Hòa bình ở châu Á cần một Nhật Bản chủ động hơn

20/09/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Singapore hiểu rằng nguy cơ Trung Quốc thống trị châu Á là hiện hữu khi vắng mặt các cường quốc đối trọng, bao gồm Nhật Bản, Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Thomson/Reuters.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Thomson/Reuters.

Daniel Twining, thành viên Quỹ Marshall Đức ngày 18/9 bình luận trên Nikkei Asia Review, sau năm 1945 một trong những câu hỏi hóc búa với chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á là điểm yếu của Nhật Bản trong khi Liên Xô mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng.

Ngày hôm nay, bài toán hóc búa này lại tồn tại dưới hình thức khác khi Tập Cận Bình đang gia tăng sự bùng nổ của Trung Quốc, tạo ra các mối nguy hiểm khi Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh quân sự của mình để bành trướng lãnh thổ trên các vùng biển ở châu Á. 

Điều này gây ra nguy cơ xói mòn nền an ninh của Nhật Bản trong một trật tự khu vực đã khá bình yên và thịnh vượng. Mỹ cần đồng minh có khả năng làm việc chặt chẽ cùng các lực lượng quân sự Hoa Kỳ để duy trì hòa bình khu vực và ngăn ngừa xung đột. Nhật Bản cần đảm bảo khả năng của chính mình để chống lại các mối nguy hiểm mới.

Đó là lý do tại sao Mỹ có lợi ích hấp dẫn khi Thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc thúc đẩy dự luật an ninh mới, sửa đổi hiến pháp cho phép Nhật bảo vệ bản thân tôt hơn và hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo hòa bình ở châu Á.

Trung Quốc hiện là siêu sao kinh tế châu Á, nhưng quy mô tuyệt đối của nó về quân sự và mức độ sẵn sàng sử dụng vũ lực trong bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh có nghĩa rằng, chính sách của Nhật Bản nằm dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ đã không còn đủ mạnh để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản và Mỹ.

Chính xác là Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi chế độ quân sự sau chiến tranh đã làm suy yếu an ninh Nhật Bản lâu nay trước các mối đe dọa mới. Điều này không có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành cường quốc quân sự với tên lửa đạn đạo tua tủa, vũ khí hạt nhân ăm ắp như Trung Quốc tuyên truyền.

Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Singapore hiểu rằng nguy cơ Trung Quốc thống trị châu Á là hiện hữu khi vắng mặt các cường quốc đối trọng, bao gồm Nhật Bản, Mỹ. Vai trò lãnh đạo và sự hiện diện quân sự trong khu vực được thực hiện chủ yếu là do liên minh Mỹ - Nhật.

Do đó, cải cách quốc phòng của Nhật Bản hậu sửa đổi hiến pháp sẽ tăng cường năng lực cho Lực lượng Phòng vệ, trong khi cho phép họ tương tác tốt hơn với lực lượng quân sự Mỹ, mang lại thịnh vượng cho châu Á thông qua bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng không hàng hải trên tuyến đường huyết mạch ở châu Á.

Cải cách này cũng sẽ tạo thuận lợi cho sự hợp tác của Nhật bản với các nước bạn bè trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á muốn bảo vệ nguyên trạng bình yên của khu vực.

Tương lai chiến lược của châu Á phụ thuộc vào sự cân bằng giữa các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng, Nhật Bản cũng có khả năng tốt hơn để bảo vệ chính mình và đối tác để tránh nguy cơ cán cân lực lượng nghiêng về phía Trung Quốc. Cải cách chính sách an ninh của Nhật Bản sẽ đặt liên minh Mỹ - Nhật trên nền tảng vững chắc hơn, ổn định hơn.

Tương tự như vậy, động thái này cho phép Nhật Bản tăng cường hợp tác với các đối tác ở Đông Nam Á. Cải cách an ninh của Nhật Bản chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện lớn hơn, sự cần thiết của đất nước này trong việc thích ứng với các tổ chức và chính sách hậu chiến cho một kỷ nguyên mới cạnh tranh gay gắt hơn.

Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã có đóng góp quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Để duy trì vai trò này, nó cần một chiến lược tích cực hơn trong việc hình thành môi trường an ninh khu vực. Đó chính là những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe nói là đóng góp tích cực cho hòa bình.

Hồng Thủy