Theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023, ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn 5/9 môn tự chọn. Theo đúng lý thuyết, sẽ có 108 tổ hợp môn.
Ngoài các môn bắt buộc, điểm mới là 5 môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Một số môn học có các chuyên đề học tập như môn Công nghệ có chuyên đề Công nghiệp và Nông nghiệp. Môn Mỹ thuật có nhiều chuyên đề khác nhau, như thiết kế công nghiệp, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, điêu khắc, hội họa, kiến trúc… Học sinh được lựa chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Dù học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đã đề xuất cho các em tự chọn thì có tới 108 tổ hợp môn và nguy cơ các nhà trường khó có thể đáp ứng được. Việc xây dựng tổ hợp môn sao cho hài hòa giữa nguyện vọng của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường là thách thức đặt ra cho các cơ sở giáo dục ở thời điểm này.
Nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội), theo cô Yến: “Trong năm học tới 2022-2023, tôi tin rằng khi triển khai những môn học mới thuộc lĩnh vực Mỹ thuật, Âm nhạc sẽ có ít nhiều khó khăn.
Nếu khó khăn về cơ sở vật chất thì có thể còn huy động được, nhưng khó khăn về đội ngũ thì rất khó giải quyết ở thời điểm hiện tại do các trường Trung học phổ thông đều chưa có vị trí việc làm này. Nếu có học sinh chọn nhóm đó thì nhiều nhà trường đều không có giáo viên, chắc chắn chúng tôi phải liên kết với những cơ sở giáo dục đang có những giáo viên đạt chuẩn, như vậy chúng tôi sẽ mời giáo viên thỉnh giảng.
Hiện nay, trong đề án vị trí việc làm của các nhà trường đã được duyệt không có vị trí giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc, chắc chắn sau đây các nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và xây dựng một đề án vị trí việc làm mới phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trước mắt, nhà trường sẽ phải sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp với điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất của nhà trường đang có, từ đó định hướng để học sinh chọn từ những cái mà nhà trường có thể đáp ứng được. Còn trong những năm tiếp theo, những đội ngũ thầy cô được đào tạo mới ra trường, lúc đó các nhà trường sẽ tiếp cận dần, chương trình không yêu cầu ngay trong những năm đầu đã có thể đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu tự chọn môn học của học sinh”.
Nhà trường sẽ cố gắng sắp xếp nguyện vọng 1 cho học sinh
Cô Yến chia sẻ: “Như trên đã nói, nhà trường phải chủ động xây dựng ra các tổ hợp để học sinh chọn, trong thời gian đầu có thể đáp ứng được một phần nguyện vọng của học sinh dựa trên những tổ hợp môn nhà trường đang có, từ đó có thể chọn nguyện vọng 1, nguyện vọng 2,… đồng thời nhà trường sẽ cố gắng sắp xếp nguyện vọng 1 cho học sinh. Nhưng trong trường hợp nguyện vọng 1 quá nhiều học sinh chọn, dẫn đến nhà trường không thể đáp ứng được, học sinh bắt buộc phải xuống nguyện vọng 2.
Có thể hiểu trong thời gian đầu, học sinh tự do chọn lựa nhưng trong khuôn khổ những môn nhà trường đang có và đáp ứng được, nhưng muốn làm được điều đó thì các nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục thật chi tiết, cần công khai trước bởi mỗi trường có một thế mạnh khác nhau, từ đó học sinh sẽ tự điều chỉnh để chọn trường ngay từ đầu cho phù hợp, tránh được khi đã vào trường nhưng lại không có tổ hợp môn mình thích.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: NVCC. |
Bản thân mỗi nhà trường cũng rất cố gắng thực hiện theo chương trình của Bộ đưa ra, nhưng chắc chắn chưa có trường nào đáp ứng được ngay, còn ngay từ năm học này thực hiện được ngay thì trường tôi cũng cảm thấy không tự tin. Chúng tôi có thể mời giáo viên Mỹ thuật đến dạy học sinh tại trường nhưng nguồn kinh phí lấy ở đâu cũng là một bài toán.
Việc chia nhiều tổ hợp môn như vậy là hướng đến sự phát triển năng lực sở trường, có sự hướng nghiệp tốt hơn, khi học sinh chọn tổ hợp, các em sẽ căn cứ vào việc hướng nghiệp của mình. Ví dụ: Môn Mỹ thuật, Âm nhạc có nhiều học sinh yêu thích nhưng không phải em nào cũng học được, các em thích nhưng có chọn môn đó hay không thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Theo tôi không phải học sinh nào cũng sẽ chọn môn Mỹ thuật bởi mỗi em một sở thích. Nếu học sinh lựa chọn đi theo con đường nghệ thuật, âm nhạc và định hướng nghề nghiệp lâu dài thì mới chọn môn học đó, còn học sinh tham gia học môn này theo kiểu có thêm kỹ năng, cho thêm phần thi vị trong cuộc sống thì có thể tham gia vào các câu lạc bộ sở thích tại trường, không nhất thiết các em phải chọn môn học”.
Định hướng nghề nghiệp qua các tổ hợp môn
Cô Yến nói: “Bậc Trung học phổ thông hiện nay là định hướng nghề nghiệp, nếu học sinh lựa chọn định hướng nghề nghiệp nào đó có nghĩa sau này học sinh phải phát triển môn đó cao hơn nữa, như vậy các em mới chọn học. Một điều nữa là học sinh thích môn đó, nhưng có năng khiếu hay không thì nhà trường và gia đình cần phải tư vấn một cách kĩ lưỡng để học sinh hiểu rõ vấn đề khi lựa chọn.
Chúng tôi cũng đã tham quan nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài, cơ sở vật chất của họ được xây dựng theo chương trình đã được định hướng từ rất lâu, ví dụ: Nhà trường đó có 100 giáo viên thì sẽ có tương đương 100 phòng học phù hợp với các bộ môn, đầy đủ trang thiết bị cho môn học đó, học sinh chọn môn học nào thì sẽ đến học tại phòng học tương ứng. Nhưng thực tế hiện nay, học sinh của nước ta học theo đơn vị lớp học, đến giờ của thầy cô nào thì người đó lên lớp, nước ngoài là phòng của giáo viên, chúng ta là phòng của lớp học.
Hiện tại vì chương trình mới nên khó khăn nhất vẫn là việc xây dựng tổ hợp để làm sao phù hợp với điều kiện của nhà trường và đáp ứng được nhiều nhất nguyện vọng của học sinh, vì vậy chúng tôi triển khai xây dựng tổ hợp sớm nhất có thể, đồng thời công khai việc này giúp cho phụ huynh và học sinh cân nhắc trước khi chọn trường. Với nội dung ba công khai trước đây là về đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng, nhưng theo tôi bây giờ cần thêm công khai thêm kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó các tổ hợp môn học sẽ triển khai”.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) trong ngày khai giảng. Ảnh: NTCC. |
Làm đến đâu chắc đến đấy, không vội vàng
Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Trong năm học tới, nhà trường sẽ ưu tiên phát huy những thế mạnh vốn có, đồng thời, củng cố, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để mở rộng tổ hợp môn, đáp ứng nhu cầu của người học trong những năm kế tiếp.
Quan điểm của nhà trường là làm đến đâu chắc đến đấy, không vội vàng. Trong năm đầu áp dụng, có thể lùi lại tổ hợp có môn Mỹ thuật, Âm nhạc, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, điều kiện cho năm học tiếp theo. Nếu chạy theo tất cả các tổ hợp chắc chắn khó có thể đáp ứng.
Mục tiêu nhà trường hướng đến là xây dựng các tổ hợp phù hợp với nhu cầu của học sinh cũng như khả năng đáp ứng của nhà trường. Do đó, ngoài việc nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mặt chuyên môn, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng cho học sinh lớp 10.
Nhà trường sẽ tổ chức các buổi để tư vấn, định hướng cho cha mẹ học sinh và các em nắm rõ thông tin về khối thi đại học sau này. Đấy là cơ sở để các em có sự lựa chọn đúng đắn nhất, tránh tình trạng sau 1 học kỳ, các em lại đổi nguyện vọng gây lãng phí thời gian và công sức học tập”.