Học sinh bị bệnh phải đến viện, phụ huynh mới nhận thấy tầm quan trọng của BHYT

14/11/2022 10:17
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Những gia đình trên vùng cao chỉ đến khi con bị ốm đau nặng mới đến viện, nhiều người không thấy được lợi ích từ BHYT", thầy Giang chia sẻ. 

Hằng năm vào đầu năm học, các nhà trường đều vận động, tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm y tế. Theo Luật Bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế. Khi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế, học sinh cả nước đều sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.

Nhưng tỷ lệ học sinh tham gia tại nhiều trường chưa đạt, dù nhà trường thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền. Chỉ đến khi, học sinh ốm đau phải đến viện, lúc đó gia đình mới nhận thấy sự quan trọng của bảo hiểm y tế.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Trường Giang (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho hay, khi ông còn công tác tại Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thượng Lâm (Lâm Bình, Tuyên Quang), đây là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và có nhiều gia đình người Tày, Dao, Mông...sinh sống.

Quá trình nhà trường vận động, tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

"Có những học sinh cả năm không ốm đau bao giờ, nên việc bỏ ra số tiền hơn 500 nghìn đồng/năm học khiến phụ huynh cảm thấy tiếc. Trong khi đó, việc tham gia bảo hiểm y tế vừa là quyền, nghĩa vụ và cũng đóng góp vào chi trả cho những trường hợp không may bị ốm đau...", thầy Giang nói.

Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thượng Lâm (Ảnh: Nhà trường)

Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thượng Lâm (Ảnh: Nhà trường)

Thầy Giang cho hay, tại những địa phương vùng đồng bằng, hằng năm, học sinh có thể được gia đình cho đi khám sức khỏe một đến hai lần, nhưng gia đình trên vùng cao chỉ cho con em đến viện khi ốm đau, họ đã không nhìn thấy lợi ích từ bảo hiểm y tế.

"Riêng với các giáo viên trong trường, thường khoảng nửa năm, các thầy cô lại đến viện kiểm tra sức khỏe hoặc khi ốm đau. Nhờ có bảo hiểm y tế nên giáo viên cũng đỡ chi phí thăm khám rất nhiều", thầy Giang cho hay.

Tuy nhiên, thầy Giang nhận định, trở ngại đối với việc gia đình cho con em tham gia bảo hiểm y tế còn do đường sá đi lại khó khăn, khoảng cách đến bệnh viện tuyến huyện 30 cây số. Đồng thời, cơ sở vật chất, máy móc khám chữa bệnh của cấp cơ sở còn chưa được trang bị hiện đại, nếu làm các xét nghiệm đòi hỏi chuyên môn cao, học sinh phải lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương, thủ tục chuyển tuyến hưởng bảo hiểm khiến người dân ngại.

Thầy Giang chia sẻ, có những học sinh thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường cũng hỗ trợ một phần để đóng bảo hiểm y tế.

Ví như, mỗi lớp hỗ trợ khoảng 2 em có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường cũng có thể không hỗ trợ trực tiếp bằng việc ủng hộ thẻ bảo hiểm y tế, mà bằng sách vở, quần áo... để các em dành kinh phí mua bảo hiểm y tế.

Nhà trường cũng xét những trường hợp cụ thể như mồ côi bố mẹ, bố mẹ ốm đau... sau đó đưa danh sách lên để các thầy cô xem xét, tự nhận giúp đỡ em nào. Bên cạnh đó, các khoản vận động xã hội hóa thì các em cũng được miễn đóng góp.

Có những trường hợp đặc biệt, ốm đau đột xuất như hai năm trước, một em học sinh mắc ung thư, nhà trường vận động học sinh và giáo viên trong trường ủng hộ, giúp đỡ em.

"Hoàn cảnh của học sinh trên cũng rất khó khăn, bố mẹ của em ấy hay phải đi làm xa nhà mà con thì mắc bệnh hiểm nghèo", thầy Giang chia sẻ.

Thầy Giang cho hay, bên cạnh sự tuyên truyền từ phía nhà trường, gia đình các em còn được tuyên truyền tại địa phương để mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Như vậy, người dân đã được tuyên truyền 2 lần về loại hình bảo hiểm này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ thêm về việc vận động, tuyên truyền bảo hiểm y tế tới học sinh, cô Nguyễn Thị Hồng Vân (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thư Phú, Thường Tín, Hà Nội) cho hay, công tác tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm y tế học sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

"Có hai lý do khiến phụ huynh không tham gia, thứ nhất là việc khám, chữa bệnh ở tuyến huyện không đáp ứng được nhu cầu của họ và người dân ngại thủ thục chuyển tuyến để hưởng bảo hiểm. Trường hợp còn lại là với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không muốn đóng vì họ không có điều kiện", cô Vân chia sẻ.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Thư Phú chia sẻ, nhà trường vận động, tuyên truyền với phụ huynh rằng, việc tham gia bảo hiểm y tế nếu con họ không làm sao thì đó là việc ủng hộ, hỗ trợ tới những người kém may mắn hơn. Việc chia sẻ, giúp đỡ cũng là cách làm một việc thiện.

Mặc dù việc vận động tuyên truyền cũng nhận được sự hưởng ứng từ phụ huynh nhưng tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm vẫn chỉ chiếm trên 90%, chưa đạt như mong muốn của nhà trường.

Việc tuyên truyền cũng được nhà trường tự lên kế hoạch thực hiện, thông qua các tài liệu của bảo hiểm xã hội huyện gửi về. Nhà trường thường thực hiện việc này vào đầu năm học mới. Đối với những em đã được gia đình mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, hoặc trường hợp con em của bộ đội, công an đã có thẻ, sẽ phô tô bảo hiểm để nộp cho nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, trong thực tế có trường hợp được nhà trường vận động mua bảo hiểm y tế nhưng gia đình chần chừ, mãi chưa quyết. Sau đó, khi gia đình vừa mới mua bảo hiểm y tế xong thì con bị ốm phải lên tuyến trên điều trị, lúc đó gia đình lại cuống cuồng nhờ nhà trường nhanh chóng lấy giúp thẻ bảo hiểm y tế.

"Với trường hợp trên, thường sẽ phải một tháng mới nhận được thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để gia đình đỡ được gánh nặng về kinh tế quãng thời gian điều trị cho con họ, tôi phải gọi điện cho bên bảo hiểm xã hội huyện thông báo sự việc và cũng được đơn vị này tạo điều kiện giúp đỡ", cô Vân chia sẻ.

Mạnh Đoàn