LTS: Ngành Sư phạm và hàng loạt những vấn đề đào tạo từ đầu vào đến đầu ra là việc làm luôn gây bức xúc bấy lâu nay.
Chúng ta cùng theo dõi cách nhìn nhận của thầy Đỗ Tấn Ngọc sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi có Đại biểu Quốc hội đề cập tới vấn đề “nóng” này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giải trình, trả lời rất cụ thể, xác thực đồng thời nêu kiến nghị với Quốc hội: “Vị trí việc làm, thu nhập, tương lai sau khi Tốt nghiệp mới mang tính quyết định sự lựa chọn của các cháu.
Quốc hội cần sớm quan tâm, hỗ trợ triển khai quyết định chiến lược theo Nghị quyết 29 của Trung ương và chế độ tiền lương ưu đãi ở bậc cao nhất với cán bộ giáo viên ngành Sư phạm.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu được quan tâm như thế thì sẽ có thêm sức hút vào các trường Sư phạm”.
Các kiến nghị ấy cũng là nỗi lòng, mong mỏi chung của chúng tôi- những thầy cô giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục.
Có thể khẳng định rằng, những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ của Nhà nước đối với ngành giáo dục, như không phải đóng học phí trong quá trình học tập ở các trường Sư phạm, được hưởng mức phụ cấp từ 30% đến 70%, phụ cấp thu hút theo từng vùng, từng cấp khi ra trường giảng dạy, là rất cần thiết.
Các chính sách ấy một thời làm yên lòng đội ngũ thầy cô giáo, nhiều học sinh học hết cấp ba đã mạnh dạn, tự tin chọn và thi vào ngành Sư phạm.
Nhưng đến thời điểm này, chính sách ấy không còn hấp dẫn nữa. Đối tượng học sinh khá, giỏi ở trường phổ thông thật sự mặn mà, hứng thú, quyết tâm theo đuổi nghề Sư phạm đếm được trên đầu ngón tay.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi các trường, ngành Sư phạm trong mấy năm trở lại đây ngày càng giảm rõ rệt.
Tỉ lệ chọi thấp, thậm chí không đủ chỉ tiêu dẫn đến hệ lụy hiển nhiên, khó có nhiều sinh viên, thầy cô giáo giỏi khi học nghề và bước ra nghề.
Trong khi đó, ở nhiều nước khác, điểm trúng tuyển vào trường Sư phạm thường cao ngất ngưởng, trường Sư phạm luôn là giấc mơ, là khát khao đối với không ít học sinh. Thậm chí, họ còn có thêm qui chuẩn về ngoại hình và ngôn ngữ nói để tuyển chọn sinh viên Sư phạm.
Một số người cứ nghĩ là nghề dạy học nhàn hạ, mức lương như hiện nay là được rồi, đừng kêu ca nữa.
Nhưng họ đâu có hiểu ngoài thời gian lên lớp, thầy cô giáo còn dành thời gian soạn bài, chấm bài, tham gia các công việc, hoạt động khác của Nhà trường.
Mấy năm nay, trước những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ của ngành giáo dục, áp lực công việc đối với giáo viên, Nhà trường ngày càng gia tăng, nhất là bậc phổ thông.
Trong đề tài nghiên cứu "Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông", Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam công bố: "Mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần, trong khi có đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân".
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục) cho biết qua một điều tra thực tế do chính ông làm, trên 526 giáo viên phổ thông ở 27 trường thuộc 5 tỉnh cho thấy, thời lượng lao động của giáo viên phục vụ cho giáo dục là rất kinh khủng.
Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp THCS là gấp 1,7 lần, THPT là 1,8 lần.
Mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã có sự quan tâm hơn về đời sống vật chất, cụ thể là chế độ lương cho đội ngũ thầy cô giáo nhưng vẫn còn quá thấp, chưa đảm bảo cho cuộc sống của bản thân, gia đình họ với những nhu cầu cần thiết.
Ở nhiều địa phương từng có tới hàng trăm giáo viên mầm non xin nghỉ dạy luôn, vì lương bổng không đủ lo riêng cái ăn 3 bữa cho bản thân họ.
Theo VnExpress, có cô giáo sau 40 năm công tác, nhận được mức lương hưu 440.000 đồng. Ngày Tết, phần lớn giáo viên không biết thưởng Tết là gì. Nếu có thưởng, cũng chẳng đáng là bao, chỉ được vài trăm ngàn đồng là cùng.
Nhiều tờ báo cũng đã dẫn, hiện tại, riêng thành phố Hồ Chí Minh, có đến 11.000 giáo viên vẫn chưa mua, làm được nhà, đang phải ở nhà thuê hoặc nhà cha mẹ. Thật tội nghiệp và chua xót khi đọc và nghe những thông tin ấy.
Đội ngũ giáo viên làm sao yên lòng, yên tâm dấn thân vào nghề nghiệp bằng tất cả năng lực và đam mê của mình, khi cuộc sống áo cơm vẫn còn nhiều lo lắng, biết xoay xở sao khi mọi người đang bon chen làm ăn kinh tế và đã có số người giàu lên trông thấy.
Viện Khoa học giáo dục từng khảo sát hơn 500 giáo viên ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không?
Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp Tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%.
Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề. Vì đâu, họ như thế?
Cái gốc, cái lõi của vấn đề đặt ra ở đây là ở chính sách đãi ngộ, lương bổng cho giáo dục chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với công sức của các thầy cô đã bỏ ra.
Học sinh, phụ huynh bây giờ khác học sinh, phụ huynh ngày trước. Họ có cái nhìn thực tế hơn. Họ chấp nhận con em họ công việc có thể vất vả, cạnh tranh nhưng có thu nhập cao, còn hơn những công việc có vẻ “thanh nhàn” mà thu nhập thì lại thấp.
Soi vào thực tế, đối với những người làm công ăn lương, thì thu nhập và mức sống của nhà giáo vẫn thấp hơn nhiều (trung bình khoảng 3,0 triệu đồng/ tháng/ người).
Xuất phát từ lợi ích kinh tế, môi trường giáo dục, nội bộ cán bộ giáo viên giờ đây không còn được trong lành, thuần khiết như ngày xưa.
Những mâu thuẫn, xung đột âm ỷ, không khoan nhượng từ các vụ đấu đá, tranh giành chức quyền...nảy sinh. Lợi dụng nhu cầu cần việc làm, tuyển dụng, thuyên chuyển một số cán bộ quản lý giáo dục giở thói vòi vĩnh, kiếm ăn....
Thậm chí, một số thầy cô giáo bất chấp quy định pháp luật, dùng đủ “ chiêu, trò” chèn ép học sinh, phụ huynh phải học thêm. Một số giảng viên đại học về nhân cách, đạo đức nhà giáo bị lu mờ, mất mát nghiêm trọng khi nhận phong bì từ những vụ mua, bán điểm…
Lo ngại về tâm lý thực dụng trong phụ huynh, học sinh
(GDVN) - Tâm lý thực dụng đang chi phối chất lượng giáo dục Nhà trường, ảnh hưởng đến hình thành nhân cách và tri thức cho đối tượng học sinh phổ thông.
Phải nói ngay rằng, vấn đề tiêu cực, tham nhũng của ngành giáo dục hiện nay cũng đang bức bối chẳng kém gì các lĩnh vực khác. Phải chăng nguyên nhân của nó là do lương bổng , thu nhập thấp?
Tinh thần, mục tiêu Nghị quyết 29 của TW đã thể hiện quá rõ, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, yếu tố đội ngũ thầy cô có tính chất quyết định nhất đến chất lượng giáo dục nước nhà.
Cải cách thi cử, đổi mới chương trình, tăng cường cơ sở vật chất cần song hành, đi liền với việc cải thiện chế độ, chính sách lương bổng, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ giáo dục và giáo viên, giảng viên hiện nay.
Việc làm ấy rất cấp thiết, không thể chờ đợi lâu hơn nữa, nếu không câu chuyện giáo dục Việt Nam yếu kém, tụt hậu khá xa với khu vực và thế giới còn kéo dài chưa biết đến bao giờ.