Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của dự thảo Luật Giáo dục Đại học, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm với nội dung quy định về hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, có thể nói hội đồng trường là một định chế tiên quyết để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học.
Hiện nay nó là sự đòi hỏi bức thiết mang tính tất yếu đối với yêu cầu phát triển giáo dục đại học nước nhà.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Quochoi.vn |
“Qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy, quy định về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường là rất cụ thể.
Có thể nói sau khi luật có hiệu lực, các nội dung về hội đồng trường đều có thể triển khai ngay vào cuộc sống không cần phải chờ các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, còn một nội dung theo tôi chưa rõ mà trước đây khi triển khai chủ trương thành lập hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học đã gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Đó là quan hệ giữa hội đồng trường và các thiết chế quyền lực khác trong trường”, đại biểu Đạt phân tích.
Cụ thể là quan hệ giữa hội đồng trường và Đảng ủy của trường. Theo đại biểu nên thể hiện quy định về mối quan hệ này trong luật, ít nhất là về nguyên tắc.
Về chủ tịch hội đồng trường, đại biểu băn khoăn điểm b khoản 4 Điều 16 quy định "trường hợp thành viên bên ngoài trường trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường".
Theo đại biểu, điều này không cần thiết và rất khó khả thi, nhất là đối với các thành viên ngoài trường đã có vị trí trong xã hội.
Cùng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn Thành phố Cần Thơ cho rằng, các nội dung quan trọng về tự chủ đại học như về học thuật chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản được quy định cụ thể thông qua nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường cùng với các điều kiện kèm theo để thực hiện quyền tự chủ.
“Dự thảo luật lần này ra đời chắc chắn sẽ cởi trói rất nhiều cho các cơ sở giáo dục trong quá trình tự chủ để phát triển theo xu hướng hội nhập của thế giới.
Bên cạnh dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật cũng được kèm theo.
Vì thế khi dự thảo luật thông qua sẽ nhanh đi vào thực tế.
Tôi cho rằng, dự thảo luật lần này đủ các điều kiện để thông qua mà không cần phải chờ đến Luật Giáo dục”, đại biểu nhận định.
Cho ý kiến cụ thể về tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường đối với các trường công lập, đại biểu cho rằng tiêu chuẩn và trình độ của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục công lập cần tương đồng với nhau, có như thế mới có thể thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong dự án luật cũng quy định, các cơ sở giáo dục công lập, nếu người ngoài trường được bầu làm chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học nên việc quy định tiêu chuẩn về trình độ học vấn của chủ tịch hội đồng trường tương đương như hiệu trưởng là rất cần thiết.
Thứ ba, cũng tại điểm đ khoản 6 Điều 16 quy định trong quy chế tổ chức hoạt động của hội đồng trường công lập là sẽ quy định thời gian tối đa giữa vị trí hiệu trưởng, hiệu phó và các chức danh khác.
"Tôi hiểu, quy định này sẽ tạo thông thoáng cho các trường tự quyết thời gian quản lý của các chức danh trên, người làm tốt có thể kéo dài để đóng góp cho sự phát triển của cơ sở giáo dục.
Nhưng tôi nghĩ cũng cần có giới hạn tối đa trong thời gian giữ chức vụ trong dự thảo luật nhằm tránh các trường hợp quy định thời gian giữ chức vụ quá dài, bất hợp lý, hạn chế người có năng lực tham gia quản lý", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho biết, một số cơ sở giáo dục ở một số quốc gia có thời gian giữ vị trí tối đa 2 nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ thứ hai còn phải ngắn hơn nhiệm kỳ thứ nhất.
"Tôi đề xuất nên quy định trong dự thảo luật thời gian giữ tối đa vị trí hiệu trưởng, hiệu phó trong cơ sở giáo dục đại học công lập không quá 2 nhiệm kỳ với tổng thời gian không quá 10 năm.
Quy định này cũng tạo sự đồng nhất giữa các cơ sở giáo dục với nhau", đại biểu đề xuất.