Hoa đồng tiền tặng cô và nỗi buồn nhà giáo ngày 20/10

21/10/2020 05:50
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên mất tiền sẽ mong đổi được sự quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ của giáo viên đối với con mình. Bên nhận sẽ phải có trách nhiệm hơn để làm thỏa mãn lòng mong muốn.

Ngày 20/10 năm nay, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã nhận được hoa của học sinh, phụ huynh tặng. Chuyện chẳng có gì nếu đó chỉ là những bó hoa giấy, hoa tươi được bán đầy ngoài hàng hoa ngoài chợ.

Học sinh tặng hoa đồng tiền (Ảnh: Đỗ Quyên)

Học sinh tặng hoa đồng tiền (Ảnh: Đỗ Quyên)

Bó hoa tặng giáo viên năm nay, có phụ huynh lại kỳ công ngồi kết bằng những đồng tiền thật. Cầm bó hoa đồng tiền mà không phải hoa thật nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra.

Có giáo viên cho rằng thay vì bỏ tiền vào phong bì thì phụ huynh đã tốn công và mất thời gian ngồi kết tiền thành từng bông hoa. Giá trị vật chất lúc này không lớn bằng giá trị tinh thần nên món quà trở nên đáng quý.

Có giáo viên còn khẳng định nếu tặng mình 500 ngàn đồng mình sẽ từ chối nhưng tặng bó hoa kết bằng những tờ tiền 1000 đồng (khoảng 100 đến 200 ngàn đồng) mình vẫn cứ nhận vì cái công phụ huynh bỏ ra để kết một cách tỉ mẩn mới là điều đáng quý.

Có người cho biết mỗi bông hoa là tờ giấy 1000 đồng nên nhìn cũng dễ thương và thấy hay hay. Nếu thay vào đó kết bằng những tờ tiền có mệnh giá lớn hơn thì nhận bó hoa đó cũng rất khó nghĩ.

Ngược lại, có giáo viên lại cật lực phản đối, nếu mình được phụ huynh tặng bó hoa đồng tiền sẽ không nhận vì thấy thực dụng quá. Phụ huynh nghĩ gì mà lại tặng như vậy? Lẽ nào nghĩ cô là người ham tiền? Thế nên sẽ không bao giờ mình nhận bó hoa kiểu đó.

Đừng tôn vinh giáo viên bằng tiền

Bó hoa hôm nay được kết bằng những tờ tiền có mệnh giá 1000 đồng giá trị cũng không lớn. Thế nhưng ai dám chắc sẽ không bao giờ có những bó hoa được kết bằng những đồng tiền có mệnh giá lớn hơn để mang đến tặng giáo viên vào các ngày lễ, tết?

Người có kinh tế tặng được, người còn nghèo khổ, thiếu thốn nhưng sợ con mình sẽ bị phân biệt đối xử cũng phải cố đua để có quà tặng giáo viên. Thế là, việc tặng tiền đã trở thành gánh nặng đối với gia đình họ.

Sợ nhất là việc tặng quà, tặng phong bì trở thành phong trào, lúc đó món quà được tặng đi không xuất phát từ tình cảm tri ân công lao dạy dỗ, chăm sóc con cái mình mà trở thành món hàng đổi chác có đi có lại giữa đôi bên.

Bên mất tiền sẽ mong đổi được sự quan tâm, chăm sóc và nâng đỡ của giáo viên đối với con mình. Bên nhận sẽ phải có trách nhiệm hơn để làm thỏa mãn lòng mong muốn của họ.

Và như thế, bất công bằng sẽ xảy ra ngay trong từng lớp học.

Có nhiều cách để tri ân

Nhiều giáo viên nói với chúng tôi không thích nhận quà, phong bì từ phụ huynh vì như thế cảm thấy nặng nề và không thanh thản.

Tri ân đâu nhất thiết phải dùng đến vật chất? Phụ huynh chỉ cần hợp tác tốt với giáo viên trong việc phối hợp giáo dục học sinh đã là sự tri ân thiết thực nhất.

Thông qua những ngày lễ, Tết phụ huynh nói cho con hiểu ý nghĩa của những ngày kỷ niệm ấy để các con gửi những lời chúc hoặc bức tranh vẽ ngây thơ ngộ nghĩnh, bày tỏ với thầy cô tấm lòng biết ơn của mình sẽ khiến nhiều giáo viên thấy vui và cảm động.

Đỗ Quyên