DESIGNATHON 2018 là một sự kiện STEM toàn cầu dành cho học sinh từ 7-12 tuổi được tổ chức bởi DESIGNATHON Works – Hà Lan.
Ban Mai School là đối tác duy nhất tại Việt Nam được lựa chọn là đơn vị tổ chức chương trình Global Children’s Designathon 2018. Các em học sinh tham gia không những phải có kiến thức khoa học kỹ thuật tốt mà còn phải sử dụng tốt tiếng Anh.
Bởi tại sự kiện, các em sẽ thuyết trình ý tưởng, sáng kiến, mô hình giải quyết vấn nạn phá rừng hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Các em thuyết minh về vấn đề. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Đây là cơ hội tuyệt vời để các em học sinh được trải nghiệm, nhận thức sâu sắc về vấn đề các quốc gia đang đối mặt trên toàn cầu- đó là nạn phá rừng và những tác hại của nó tác động tiêu cực đến sự sống trên hành tinh.
Học sinh được thảo luận, chia sẻ quan điểm của mình, đưa ra những sáng kiến và giải pháp để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, chống phá rừng và hạn chế những tác động tiêu cực, cải thiện môi trường sống.
Em Nghiêm Thị Ngọc Minh, cựu học sinh trường Ban Mai, học sinh hướng dẫn nhóm 2 tham gia sự kiện chia sẻ, các ý tưởng do chính các em nghĩ ra và những người hướng dẫn sẽ gợi mở cho các em để có được sản phẩm STEM tốt nhất về chủ đề này.
Minh dẫn chứng, nhóm 2 thiết kế mô hình nguyên nhân và hậu quả của nạn chặt phá rừng. Sản phẩm này để tuyên truyền cho mọi người thấy được tác hại của vấn đề chặt phá rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.
Khi tìm hiểu các vấn đề này, các em đã xây dựng ý tưởng tạo ra chiếc máy trồng cây rừng tự động, chiếc máy này có khả năng gieo hạt, bón phân và tưới nước tự động, được điều khiển từ xa, chạy bằng pin năng lượng mặt trời.
Các em thuyết minh về ý tưởng. Ảnh: NTCC |
Khác với nhóm 2, nhóm 3 với 7 thành viên khi tìm hiểu về chủ đề thấy được hậu quả của nạn phá rừng đã nghĩ đến nơi sinh sống của các động vật bị phá hủy.
Các bạn đã xây dựng mô hình các trạm cứu hộ lưu động dành cho động vật tại khu vực có nguy cơ xảy ra nạn chặt phá rừng.
Trạm này sẽ giúp khắc phục và giảm thiểu những thiệt hại do việc hủy hoại môi trường sống của động thực vật do nạn chặt phá rừng gây ra.
“Các sản phẩm, vật liệu để thiết kế các mô hình đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khi bắt tay vào giải quyết chủ đề này, các em sẽ sử dụng kiến thức nhiều môn học như địa lý, vật lý, toán học…”, Nguyễn Hoàng Ngân, học sinh hướng dẫn nhóm 3 cho biết.
Xây dựng mô hình các trạm cứu hộ lưu động dành cho động vật của các khu vực có nguy cơ xảy ra nạn chặt phá rừng. Ảnh: NTCC |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ban Mai cho biết một số lý do giúp nhà trường được chọn là đối tác duy nhất tại Việt Nam tham gia sự kiện.
Đầu tiên là căn cứ dựa trên hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ STEM của nhà trường. Câu lạc bộ STEM được thành lập từ lâu và hoạt động hiệu quả, dành được sự quan tâm lớn của ban lãnh đạo nhà trường.
Các thầy cô đều là những người có năng lực và đam mê khoa học.
Hiện nay, câu lạc bộ có 11 giáo viên ở các bộ môn tham gia và đã xây dựng được nội dung giáo dục STEM phù hợp với xu thế. Nhờ nội dung hấp dẫn, nên câu lạc bộ đã thu hút hơn 60 học sinh.
Ông Chung cho biết: "Chất lượng sinh hoạt của câu lạc bộ rất tốt.
Minh chứng là các sản phẩm của câu lạc bộ thi cấp thành phố, cấp quốc gia, tham gia các cuộc thi quốc tế. Uy tín của câu lạc bộ STEM được xây dựng từ đó.
Tự tin trao đổi với học sinh các nước tham gia sự kiện. Ảnh: NTCC |
Uy tín đó cũng là một trong điều kiện để Ban Mai được lựa chọn".
Tiếp đó là sự năng động của các giáo viên khi tìm kiếm các cơ hội phát triển khoa học kỹ thuật cho nhà trường.
Các thầy cô có năng lực để có thể kết nối với các tổ chức quốc tế.
"Minh chứng là DESIGNATHON work là sự kết nối của tổ tiếng Anh.
Các thầy cô đã giới thiệu được Ban Mai với tổ chức phi chính phủ tại Hà Lan và chứng minh được năng lực của trường, của học sinh đủ điều kiện tham gia chương trình này”, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Được biết, mô hình giáo dục STEM tại trường không chỉ dừng ở ở sự kiện này, năm học tới giáo dục STEM sẽ là nội dung học tập gia tăng của nhà trường.