Khâu Lâm, biên tập viên thời sự của tờ Nhật báo Tự Cống, cơ quan ngôn luận thành ủy Tự Cống tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đồng thời là bình luận viên đặc biệt của tờ Kinh tế Trung Quốc và là một nhân vật chống phá Việt Nam kịch liệt ngày 13/7 tiếp tục viết bài bôi nhọ, chống phá Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Campuchia tung lên các diễn đàn trực tuyến.
Ông Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia. Ảnh: MOV. |
Khâu Lâm cho rằng việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn theo 23 tướng lĩnh cấp cao của quân đội, cảnh sát nước này thăm Trung Quốc cho thấy, giới quân sự Campuchia muốn cầu viện Trung Nam Hải để đối phó với Việt Nam?!
Lập luận của Khâu Lâm cho bình luận này là chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm Hoa Kỳ và Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa đề nghị Liên Hợp Quốc cho mượn bản đồ gốc để xác minh vấn đề biên giới với Việt Nam.
Ông Lâm nói, mặc dù nghị trình chính thức của 2 phía Campuchia và Trung Quốc không nhắc đến vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, nhưng có những dấu hiệu cho thấy sự liên quan gián tiếp. Tuyên bố chung của Campuchia và Trung Quốc nhắc đến việc: Hai bên kiên định trước sau như một ủng hộ các lợi ích cốt lõi của nhau trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển.
Viên học giả Trung Quốc này đã bịa đặt trắng trợn lịch sử, vu cáo Việt Nam "thôn tính Lào và Campuchia những năm 1970 để thành lập Liên bang Đông Dương"?! Cuộc chiến tranh giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng man rợ Khmer Đỏ do Trung Nam Hải nuôi dưỡng và giật dây để chống phá Việt Nam từ biên giới Tây Nam bị Khâu Lâm xuyên tạc thành Việt Nam "xâm lược" Campuchia.
Về sự can thiệp của Trung Nam Hải vào Campuchia, Khâu Lâm viết:
"Trung Quốc có tiếng nói rất lớn đối với nội bộ Campuchia. Đối với Phnom Penh, Trung Quốc có hai khoản đầu tư, một là đổ cho Khmer Đỏ mà kết cục thế nào thì ai cũng biết (?!). Khoản còn lại đầu tư cho Sihanouk, nhưng Sihanouk đã quen với cuộc sống an nhàn ở Bắc Kinh nên không chịu về, dứt khoát nhường ngôi cho con trai.
Nhưng đảng Funcinpec do một người con trai của ông Sihanouk lãnh đạo không có thế lực, xem ra đầu tư cho một người hay một chính đảng ở Campuchia lời lãi rất hạn chế, chỉ có cách dùng thủ đoạn kinh tế khống chế mới là đúng đắn"?!
Ảnh chụp màn hình thông tin cá nhân Khâu Lâm trên tờ Kinh tế Trung Quốc. |
Không biết người Campuchia sẽ nghĩ thế nào trước những lời bóc trần sự thật về âm mưu của người Trung Quốc đối với họ mà Khâu Lâm vừa nói? Cứ theo như viên học giả này, Campuchia chỉ là một con tốt trên bàn cờ địa chính trị mà Bắc Kinh muốn khống chế để dùng vào những việc có lợi cho mình mà thôi - PV.
Xung quanh vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, Khâu Lâm viết:
"Hiện tại xung đột (căng thẳng có kiểm soát do một số phần tử quá khích Campuchia kích động người dân nước này chống phá biên giới - PV) nổ ra ở biên giới Việt Nam - Campuchia chẳng qua cũng chỉ là một đoạn nhạc nền chen vào trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung khi trục này thêm sự góp mặt của Campuchia mà thôi.
Sau khi nổ ra xung đột biên giới Việt Nam - Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đã chạy sang nhờ Bắc Kinh chi viện, Trung Quốc cũng nên thuận thế mà làm. Một khi Việt Nam đã vì lợi ích của mình mà muốn ôm chân Hoa Kỳ (?!) để đối phó Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng nên kéo Campuchia về phía mình, liên thủ để đối phó với Việt Nam", Khâu Lâm kích động, bôi nhọ Việt Nam.
Những phát ngôn xuyên tạc, kích động, bôi nhọ mà Khâu Lâm đang phát tán rộng khắp các diễn đàn trực tuyến lớn ở Trung Quốc hòng chống phá Việt Nam cho thấy một thái độ thù hằn ích kỷ, chống phá quyết liệt nhằm vào Việt Nam.
Nó cũng cho thấy một nỗi sợ mơ hồ của một bộ phận học giả, truyền thông Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Hoa Kỳ. Nhưng điều này càng cho thấy chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Việt Nam là hoàn toàn chính xác - PV.
Trước đó tờ The Diplomat khi quan sát chuyến thăm Trung Quốc của ông Tea Banh đã bình luận, có những dấu hiệu cho thấy chuyến thăm này có liên hệ với vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia vì 4 lý do:
Ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tiếp ông Tea Banh. Ảnh: MOV. |
Nó diễn ra ngay sau khi nổ ra căng thẳng biên giới Việt Nam - Campuchia; Phe đối lập Campuchia chống phá quyết liệt vấn đề biên giới, ông Hun Sen phải gửi công hàm mượn bản đồ gốc từ Liên Hợp Quốc để dẹp tan luận điệu này; Đàm phán biên giới giữa Việt Nam và Campuchia vừa tiến hành tại Phnom Penh; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm Hoa Kỳ, một động thái mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm theo dõi.
Ngoài ra, việc Campuchia và Trung Quốc bỗng nhiên cam kết "tiếp tục hỗ trợ nhau về các vấn đề chính liên quan đến lợi ích cốt lõi" cũng là một dấu hiệu đáng chú ý. Cụm từ "lợi ích cốt lõi" thường được Bắc Kinh sử dụng quá mức và gây tranh cãi khi nói về yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông. Lần này hai bên nhấn mạnh tới hỗ trợ lợi ích cốt lõi "của nhau" trong khi chủ quyền lãnh thổ là yếu tố đáng kể của "lợi ích cốt lõi", nó có liên quan đến các vấn đề đang diễn ra ở biên giới Việt Nam - Campuchia.
Người quan sát, một tờ báo mạng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc (do Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển Xuân Thu Thượng Hải kết hợp với công ty TNHH Công nghệ thông tin Người quan sát Thượng Hải đồng sáng lập) ngày 13/7 khi dẫn lại nguồn tin từ The Diplomat đã bình luận, đoàn đại biểu quân sự Campuchia thăm Trung Quốc là để tìm kiếm chi viện nhằm chống lại Việt Nam?!