nguyên tắc giữ sự thống nhất về tổ chức, về tài chính, về học thuật trong đai học, tránh ly khai khỏi đại học; cho phép trường thuộc đại học được chủ động cao về một số mặt.

Điều 5. Liên kết các trường đại học thành đại học

Ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam:

Theo chúng tôi, đây là một cách sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học. Trước đây Nhà nước đã dùng biện pháp hành chính, sáp nhập một số trường thành đại học để có ĐHQG, ĐHV.

Dự thảo nghị định đem đến sự khác biệt trong điều hành của Nhà nước là ở chỗ thay biện pháp hành chính trước đây bằng cách nêu nguyên tắc (tiêu chí) để các cơ sở giáo dục đại học tự lựa chọn.

Cách làm thì khác nhau, nhưng mục tiêu đều hướng tới mô hình đại học đa lĩnh vực. Mô hình đại học này dễ khắc phục tình trạng trùng lặp, manh mún, sử dụng kém hiệu quả Ngân sách Nhà nước, dễ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trong thực tế, tổ chức đào tạo theo kiểu đa lĩnh vực là ý chí của chủ sở hữu (Nhà nước và nhà đầu tư), việc kiểm định chất lượng thường làm sau khi có trường đại học hoặc đại học.

Cho nên không đặt vấn đề “trường đại học đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học” là điều kiện tiên quyết cho việc ra đời đại học.

Mặt khác, bài học từ các ĐHQG, ĐHV cho thấy việc liên kết các trường đại học thành đại học phải bảo đảm nguyên tắc các đại học (University) được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, gắn với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường (College) và khoa (Deparment).

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị:

Thứ nhất, sửa Điểm a, Khoản 1, Điều 7 theo hướng bỏ điều kiện phải có đơn vị đã đạt kiểm định.

Thứ hai, nên bổ sung (điều hoặc khoản) nội dung nói về chức năng, mô hình, nguyên tắc về tổ chức, quản trị, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, liên thông và chuỗi dịch vụ, chuyển giao công nghệ.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Điều 6. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội đồng trường và thành viên hội đồng trường công lập

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên hiện nay nhiều trường đại học công lập vẫn không có Hội đồng trường cho dù việc này được luật hóa hơn 6 năm.

Lý do chính dẫn đến trì trệ là do Hội đồng trường chia sẻ quyền lực của cơ quan trực quản và Hiệu trưởng.

Chúng tôi đề nghị hãy để cơ quan trực tiếp quản lý - đại diện quyền sở hữu Nhà nước “tận tay” chuyển giao sứ mệnh quản lý tài sản nhà nước về Hội đồng trường. Theo đó, Điểm a, Khoản 1, Điều 6 (dự thảo) được sửa như sau:

Đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa có Hội đồng trường. Hiệu trưởng có trách nhiệm xây dựng phương án thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên trình cơ quan quản lý trực tiếp.

Phương án phải bảo đảm cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng trường và những vấn đề liên quan theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp xem xét thông qua phương án thành lập Hội đồng trường, tổ chức bầu các thành viên Hội đồng trường, chủ tịch Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên và ra quyết định công nhận.

Điều 7. Thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường; công nhận, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội đồng trường của trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên, xin đề nghị sửa, bổ sung thêm một số chỗ bởi vì:

Quy định về Hội đồng trường, về miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên Hội đồng trường ở Điều 7 (dự thảo) tương tự các quy định hiện hành nhiều năm (các khoản 1, 3 của Điều 22 thuộc Điều lệ đại học).

Những quy định này không khả thi trong điều kiện người đứng đầu Hội đồng quản trị (chủ tịch) không chấp hành nghiêm pháp luật và có mưu lợi riêng (lợi ích nhóm).

Đã xuất hiện tình trạng thâu tóm vốn, bè phái để đoạt chức chủ tịch Hội đồng quản trị gây mất đoàn kết kéo dài.

Có nơi chủ tịch Hội đồng quản trị làm rất nhiều việc bất chấp luật pháp khiến 80% số thành viên Hội đồng quản trị và tập thể người góp vốn sở hữu hơn 70% vốn góp bất bình, đề nghị thay Chủ tịch Hội đồng quản trị thế nhưng bó tay.

Hiệp hội góp ý dự thảo Nghị định thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi ảnh 4Cần luật hóa quan hệ của hội đồng trường và Đảng ủy để tự chủ đại học thành công

Bởi vì việc triệu tập, điều hành họp đại hội đồng cổ đông, hoặc họp Hội đồng quản trị đều do chủ tịch Hội đồng quản trị, pháp luật không giới hạn trường hợp chủ tịch Hội đồng quản trị thuộc đối tượng miễn nhiệm, bãi nhiệm (xem Điểm d, Khoản 3, Điều 20 và  Điểm b, Khoản 3, Điều 21 của Điều lệ đại học). Nhà đầu tư không biết bấu víu vào đâu.

Trong khi đó, Điểm d, Khoản 1, Điều 7 (dự thảo) viết:d) Trong trường hợp chưa thể bầu được chủ tịch hội đồng trường hoặc chủ tịch hội đồng trường không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc các trường hợp đang đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này, trường đại học cử quyền chủ tịch hội đồng trường trong số các thành viên của hội đồng trường;. Định chế kiểu này không tháo gỡ được vướng mắc hiện nay.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị sửa điểm d, Khoản 1, Điều 7 (dự thảo) như sau:

d) Trong trường hợp chưa thể bầu được chủ tịch hội đồng trường hoặc chủ tịch hội đồng trường không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc các trường hợp đang đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này thì:

- Trường hợp có 50% tổng số thành viên Hội đồng trường đề nghị bằng văn bản miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch thì một trong những thành viên ký đơn đó đứng ra tổ chức họp Hội đồng trường bất thường, cử quyền chủ tịch Hội đồng trường.

- Những trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm khác được quy định tại khoản 2 Điều này thì phó chủ tịch (nếu có) hoặc bất cứ thành viên nào (trừ chủ tịch Hội đồng trường) đứng ra triệu tập họp Hội đồng trường bất thường để cử quyền chủ tịch Hội đồng trường; trường hợp có một số thành viên Hội đồng trường đăng ký đứng ra tổ chức họp cử quyền chủ tịch Hội đồng trường thì thành viên đăng ký sớm nhất đứng ra tổ chức công việc (thời điểm tính theo biên lai chuyển phát của bưu điện).

Thành viên Hội đồng trường đứng ra tổ chức cử quyền chủ tịch Hội đồng trường có quyền triệu tập hội nghị nhà đầu tư bất thường hoặc báo cáo chủ sở hữu trường để các tổ chức này công nhận quyền chủ tịch Hội đồng trường.

Quyền chủ tịch hội đồng trường có giá trị không quá 6 tháng, kể từ ngày được hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường công nhận.

Điều 12. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cơ bản thống nhất với dự thảo. Tuy nhiên chúng tôi xin đề nghị:

Một là, viết rõ phần cuối của các điểm a,b,c trong khoản 1. Không viết chung chung “theo quy định của pháp luật” mà chỉ ra văn bản pháp luật sát với nội dung quy định.

Ví dụ “xây dựng, thẩm định, ban hành thực hiện, kiểm định chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các quy định của của pháp luật về chuẩn chương trình đào tạo.

Hai là, Điểm a, Khoản 1 viết rõ: Cơ sở giáo dục đại học được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ phù hợp với quy định của Luật giáo dục đại học, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Luật khoa học và công nghệ.

2. Về trường đại học dân lập

Luật Giáo dục đại học sửa đổi không đề cập tới trường đại học dân lập cho dù thực tiễn vẫn tồn tại đại học dân lập.

Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo sớm xin ý kiến Chính phủ về việc đưa nội dung hướng dẫn chuyển đổi mô hình đại học dân lập vào nghị định đang chuẩn bị.

Bộ Giáo dục và Đào tạo với vị trí quản lý nhà nước, đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản của Chính phủ nên nhìn nhận lại thấu đáo về đại học dân lập để đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin được lưu ý là việc cho chuyển đổi các đại học dân lập sang loại hình khác chỉ ổn thỏa khi quyền tài sản (trong đó có chất xám) và pháp luật được tôn trọng.

Nhân đây xin được nhắc rằng Điều 39, Quy chế tạm thời đại học dân lập ban hành bởi Quyết định số 196 TCCB ngày 21/1/1994 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “đại học dân lập có thể chuyển đổi sang các loại hình khác… Việc thay đổi này phải được nhất trí giữa các bên tham gia xây dựng đại học dân lập…

Trên cơ sở đơn của Hội đồng quản trị đại học dân lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận việc chuyển đổi”.  

Trên đây là những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Chi tiết công văn góp ý của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại đây.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam