Thông tin đề án thí điểm song bằng tại một số trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn Hà Nội quy định dừng tuyển sinh mới lớp 6 song bằng năm học 2021-2022 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc này.
Trong cuộc họp ngày 20/4/2021 giữa lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đang thí điểm mô hình song bằng và các phòng, ban liên quan, đã có nhiều vấn đề, câu hỏi được các trường đặt ra.
Học phí song bằng kết dư hàng tỷ đồng, không tiêu được
Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy học sinh song bằng ngày càng đông, đang thừa kinh phí (học phí song bằng) vì chỉ được chi 4 nội dung theo đề án, 2 năm vừa rồi thừa xấp xỉ 1 tỷ đồng (khoảng 800 triệu đồng).
Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đang tồn trong kho bạc hơn 7 tỷ đồng, trong khi những cán bộ giáo viên tham gia xây dựng đề án từ đầu, từ năm 2016, có người than họ phải "làm không công", kinh phí tối thiểu để đọc đề tài, xây dựng đề án cũng không được chi trả.
Phụ huynh Hà Nội chen chân đưa con đi thi hệ song bằng ở Hà Nội năm 2020, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo VietnamNet. |
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt câu hỏi, tất cả các trường đều thừa tiền? Kinh phí tồn có phải là một phần là do không đầu tư về cơ sở vật chất không?
Các trường cho biết, theo đề án thí điểm song bằng tất cả các trường đều không được lấy học phí song bằng chi cho cơ sở vật chất.
Đề án thí điểm song bằng trung học cơ sở mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng đề xuất phương án thu học phí hệ trung học cơ sở cho mô hình này dựa trên nguyên tắc thu đủ bù chi. Số tiền thu của người học chỉ để chi các nội dung sau:
- Chi tiền trả lương cho giáo viên giảng dạy chương trình IGCSE (giáo viên tiếng Anh 80 đô la Mỹ tương đương 1.840.000 đồng / tiết dạy; Trưởng các bộ môn Toán, Lý, Hóa, ICT, Khoa học 90 đô la Mỹ tương đương 2.070.000 đồng/ tiết dạy);
- Chi tiền giáo trình của giáo viên;
- Chi trả chi phí bản quyền của CAIE (phí thường niên 10 nghìn đô la Mỹ / năm với các trường thành viên);
- Chi trả lương cho Điều phối viên chương trình (70 triệu đồng tính 1 tháng).
Tuy nhiên, có trường ký hợp đồng với trung tâm cung cấp giáo viên, có trường ký hợp đồng trực tiếp với giáo viên nên mức giá đàm phán rẻ hơn, khoảng 50 đô la Mỹ / tiết, học phí kết dư càng nhiều.
Đoàn kiểm tra đã đặt câu hỏi với trường, vì sao không đề xuất tham mưu giảm học phí mà để tồn dư nhiều thế? Các trường cho biết việc này thuộc thẩm quyền của ban điều phối đề án cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo, không thuộc thẩm quyền các trường.
Trường xin cắt giảm nội dung chương trình IGCSE, phụ huynh cho con vào lò luyện song bằng từ lớp 3
Tại cuộc họp ngày 20/4/2021, đại diện Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân đề xuất, lớp 9 song bằng của năm học này, lớp 8 lên lớp 9 song bằng của năm học tới, môn ICT các trường không thi để lấy chứng chỉ IGCSE, do đó cũng xin đề xuất lớp 9 năm tới thì có thể giảm hoặc cắt bộ môn này để tập trung cho 3 bộ môn còn lại là môn Khoa học, môn Toán và môn tiếng Anh để các cháu thi lấy chứng chỉ IGCSE cho năm tới.
Kỳ thi của tháng 5 tới này trường Nghĩa Tân có 25 học sinh đăng ký thi chứng chỉ môn Toán, nhưng mà giáo viên dạy tham gia chương trình của bên đối tác Atlantic thì họ cũng đánh giá, đối với cả 25 học sinh này khả năng mà thi để để thi lấy chứng chỉ cấp độ A hay A* cũng khó, vì học sinh của chúng ta đã rút từ chương trình 5 năm xuống 4 năm, với bộ môn Toán thì ép chương trình để 3 năm, để sang năm các con còn tập trung vào cái môn thi còn lại nên khá là khó khăn cho cái lớp 9, vì vậy là cũng đề xuất xin được giảm số tiết ICT, môn Tin ấy, của khối 9 theo đề án, giảm xuống để tập trung vào 3 môn còn lại.
Trả lời câu hỏi của lãnh đạo Sở, rằng nếu mà bỏ ICT, môn Tin học ấy, thì có còn đủ điều kiện để thi không? Đại diện Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân cho biết: Chỉ thi 3 môn thôi, không thi môn đấy lấy chứng chỉ vì không đủ thời gian học, không đủ điều kiện để thi lấy chứng chỉ.
Báo VietnamNet ngày 23/4/2021 có bài "Lo 'vỡ trận' nếu Hà Nội dừng tuyển song bằng lớp 6" phản ánh, ngay từ khi con gái lớn học lớp 3, vợ chồng chị Lê Ngọc Điệp (Cầu Giấy) đã tập trung đầu tư cho con học thêm tiếng Anh, Toán bằng tiếng Anh để thi vào lớp 6 song bằng, phụ huynh này được VietnamNet dẫn lời cho biết:
“Phụ huynh tốn không ít công sức để cho con ôn luyện trong suốt mấy năm qua. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày thi, giờ lại có thông tin là bỏ, phụ huynh, học sinh sao kịp trở tay? Tôi cũng định hướng cho con thi song bằng nên cũng không ôn luyện để thi hệ chất lượng cao". [1]
Báo Kinh tế & Đô thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 22/04/2021 có bài "Phụ huynh hụt hẫng trước thông tin Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6", dẫn lời chị Chu Hải Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội nói:
“Tôi cho con ôn song bằng từ lớp 3 để học hết lớp 5 thì thi song bằng vào lớp 6. Hơn 2 năm nay, tôi cho con đi học thêm Toán Tiếng Anh tuần mấy buổi để thi. Toán (Việt Nam) và tiếng Việt hầu như không học theo chương trình ôn vì thi song bằng không dùng đến. Nay nghe thông tin các trường công lập ở Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng, tôi rất hoang mang, lo lắng và hụt hẫng.
Từ sáng đến giờ tôi hỏi khắp các trung tâm, thầy cô giỏi để xin cho con ôn thi vào lớp 6 chất lượng cao nhưng sát đến ngày thi, đa phần các thầy cô uy tín không nhận. Tôi đang cố liên hệ để xin học ở một số trung tâm khác, vì cách ôn song bằng khác ôn thi chất lượng cao nên không dám nghĩ đến kết quả tốt.”
Anh Phan Trung Hiếu, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Con tôi đánh vật với môn Toán Tiếng Anh suốt thời gian dài qua để thi lớp 6 song bằng công lập. Kiến thức đã nạp vào đầu sẽ không vô ích. Nếu Hà Nội không tuyển sinh song bằng công lập nữa, tôi có có 3 lựa chọn: cho con học hệ song bằng trường ngoài công lập; học trường THCS đúng tuyến hoặc thi lớp 6 trường chất lượng cao. Việc chuyển hướng ôn luyện ở giai đoạn này sẽ khó kịp và hiệu quả; học song bằng tư thục thì gia đình không đủ điều kiện nên tôi đang hướng đến cho con học trường công nào đó. Tôi và con đều rất buồn vì thông tin trên”. [2]
Chia sẻ với các phụ huynh, một nhà giáo đề nghị không nêu tên cho biết, lợi ích từ song bằng chưa thấy đâu, nhưng theo vị này thì rõ ràng mô hình này đang tạo công ăn việc làm cho các trung tâm, lò luyện thi, đó cũng là thực tiễn lý giải tại sao học sinh song bằng cấp 2 mà trượt song bằng cấp 3 thì sẽ "rất khó hòa nhập" nếu thi vào các trường phổ thông công lập bình thường khác như đánh giá của một vị trưởng phòng giáo dục [3].
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/phu-huynh-lo-lang-khi-ha-noi-dot-ngot-dung-tuyen-he-song-bang-729839.html
[2]http://kinhtedothi.vn/phu-huynh-hut-hang-truoc-thong-tin-ha-noi-dung-tuyen-sinh-he-song-bang-lop-6-416583.html
[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hang-tram-hoc-sinh-song-bang-cap-2-se-di-dau-neu-khong-vao-duoc-cap-3-song-bang-post217225.gd