Theo tôi, thi HSG lớp 9 phải là đề tích hợp để đúng với Chương trình GDPT 2018

31/08/2024 06:42
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm học 2024-2025, lớp 9 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình 20218, học sinh lớp 9 có thể sẽ thi học sinh giỏi môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.

Năm học 2024-2025, chương trình 20218 sẽ triển khai cuốn chiếu với 3 lớp cuối cấp là lớp 5, 9 và 12. Một trong những vấn đề được quan tâm vừa qua là với việc thi học sinh giỏi môn tích hợp ở lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 trường chuyên sẽ thi môn tích hợp ra sao.

Chương trình 2018 có hai môn tích hợp mới là: môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ các đơn môn Hóa học, Sinh học, Vật lý), môn lịch sử và Địa lý tích hợp của môn Lịch sử, Địa lý.

Từ thực tế dạy và học, nhiều năm làm công tác ra đề, chấm thi học sinh giỏi bậc trung học cơ sở, người viết đề xuất một số ý kiến về việc làm ma trận, ra đề thi, công tác chấm bài môn tích hợp cho phù hợp.

Thứ nhất, học môn nào nên thi môn đó. Có một số ý kiến cho rằng, ở lớp 9 học môn tích hợp, lên lớp 10 học sinh học các môn học lựa chọn theo các đơn môn Hóa học, Sinh học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý, nên thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh là phù hợp, vậy tại sao không nên thi theo đơn môn?

Thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh ngoài mục đích tìm ra học sinh giỏi, tìm ra học sinh điểm cao, còn có một mục đích quan trọng hơn, đó là giúp Bộ, địa phương đánh giá học sinh có năng lực tổng hợp thế nào, phù hợp với mục tiêu khi thiết kế môn học tích hợp không, từ đó có các chỉ đạo chuyên môn phù hợp với thực tế.

Vì vậy, không thể “xé lẻ” các đơn môn trong môn học tích hợp, dù chưa có giáo viên được đào tạo môn tích hợp hay số giáo viên đào tạo đơn môn có khả năng dạy tốt môn tích hợp rất ít.

Thứ hai, ma trận đề thi phải bám sát thực tế thiết kế chương trình môn tích hợp và hướng dẫn thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản Số: 5636/BGDĐT-GDTrH.

Ảnh chụp màn hình 2024-08-17 082646.png
Ảnh minh họa số tiết học mang tính chất liên môn của môn Khoa học tự nhiên.

Theo đó, môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở có tổng số tiết học là 560 tiết. Trong đó có 29 tiết học mang tính chất liên môn (lớp 6 có 17 tiết, lớp 7 có 6 tiết, lớp 8, 9 mỗi lớp có 3 tiết); 64 tiết ôn tập và kiểm tra đánh giá ( mỗi lớp có 14 tiết), 467 tiết dạy kiến thức bộ môn.

Số tiết học mang tính chất liên môn của môn Khoa học tự nhiên chiếm 5,16%, tiết dạy kiến thức đơn môn chiếm 83,39%.

Vì vậy, ma trận đề thi học sinh giỏi lớp 9, thi tuyển sinh lớp 10 phải thực hiện theo tỷ lệ phân phối của chương trình bộ môn: Kiến thức chung 10%, kiến thức mỗi đơn môn (Hóa học, Sinh học, Vật lý) 30% là phù hợp.

Với môn Lịch sử và Địa lý, chương trình 2018 vẫn thiết kế tách bạch rõ ràng hai đơn môn Lịch sử, Địa lý.

Để định hướng cho giáo viên nâng cao tính liên môn giữa Lịch Sử và Địa lý, theo người viết ma trận đề thi học sinh giỏi lớp 9, thi tuyển sinh lớp 10 dành 10% cho kiến thức chung, 45% kiến thức cho mỗi đơn môn là phù hợp với thực tế giảng dạy tại cơ sở.

Đề thi môn tích hợp phải ghi cụ thể phần kiến thức chung, kiến thức đơn môn, số điểm mỗi câu/trong phần đó.

Ví dụ đề thi môn Khoa học tự nhiên phải có 4 phần: Kiến thức chung (1điểm); Hóa học (3 điểm); Sinh học (3 điểm); Vật lý (3 điểm), và số điểm mỗi câu tương ứng trong mỗi phần, để học sinh có thể tự chấm điểm sau khi làm bài làm căn cứ phúc khảo sau này nếu không đồng ý với kết quả ban tổ chức thông báo.

Bên cạnh đó, việc cụ thể hóa kiến thức chung, kiến thức đơn môn trong đề thi, trong bài làm thí sinh cũng giúp giám khảo dễ thực hiện nhiệm vụ chấm thi.

Thực tế, khi chấm thi học sinh giỏi, người viết đã gặp những bài làm của học sinh có cách giải quyết vấn đề ngoài đáp án, đặc biệt là những học sinh có năng khiếu nhưng chưa qua lớp “luyện gà chọi”, có những sáng tạo trong bài giải của học sinh chỉ có giáo viên chuyên sâu bộ môn mới nhận ra và biết sai hay đúng ở đâu.

Cho nên chấm thi học sinh giỏi phải là giám khảo có năng lực giỏi, thực tế rất khó có giám khảo nào giỏi mức độ chuyên sâu được cả ba đơn môn trong môn Khoa học tự nhiên.

Vì vậy, theo người viết, chấm thi môn tích hợp phải do 3 giám khảo đơn môn chấm với môn Khoa học tự nhiên, hai giám khảo chấm môn Lịch sử và Địa lý.

Bảng điểm chấm, thông báo kết quả chấm thi môn tích hợp cũng nên minh bạch kết quả phần kiến thức chung, phần kiến thức mỗi đơn môn để ngành giáo dục địa phương dễ theo dõi, phân tích đánh giá, tổng hợp kết quả thi, qua đó rút ra các biện pháp chỉ đạo chuyên môn phù hợp.

Với thi tuyển lớp 10 trường chuyên, kết quả phần kiến thức chung, phần kiến thức mỗi đơn môn sẽ giúp nhà trường chọn được thí sinh trúng tuyển đơn môn chuyên phù hợp.

Thông báo kết quả chấm thi môn tích hợp minh bạch kết quả phần kiến thức chung, phần kiến thức mỗi đơn môn cũng giúp thí sinh biết và có giải pháp điều chỉnh học tập phù hợp nhằm nâng cao chất lượng học tập, chọn môn chuyên để đăng ký nếu có ý định thi vào lớp 10 trường chuyên hay chọn đúng môn học lựa chọn ở lớp 10.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5636-BGDDT-GDTrH-2023-xay-dung-ke-hoach-day-hoc-cac-mon-hoc-Khoa-hoc-tu-nhien-584066.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh