Ngày 19/11/2018, Trưởng Công an thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – Đại tá Nguyễn Tấn Vũ đã ký văn bản 1561, thông báo kết quả xác minh tin tố giác tội phạm xảy ra tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn ở phường 3.
Theo đó, sau khi điều tra, xác minh cụ thể, cơ quan Công an đã xác định, bà Lê Thị Tuyết Oanh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Đà Lạt đã có hành vi lập hợp đồng phun thuốc diệt côn trùng khống, với số tiền để thanh toán là 14 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 15/9/2017, qua sự giới thiệu của giáo viên nhà trường, bà Oanh – Hiệu trưởng đã liên hệ với ông Lộc – nhân viên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, để ông Lộc sẽ thực hiện công việc phun thuốc diệt côn trùng cho nhà trường, trong năm học mới 2017 – 2018, giá dịch vụ là 14 triệu đồng.
Trích văn bản 1561 do Trưởng Công an thành phố Đà Lạ - Đại tá Nguyễn Tấn Vũ ký ngày 19/11 (ảnh: P.L) |
Ông Lộc đã đồng ý thực hiện việc này cho Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Ngày 15/9/2017, ông Lộc đã mang tới nhà trường 1 máy phun thuốc, 5 lít hóa chất để phun diệt côn trùng, hướng dẫn cách pha chế thuốc, cách phun, sử dụng máy cho 2 bảo vệ của nhà trường.
Vì ông Lộc bận việc, nên không trực tiếp đi phun thuốc, mà đề nghị bà Oanh cho nhân viên của trường làm việc này, ông Lộc sẽ trừ lại tiền công. Bà Lê Thị Tuyết Oanh đã đề nghị 2 bảo vệ, 3 giáo viên của trường làm việc này.
Bao giờ có kết quả điều tra vụ việc liên quan Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn? |
Thực hiện việc phun thuốc xong, ông Lộc có đưa cho bà Oanh một bộ hồ sơ dùng để thanh toán, hợp đồng dịch vụ phun hóa chất diệt côn trùng, với tổng số tiền cần thanh toán là 14 triệu đồng.
Bà Oanh đã chỉ đạo Kế toán của trường chi số tiền nói trên. Nhận được tiền, ông Lộc có đưa lại cho bà Oanh số tiền 6,8 triệu đồng, kèm theo tờ giấy viết tay ghi là phải trừ lại tiền thuế 30%, tiền hóa chất. Đây là số tiền công phun thuốc trả lại cho nhân viên của trường.
Làm việc với cơ quan Công an, đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ cho Trường tiểu học Lê Quý Đôn, và cả ông Lộc thừa nhận, hợp đồng phun thuốc diệt côn trùng với nhà trường là hợp đồng khống, do công ty (nơi cung cấp dịch vụ) ký giúp cho ông Lộc, chứ không có giao dịch gì với nhà trường.
Số tiền 14 triệu đồng sau khi chuyển vào tài khoản của công ty, thì đã được rút ra ngay 10,5 triệu đồng đưa cho ông Lộc, còn lại 3,5 triệu đồng để nộp thuế. Ông Lộc đã đưa cho bà Oanh – Hiệu trưởng là 6,8 triệu đồng, còn giữ lại để sử dụng 3,7 triệu đồng.
Số tiền này đã được ông Lộc đem đi mua hóa chất, chỉ còn lại 1,2 triệu đồng để dành tiêu xài cá nhân.
Làm việc với các cá nhân có liên quan đến việc này, các giáo viên, nhân viên bảo vệ của trường đều thừa nhận các nội dung như đã nêu ở trên. Thực hiện xong việc phun thuốc, họ không được nhận bất kỳ khoản tiền bồi dưỡng nào.
Số tiền 6,8 triệu đồng, bà Lê Thị Tuyết Oanh đã giao cho thủ quỹ của trường nhập 5,3 triệu đồng vào quỹ đi tham quan của giáo viên, còn 1,5 triệu đồng để mời những người của trường đã phun thuốc đi ăn.
Tại cơ quan Công an, bà Lê Thị Tuyết Oanh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Đà Lạt thừa nhận toàn bộ sự việc nêu trên là đúng, đã ý thức được hành vi làm khống chứng từ là vi phạm pháp luật.
Do chủ quan, nhận thức không đầy đủ về tính chất, mức độ của hành vi sai trái nên đã thực hiện, bản thân không có ý thức chiếm đoạt số tiền chênh lệch.