Philippines Daily Inquirer ngày 10/2 đưa tin, một số nhà nghiên cứu tin rằng, bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) khó có thể ra đời trong năm 2017, thậm chí quá trình đàm phán COC khi nào mới kết thúc cũng chưa có câu trả lời xác định.
Tiến sĩ Marvin Ott, một học giả nghiên cứu Đông Nam Á từ Đại học Johns Hopkins bình luận, COC "không có lợi" theo quan điểm của Trung Quốc, khi nước này nhất quyết bác bỏ Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông.
Giáo sư, Tiến sĩ Marvin Ott, ảnh: VTV. |
Giáo sư Marvin Ott bình luận:
"Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý có một COC thực thụ. Bởi COC thực sự sẽ là bộ quy tắc xác định giới hạn, phân định biển và do đó hạn chế các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông".
Trong khi đó Trung Quốc đã cài đặt hệ thống vũ khí, bao gồm cả hệ thống hỏa lực phòng không trên 7 đảo nhân tạo họ xây dựng (bất hợp pháp).
Tiến sĩ Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, Hoa Kỳ nhận xét, Trung Quốc sẽ tiếp tục câu giờ, trì hoãn đàm phán COC vì việc này đã kéo dài suốt hơn một thập kỷ.
Ông đồng ý với Giáo sư Marvin Ott rằng, Trung Quốc chỉ nói chứ không muốn làm. Việc đàm phán và ký kết COC không có trong tính toán của họ suốt nhiều năm qua, và trong nhiều năm tới.
Giáo sư Ott nói rằng, Trung Quốc sẽ dây dưa COC thêm 15 năm nữa, nếu thấy điều đó cần thiết. Hai chuyên gia đã tiếp riêng 10 nhà báo Philippines tuần trước tại Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Hiebert tin rằng, ngay cả cuộc tấn công quyến rũ của Tổng thống Rodrigo Dutere với Trung Quốc cũng không thể mang lại COC trong năm nay, bởi COC phụ thuộc vào phạm vi áp dụng.
"Tôi nghĩ rằng, mục tiêu của Trung Quốc là làm cho việc đàm phán COC kéo dài càng lâu càng tốt", Tiến sĩ Murray Hiebert bình luận.
Takahara Akio, một chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Tokyo nhấn mạnh rằng, Trung Quốc đã nói nhiều điều tốt đẹp, nhưng hành động của họ thì khác.
Trung Quốc đang câu giờ. Nếu họ muốn giành phần thắng mà không cần tốn hòn tên mũi đạn, họ sẽ từng bước gia tăng sự hiện diện của mình và tìm cách áp đảo các bên khác.
Vì vậy ông khuyến cáo Tổng thống Rodirog Duterte, mặc dù tận dụng các cơ hội từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là quyền của ông ấy, nhưng cũng nên nói thẳng với Trung Nam Hải rằng:
"Chúng tôi mong muốn một trật tự đựa trên luật pháp quốc tế. Chúng tôi không mong muốn một trật tự dựa trên sức mạnh".
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tháng này bày tỏ lạc quan, 10 nước ASEAN và Trung Quốc sẽ kết thúc việc đàm phán COC trong năm nay để giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông.
Tài liệu tham khảo:
https://globalnation.inquirer.net/152515/code-conduct-china-disputed-sea-held-unlikely