Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học có mục đích nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên toàn quốc.
Ngay sau khi Kế hoạch 213/KH-BGDĐT được ban hành, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thí điểm học bạ số, ban hành kế hoạch và tích cực phối hợp thực hiện học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Qua quá trình triển khai thí điểm học bạ số, lãnh đạo nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đánh giá học bạ số mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong công tác quản lý, tiết kiệm thời gian cho giáo viên.
Tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hải Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Sơn (tỉnh Bắc Giang) nhận xét, không phân biệt vùng miền, việc triển khai học bạ số có sự tác động đến tất cả giáo viên, học sinh ở các trường.
Tuy thời gian thực hiện thí điểm học bạ số tương đối ngắn nhưng đã mang lại nhiều ưu điểm như dễ dàng thao tác, tiết kiệm thời gian, chi phí, tính chính xác cao.
Cụ thể, cô Hải Anh cho biết, 1 lớp có khoảng 30-40 học sinh, đồng nghĩa với việc giáo viên chủ nhiệm phải nhập điểm, ký tay học bạ cho tất cả các em. Đáng nói, ngoài làm học bạ, giáo viên chủ nhiệm còn phải hoàn thiện một số hồ sơ, sổ sách khác nên khá vất vả và tiêu tốn thời gian. Với học bạ số, giáo viên chủ nhiệm không phải đi tìm từng quyển học bạ của học sinh để nhập điểm, mà chỉ cần truy cập vào hệ thống dữ liệu là có thể nhập điểm, ký tên thông qua một vài thao tác.
Đối với lãnh đạo nhà trường, học bạ số và chữ ký số giúp việc xác nhận, ký duyệt học bạ trở nên tiện lợi hơn, quản lý thông tin của học sinh tốt hơn, tính bảo mật cao hơn vì có thể tránh tình trạng giả mạo chữ ký lãnh đạo trường để xác nhận học bạ. Ngoài ra, học bạ số cũng giúp tiết kiệm chi phí, giảm tác hại đến môi trường (vì không sử dụng giấy-PV).
Còn với phụ huynh có con học tiểu học, nhờ học bạ số, phụ huynh có thể tra cứu, theo dõi kết quả học tập của con. Nhờ đó, phụ huynh sẽ tham gia tích cực vào việc phối hợp cùng nhà trường nhắc nhở con nâng cao ý thức, phấn đấu học tập tốt.
“Tôi rất thích và đánh giá cao học bạ số, chữ ký số. Sau thời gian thí điểm, giáo viên chủ nhiệm đã biết cách khởi tạo học bạ và sử dụng chữ ký số; lãnh đạo nhà trường biết thao tác phê duyệt, ký xác nhận học bạ số một cách thuận lợi”.
_Cô Nguyễn Thị Hải Anh chia sẻ_
Bên cạnh những ưu điểm, cô Hải Anh mong muốn, tới đây khi triển khai rộng rãi, phần mềm sẽ có sự liên thông dữ liệu của học sinh giữa các cấp học để việc cập nhật thông tin, cũng như xác nhận học bạ cho các em chuyển đến và chuyển đi được dễ dàng hơn.
Là một trong những cơ sở giáo dục tiểu học tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả thí điểm học bạ số theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Quốc Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Mai (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, so với học bạ giấy, học bạ số có nhiều ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, thầy Hưng cho rằng, thứ nhất, học bạ số giúp giáo viên, lãnh đạo nhà trường tiết kiệm được nhiều thời gian trong xử lý công việc.
Theo thầy Hưng, khi sử dụng học bạ giấy, thầy cô phải dành thời gian để điền thông tin cá nhân của học sinh, cập nhật điểm theo tiết, kỳ kiểm tra; việc ký xác nhận học bạ của các em cũng được thầy cô ký tay. Đặc biệt, nếu thầy cô nào không may điền sai điểm của học sinh, việc tẩy xóa sẽ không chỉ làm cho học bạ xấu về mặt hình thức mà còn khó tạo được sự tin cậy. Chính vì vậy, học bạ số thực sự giải quyết được những hạn chế kể trên của học bạ giấy.
Thứ hai, học bạ số giúp lãnh đạo trường quản lý thông tin chặt chẽ.
“Với sử dụng học bạ số và chữ ký số, lãnh đạo nhà trường có thể hoàn thành việc ký duyệt, xác nhận học bạ cho học sinh một cách thuận lợi, dễ dàng. Ngoài ra, nhờ sử dụng ký số của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường cũng làm tăng tính bảo mật vì chỉ khi có tài khoản, mật khẩu thì mới thực hiện được ký số. Từ đó, giúp việc quản lý thông tin học sinh của nhà trường được tốt hơn”, thầy Hưng nói.
Cũng theo chia sẻ của thầy Hưng, để học bạ số được thí điểm thuận lợi, toàn bộ giáo viên, ban giám hiệu nhà trường đã được tập huấn tỉ mỉ, chặt chẽ, thành thạo các thao tác trên học bạ số. Mong muốn của nhiều giáo viên Trường Tiểu học Song Mai là học bạ số sớm được đưa vào triển khai đại trà để thay thế học bạ giấy, giảm bớt việc nhập thông tin cho giáo viên. Từ đó, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, công sức, giảm áp lực sổ sách, từng bước phù hợp với yêu cầu chuyển đối số trong giáo dục, góp phần thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".
Quản lý thông tin học sinh hiệu quả hơn
Cùng chia sẻ về ưu điểm của học bạ số, thầy Lê Quang Hiển - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Mai (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, học bạ số không chỉ đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin học sinh, dễ sử dụng, mà còn giúp công tác quản lý học sinh hiệu quả hơn.
Mỗi năm học mới, nhà trường đều đón học sinh đầu cấp nên số lượng học bạ mới tương ứng cần được lưu trữ sẽ nhiều lên, cồng kềnh và dễ thất lạc hay mối mọt. Do đó, học bạ số có thể giúp nhà trường lưu trữ được dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, chính xác thông tin.
“Trước bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, học bạ số là một trong những điểm sáng khi được thí điểm ở các trường tiểu học. Sau quá trình nghiêm túc thực hiện học bạ số, tôi nhận thấy ưu điểm lớn nhất là học bạ số giúp tiết kiệm thời gian cho giáo viên, ban giám hiệu, quản lý thông tin học sinh hiệu quả.
Tôi cũng đánh giá cao việc sử dụng chữ ký số của ban giám hiệu khi ký duyệt học bạ. Với ký số, giáo viên không phải mang học bạ đến gặp ban giám hiệu để trình ký mà ban giám hiệu có thể ký duyệt học bạ ở mọi lúc, mọi nơi, rất thuận tiện”
_Thầy Lê Quang Hiển chia sẻ_
Tính đến hiện tại, 100% giáo viên Trường Tiểu học Đa Mai đã biết cách sử dụng học bạ số. Với tính năng ưu việt, tiết kiệm thời gian, giáo viên lớn tuổi của nhà trường cũng đã khắc phục mọi khó khăn ban đầu để thực hiện tốt thao tác trên học bạ số.
“Học bạ số làm thay đổi nhận thức của nhà giáo trong thực hiện các nhiệm vụ, giúp việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường đạt hiệu quả cao. Thông qua các buổi tập huấn, giáo viên nắm được cách tạo lập, sử dụng học bạ số; nắm được quy trình thực hiện học bạ số, ký số, đóng gói và phát hành, lưu trữ,... Hy vọng học bạ số sớm được triển khai rộng rãi trong thời gian tới để công tác quản lý học sinh đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khoa học", thầy Hiển bày tỏ.
Tuy nhiên, do là năm đầu tiên thí điểm học bạ số nên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Mai kiến nghị giáo viên nhà trường cần có thêm những buổi tập huấn sâu hơn; hoàn chỉnh phần mềm; cải thiện việc liên kết với chuẩn cơ sở dữ liệu của ngành. Bên cạnh đó, đội tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cũng cần kịp thời hơn nữa trong việc giải đáp thắc mắc của giáo viên về phần mềm để việc vận hành thuận lợi.
Theo Kế hoạch 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, chỉ thực hiện thí điểm học bạ số đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020).
Đối tượng tham gia thí điểm là các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và học sinh cấp tiểu học trong các cơ sở giáo dục tham gia thí điểm. Các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp phương án, giải pháp triển khai học bạ số khả thi, an toàn, hiệu quả.
Điều kiện triển khai học bạ số là có máy tính kết nối mạng internet, có phần mềm quản lý nhà trường để có thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh, kết quả học tập; có chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; có nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.