Những năm trở lại đây, vấn nạn “đi đêm” vào dịp lễ Tết ngày càng tinh vi và gọn nhẹ như bằng phong bì, chai rượu kèm ngoại tệ, thẻ tín dụng... nhằm chạy chọt, nâng đỡ, hay xin cho dự án đã trở thành một hiện tượng không bình thường, một biến tướng của tham nhũng, hối lộ trá hình.
Dịp Tết, cấp dưới đến nhà cấp trên, doanh nghiệp đến nhà quan chức, lãnh đạo hay vào phòng làm việc tại cơ quan là hết sức bình thường. Người dân, muốn tố cáo, cũng khó có bằng chứng. Chưa nói đến việc nếu muốn tặng, biếu quà Tết người ta có rất nhiều hình thức, địa điểm.
Điều khó phát hiện, chính là việc biếu tặng quà thường không xảy ra xung đột lợi ích trực tiếp với người thứ ba, cũng như cả bên đưa và nhận đều “vui” nên hầu như việc phát hiện, tố giác việc biếu quà Tết trái quy định không dễ.
Cục chống tham nhũng đã mở 3 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tham nhũng tặng, nhận quà trái quy định trong dịp Tết. Theo đó, khi công dân phát hiện hành vi về tham nhũng, tặng, nhận quà trái quy định trong dịp Tết thì phản ánh vào các số điện thoại đường dây nóng gồm: 08.048228, 0902.386.99, 0125.698.6688. |
Để ngăn chặn tình trạng biếu, tặng quà Tết trái quy định, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 về việc tổ chức Tết năm 2018.
Theo đó, nội dung Chỉ thị nêu rõ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các địa phương; các địa phương không chúc Tết cấp trên và Trung ương.
Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…
Tại cuộc họp cuối năm 2017 của Chính phủ với các địa phương diễn ra với sự tham gia của 63 lãnh đạo tỉnh, thành phố, một lần nữa vấn đề biếu, tặng quà Tết được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra và yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ thị Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó có việc nghiêm cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên.
Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh cho rằng, đã nghiêm cấm mà vấn phát hiện trường hợp tặng, biếu quà Tết cần phải xử lý nghiêm, cần thiết có thể xử lý hình sự nếu đủ căn cứ. Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng: “Trước đây văn hóa tặng, biếu quà Tết là hết sức bình thường. Trong tục lệ, văn hóa, truyền thống của người Việt vẫn tặng quà Tết như một sự biết ơn, thể hiện tình cảm.
Ở nước ngoài người ta cũng tặng quà vào các dịp lễ Tết như ngày lễ Noel, Tết dương lịch, hay ngày Tạ ơn…, nhưng người ta tằng quà nặng về tình cảm chứ họ không lợi dụng ngày đó để “chạy” và “xin” như ở nước ta.
Tuy nhiên, hiện văn hóa biếu quà Tết ở nước ta đã bị biến tướng, méo mó, lợi dụng ngày Tết để hối lộ bằng tiền, đô la, hiện vật có giá trị lớn nhằm mục đích cá nhân nào đó mang ý nghĩa tiêu cực như chạy chức chạy quyền, xin dự án, xin cái nọ, cái kia”.
Cũng theo Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, không phải chỉ dịp Tết mà nhiều dịp khác như sinh nhật, tang lễ, cưới hỏi, đám giỗ… người ta cũng lợi dụng để “hối lộ trá hình.
Trong xã hội hiện nay, đâu đó không ít cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn nếu cấp dưới, doanh nghiệp không có “đi Tết” tức là biếu, tặng tiền, đô la lớn đến cả trăm ngàn đô thì công việc không thông.
Ngược lại, cấp trên, người có địa vị cũng lợi dụng những dịp này để kiếm chác, kinh doanh. Đáng nói, không còn giới hạn ở một vài lĩnh vực mà xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Đây là một vấn nạn và khó ngăn chặn được.
Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh đánh giá: “Trong tình hình hiện nay công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt thì việc ban hành chỉ thị yêu cầu nghiêm cấm việc biếu quà Tết là cần thiết.
Tuy nhiên, việc cấm biếu quà Tết hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế, còn giải pháp căn cơ và triệt để là làm sao để cả người đưa và nhận không dám thực hiện hành vi hối lộ trá hình. Làm được như vậy thì phải giải quyết được vấn nạn tham nhũng.
Việc nghiêm cấm cán bộ nhận quà Tết thời gian qua đã thực hiện được một vài năm trở lại đây, nhưng gần như không phát hiện được trường hợp nào vì hình thức rất tinh vi.
Ví dụ: doanh nghiệp, cấp dưới đến nhà lãnh đạo dịp Tết lì xì vợ, con của họ bằng tiền, bằng vé du lịch châu Âu, bằng biệt thự…thì xử lý thế nào, ai biết, ai dám tố cáo. Nếu tố cáo sai còn bị khép vào tội vu khống nên càng khiến người ta ngại tố cáo”.
Để hạn chế vấn nạn “hối lộ trá hình” trong dịp Tết, Phó Giáo sư Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh: “Cần khuyến khích, biểu dương người dân phát giác những hành vi “hối lộ trá hình” dịp Tết.
Đặc biệt, những trường hợp hối lộ giá trị lớn các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay chứ không chờ người dân cung cấp bằng chứng”.
Trường hợp phát hiện hành vi đưa và nhận quà Tết trái quy định cần phải xử lý rất mạnh tay như cách chức, cho thôi việc, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ căn cứ. Như thế mới đảm bảo tính răn đe, chế tài đủ mạnh”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức đánh giá, văn hóa tặng, biếu quà Tết đang bị biến tướng, méo mó vì sự vụ lợi, chạy chức, chạy quyền, mang nặng cơ chế xin cho giữa cán bộ với cán bộ, doanh nghiệp với cán bộ. Ảnh: Kim Thược/VTC |
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển phân tích: “Về phương diện văn hóa, quà Tết biểu hiện cho lòng biết ơn, phẩm giá làm người là biết ơn, có thể bằng lời nói, việc làm, quà. Đó là nét đẹp về văn hóa từ bao đời nay của dân tộc.
Thức quà còn là biểu hiện cho quan hệ xã hội, vốn xã hội để con người sống và phát triển. Trước đây, con người vẫn biếu quà Tết trong họ hàng, họ tộc, biếu thầy,… để giữ gìn, phát triển các mối quan hệ”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức chỉ ra: “Tặng quà Tết bây giờ đã biến tướng, thay đổi theo hướng rất tiêu cực và đầy mục đích vụ. Nguy hại hơn là xảy ra trong nhiều lĩnh vực.
Việc tặng, biếu quà Tết chủ yếu diễn ra giữa cán bộ cấp trên với cấp dưới, giữa doanh nghiệp với cán bộ, quan chức.
Sự vụ lợi ở đây thể hiện họ đầu tư vào quà Tết những giá trị vật chất rất lớn, vượt quá rất nhiều lần so với giá trị món quà Tết bình thường .
Họ tặng quà Tết lớn như vậy có thể nhằm mục đích như chạy chức, chạy quyền, “xin cho” đất đai, dự án... Rõ ràng mặt tiêu cực nổi lên, mặt tích cực bị chìm xuống. Điều này đã mất đi ý nghĩa nét đẹp văn hóa, tinh thần của quà Tết.
Văn hóa tặng quà Tết giữ được sự hài hòa thì vẫn còn là cái đẹp, nhưng thiên về vụ lợi sẽ trở nên xấu xa, đáng phê phán như hiện nay”.
Nên cách chức, buộc thôi việc người tặng, nhận quà Tết trái quy định |
Đánh giá về việc cấm biếu xén quà Tết, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng: “Việc cấm trên mới chỉ nhằm mục đích cảnh tỉnh, như một sự đánh động.
Nhưng cũng hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng. Ít nhất thì việc cấm biếu quà Tết cũng ngăn chặn được tình trạng công khai.
Trước đây, người dân từng chứng kiến, bàn tán tại nhà quan chức, mỗi dịp Tết có người xếp hàng đến qua đêm Giao thừa mà không vào trong biếu quà được.
Còn bây giờ khi cả người nhận và người biếu đều thậm thụt, bí mật thì rất khó phát hiện, thậm chí không thể phát hiện”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức chỉ ra cái khó: “khó bởi ai phát hiện được ông doanh nghiệp này, cán bộ kia đến nhà một cán bộ chơi biếu, tặng cái gì. Người dân nào dám vào nhà quan chức để giám sát, xem họ tặng, biếu nhau cái gì.
Rất cần có cơ chế nào đó giám sát thật chặt vấn nạn này cũng như có biện pháp xử lý thật nghiêm mới mong giảm được tiêu cực, tham nhũng, hối lộ trá hình”.