Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo đó, năm nay là lần đầu tiên 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào dạy ở cấp trung học phổ thông, điều đáng nói là chỉ còn 4 tháng nữa bắt đầu năm học mới, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn về đội ngũ giáo viên ở các môn học này.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, việc đưa 2 môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào dạy học sinh phổ thông ở tất cả các cấp là một điểm hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế đào tạo chung của nền giáo dục thế giới cũng như tăng cường việc hoàn thiện “đức, trí, thể, mỹ” cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên để thực hiện được, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ về lượng, tốt về chất - điều này không hề đơn giản bởi nhiều nguyên nhân.
Trước tiên, môn Nghệ thuật ( Âm nhạc, Mỹ thuật) lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10, khiến nhiều trường trung học phổ thông lo nhất về khả năng không có giáo viên thực hiện. Do những năm trước không dạy môn này nên các trường đều chưa có biên chế giáo viên.
Việc mời giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đến dạy cũng hết sức khó khăn, do tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật vẫn tồn tại ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Thêm vào đó nguồn đào tạo giáo viên nghệ thuật tại các trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu vì các bạn trẻ hiện nay chọn ngành, chọn trường đại học vẫn còn theo trào lưu xã hội, không nhiều em quan tâm tới sư phạm nghệ thuật.
“Không chỉ có vậy, có sinh viên được đào tạo về sư phạm nghệ thuật nhưng nhiều em không đi làm đúng nghề mà lại chuyển hướng sang những công việc khác có thu nhập cao hơn, thay vì trở thành giáo viên nghệ thuật....”, Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng thông tin.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương đề xuất, đối với các trường sư phạm có đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trình độ đại học, đặc biệt là Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương - trường đầu ngành về lĩnh vực đào tạo giáo viên Nghệ thuật cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Đồng thời tạo điều kiện để mở các khóa học bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học ở trung học phổ thông (bằng các module, tín chỉ) cho đối tượng nghệ nhân, nghệ sỹ, giảng viên Âm nhạc, Mỹ thuật của các trường Văn hóa Nghệ thuật, các sinh viên nghệ thuật đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm để giúp cho họ có kiến thức sư phạm, phương pháp và cách tiếp cận mới để có thể tham gia dạy học tốt ở bậc trung học phổ thông.
Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng cho biết thêm, tại một hội nghị về nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học 3 năm trước, tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã đưa ra bức tranh khá cụ thể về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật. Cũng tại hội nghị này, giải pháp cho đội ngũ giáo viên 2 môn này trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được đề ra.
“Trên cả nước có khoảng 2.800 trường trung học phổ thông, nhưng không nhất thiết phải bảo đảm ít nhất mỗi trường trung học phổ thông có 01 giáo viên Âm nhạc, 01 giáo viên Mĩ thuật. Vì, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật là các môn học tự chọn, học sinh có thể chọn hoặc không.
Do đó, tùy theo điều kiện của từng trường, tùy vào số lượng học sinh đăng ký (tự chọn) mà có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học các môn này. Như vậy, có thể áp dụng 01 giáo viên Âm nhạc/Mĩ thuật dạy cho một số trường trung học phổ thông bảo đảm thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, nội dung dạy học nghệ thuật ở trung học phổ thông theo định hướng giúp học sinh tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến năng khiếu và sở trường của học sinh, do đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nghệ thuật ở trường trung học phổ thông, các trường có thể mời các nghệ nhân, nghệ sỹ, các chuyên gia về lĩnh vực này đến dạy một số chuyên đề.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế để các trường sư phạm đào tạo giáo viên Âm nhạc/Mĩ thuật (hoặc các trường Văn hóa nghệ thuật của địa phương) liên kết với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để đưa giảng viên/giáo viên Âm nhạc/Mĩ thuật đến dạy tại trường trung học phổ thông”, Phó Giáo sư Phượng cho biết.
Cũng theo vị này, những phương án trên thì cả hai bên đều có thể giúp đỡ nhau để đạt hiệu quả - trường trung học phổ thông có giáo viên dạy tốt chuyên nghiệp mà không cần bổ sung biên chế, trường sư phạm giải quyết được bài toán thừa giáo viên, thiếu giờ dạy.
Đồng thời, cũng là cơ hội để định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông có năng khiếu nghệ thuật, tạo nguồn đào tạo có chất lượng cho các trường nghệ thuật sau khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
Từ thực tế của cơ sở mình, thầy Lê Văn Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội cho biết, hiện nhà trường chưa có giáo viên và cơ sở vật chất là 2 khó khăn lớn nhất với việc triển khai dạy học môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
“Đến nay khâu chọn sách giáo khoa hoàn thành còn việc triển khai dạy được môn Nghệ thuật hay không sẽ tùy thuộc vào việc chuẩn bị phòng học, công cụ học tập, trong đó bài toán thuê giáo viên vẫn chưa có lời giải”, thầy Chung chia sẻ.
Thầy Chu Quang Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Quốc Việt, Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết, giáo viên 2 môn này chưa có nguồn tuyển, phương án thuê cũng khó khăn.
“May mắn hơn gần trường có một trường trung học cơ sở có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật, do đó chúng tôi đang lên kế hoạch kết hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai để hợp đồng giáo viên của trường đó”, thầy Tuấn thông tin.