Ngày 6/4, phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chật kín khán giả. Lần thứ ba, chương trình Hòa nhạc Giáo dục của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời được tổ chức tại khán phòng này và cả ba lần, không khí ngập tràn hứng khởi và háo hức ấy vẫn nguyên vẹn, như buổi đầu tiên.
Chút lo lắng thoáng xuất hiện trên khuôn mặt hai nhạc công nhí Nguyễn Mỹ Trang và Đào Dương Khánh trước buổi diễn, cho dù trước đó cả hai tháng, các em đã miệt mài tập luyện cho buổi diễn ngày hôm nay.
Được đứng trên sân khấu với một dàn nhạc thực sự đẳng cấp như SSO, được diễn dưới “cây đũa thần kỳ” của người nhạc trưởng tài năng Olivier Ochanine, với các em, đến tận khi đứng trên sân khấu, vẫn ngỡ như một giấc mơ. Và giấc mơ ấy đã được “nâng cánh”.
“Gió nâng đôi cánh bay” được mở đầu bằng trích đoạn Magic Flute – Cây sáo thần của thiên tài Mozart trong vở nhạc kịch cùng tên – đưa khán giả đến với câu chuyện thần thoại của Vilande (1733 - 1813), trong bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại, để phiêu du trong câu chuyện tình yêu đầy sóng gió giữa hoàng tử Tamino và nàng Pamina xinh đẹp.
Tamino trong một lần bị rắn thần săn đuổi đã được các thị nữ của Nữ hoàng Đêm tối cứu sống. Để trả ơn, chàng cùng với người săn chim Papageno tốt bụng đi cứu nàng Pamina - con gái của Nữ hoàng Đêm tối - đang bị bắt cóc bởi một thế lực của vương quốc do Sarastro trị vì.
Để đến được với tình yêu, cả Tamino và Pamina đều phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt… Cả câu chuyện là cả một sự đan xen của những mặt đối lập và thống nhất, giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí…
Âm nhạc đã truyền tải những đối lập ấy một cách kỳ diệu, qua những giai điệu khi trầm khi bổng, lúc chậm rãi khi lại dồn dập, như những thăng trầm của cuộc sống, như tiếng lòng của những người đang yêu, lúc thì bi ai, khi lại ngập tràn hạnh phúc. Sức hút của bản giao hưởng đã khiến khán phòng chật kín khán giả vỡ òa trong cảm xúc.
Những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt khi thanh âm cuối cùng của bản Magic Flute rơi xuống. Và khán giả sau đó lập tức lại bị cuốn vào những say mê mới, theo từng cung bậc xúc cảm tuyệt diệu từ bản Concerto dành cho kèn Oboe và đàn dây cung C trưởng: Larghetto của tác giả Cimarosa và bản Romance viết cho kèn Trombone của tác giả C. Weber được trình diễn bởi hai nhạc công trẻ tuổi Nguyễn Mỹ Trang và Đào Dương Khánh.
Sau những giây hồi hộp ban đầu, hai nhạc công trẻ đã vững tin thể hiện tài năng của mình, đưa khán giả bay theo những mạch cảm xúc khi thì tươi mát, lúc lại như than vãn xót xa từ tiếng kèn Oboe của Nguyễn Mỹ Trang, và rồi đắm chìm trong những giai điệu trữ tình lãng mạn mà Đào Dương Khánh thổi vào cây kèn Trombone của mình.
Nguyễn Mỹ Trang chia sẻ, em đã dành gần 2 tháng tập luyện cho tiết mục solo kèn Oboe của mình, còn Đào Dương Khánh thì cần mẫn rèn luyện từng ngày chờ dịp đứng chung sân khấu với Dàn nhạc SSO.
Sau những phiêu lưu cùng các tài năng trẻ của nền âm nhạc hàn lâm Việt, nhạc trưởng Olivier Ochanine cùng dàn nhạc Sun Symphony Orchestra một lần nữa lại tưởng thưởng khán giả bằng những giai điệu tuyệt vời từ ba chương Midsummer Night's Dream – Giấc mộng đêm hè của nhà soạn nhạc nổi tiếng Mendelssohn.
Dựa trên vở kịch kinh điển của nhà viết kịch nổi tiếng người Anh - Shakespeare, bản Giấc mộng đêm hèlà một tác phẩm đặc biệt thú vị, đóng vai trò như điểm xuất phát cho sự nghiệp âm nhạc của Mendelssohn.
Khi tiếng nhạc vang lên, khán giả như bị cuốn vào một vương quốc thần tiên với tất cả vẻ đẹp thơ mộng, tao nhã, duyên dáng và nhẹ nhõm.
Không khí huyền ảo và vui nhộn, hài hước của tác phẩm đã được nhạc trưởng và dàn nhạc truyền tải đến khán giả với sức cuốn hút mạnh mẽ.
Với chương cuối - Wedding March, khán giả như vỡ òa cảm xúc bởi nó vốn là bản nhạc không thể thiếu trong các lễ cưới ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Mở màn bằng tiếng kèn trumpet rộn ràng, khán giả thấy mình như được hòa mình trong đám cưới chung của ba cặp tình nhân thành Athens; dàn dây và tiếng sáo flute líu lo ngụ ý vai trò mai mối của các tiên nữ ở đoạn kết câu chuyện trong vở kịch Giấc mộng đêm hè cũng khiến khán giả thích thú.
Đến với chương trình Hòa nhạc Giáo dục không đơn thuần chỉ là nghe nhạc. Khán giả được giao lưu với các nhạc công, được cùng dàn nhạc SSO khám phá công dụng của bộ đồng và bộ gỗ trong dàn nhạc.
Âm nhạc hàn lâm vốn kén người nghe, nhưng nhờ những cuộc trò chuyện gần gũi ấy, nhờ những chia sẻ về nhạc cụ hết sức dễ hiểu từ SSO, khán giả thấy âm nhạc hàn lâm dần dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.
Đó là điều mà SSO hướng tới, cũng là sự cảm nhận của nhiều tầng lớp khán giả sau mỗi chương trình hòa nhạc giáo dục mà SSO đã làm được trong thời gian qua.
Cũng từ những buổi diễn này, các nhạc công nhí – những mầm non tương lai của nhạc giao hưởng Việt Nam ngoài việc có thêm một sân chơi bổ ích, thêm một cơ hội cọ xát thú vị với các nghệ sỹ có tiếng trong nước và trên thế giới, cũng cảm thấy ước mơ nhỏ bé của mình được “nâng cánh”, để vươn cao, vươn xa hơn.
Chia sẻ với chúng tôi sau chương trình hòa nhạc Giáo dục số 3, nhạc trưởng Olivier Ochanine đầy cho biết: “Chuỗi chương trình Hòa nhạc Giáo dục là một cách để SSO tiếp cận và truyền cảm hứng cho khán giả.
Không gian các buổi Hòa nhạc Giáo dục không quá trang trọng, và điều đó cho phép chúng tôi gần hơn với công chúng qua các phần giao lưu và giới thiệu nhạc cụ.
Chúng tôi hy vọng việc khám phá các nhạc cụ và các tác phẩm được biểu diễn bởi dàn nhạc theo cách gần gũi như vậy sẽ giúp khán thính giả hiểu rõ hơn và có những đánh giá đúng hơn về những gì mà SSO đã và đang mang tới”.
Mong ước đơn giản thế thôi, nhưng để thực hiện được, để chắp cánh cho những ước mơ trẻ, nhạc trưởng và dàn nhạc của ông sẽ còn phải thực hiện nhiều chương trình hòa nhạc giáo dục lắm.
Hành trình mang âm nhạc hàn lâm đến với công chúng dù còn dài, nhưng đó là hành trình ngập tràn hứng khởi, hành trình của tâm huyết, đam mê và cả trách nhiệm với nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam.