Học sinh lớp 1 sẽ đọc viết sao đây khi thời gian học chỉ còn một nửa?

13/05/2020 06:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Học sinh không biết đọc sẽ chẳng học được môn gì, đã không biết đọc mà vẫn lên lớp thì xem như con đường học vấn của những học sinh này sẽ chấm dứt sau 5 năm.

15 tuần thực học của học sinh lớp 1 đã được giảm xuống còn 8 tuần học. Những tiết học ôn tập, tiết học bổ sung đã không còn, nhiều nội dung học cũng được tinh giản.

Giờ ra chơi, giáo viên lớp 1 ở tại lớp để kèm thêm học sinh còn chậm (Ảnh Phan Tuyết)
Giờ ra chơi, giáo viên lớp 1 ở tại lớp để kèm thêm học sinh còn chậm (Ảnh Phan Tuyết)

Nếu như trước đây, mỗi buổi học, học sinh lớp 1 chỉ học 2 vần thì hiện nay trung bình mỗi buổi sẽ phải học 4 vần thậm chí 6 vần.

Tranh thủ giờ nghỉ tiết để kèm học sinh yếu (Ảnh Phan Tuyết)
Tranh thủ giờ nghỉ tiết để kèm học sinh yếu (Ảnh Phan Tuyết)

Học ngày 2 vần nhiều em đã khó nhớ thì nay áp lực tăng gấp nhiều lần.

Liên tục học vần mới nhưng lại không có thời gian ôn tập thì giáo viên dạy cứ dạy, học sinh ngu ngơ không biết gì cũng chẳng hề lạ.

Cô giáo dạy lớp 1 ở Bình Thuận cho biết, trên lớp không có thời gian ôn tập nhưng về nhà nhiều em cũng không chịu ôn bài. Nhiều phụ huynh phó thác hoàn toàn cho thầy cô ở trường thì dù giáo viên có cố gắng, nỗ lực đến đâu đôi khi cũng bó tay thôi.

Giai đoạn này, giáo viên chuẩn bị rèn cho học sinh viết chữ nhỏ, chữ hoa nhưng dạy vần chưa xong chẳng còn thời gian nào để luyện. Ngày nào cũng học âm vần mới, kiến thức này chưa nhớ, chưa được khắc sâu đã phải học tiếp những kiến thức tiếp theo.

Giáo viên bở hơi tai

Dạy lớp 1 vốn đã cực nhưng dạy lớp 1 đúng giai đoạn này thì sự vất vả phải tăng lên bội phần. Ngoài việc phải đi sớm hơn đồng nghiệp để lo quét dọn vệ sinh, các cô còn phải đón và dỗ học trò mỗi ngày.

Do thời gian nghỉ quá lâu, một số học sinh đã quen với việc chơi hơn học nên đi học lại hay khóc và không chịu học bài. Vừa dạy, vừa dỗ dành để học sinh vào nền nếp học tập như trước cũng khá phần vất vả.

Học sinh lớp 1 sẽ đọc viết sao đây khi thời gian học chỉ còn một nửa? ảnh 3
Chúng ta có đang bỏ quên học sinh lớp 1?

Vào lớp, giáo viên cặm cụi dạy từ đầu giờ đến khi hồi trống tan trường vang lên bài dạy vẫn còn chưa hết.

Do không phải học sinh nào cũng tiếp thu, lĩnh hội được lời dạy của cô, đã thế, không ít em chẳng bao giờ ôn bài ở nhà nên lên lớp giáo viên lại vất vả thêm bội phần.

Giờ ra chơi, thay vì nghỉ giải lao để chuẩn bị cho tiết học mới các giáo viên lớp 1 lại cặm cụi kèm những em học yếu, những học sinh tiếp thu bài chậm.

Giờ ra về, có cô còn phải nán lại để hướng dẫn tiếp những học sinh chưa theo kịp bài vừa dạy.

Phụ huynh không hợp tác thì giáo viên cũng thua

Do thời gian học đã bị thu hẹp, nhiều nội dung học đã bị giảm tải cho kịp thời gian. Bởi thế, sự nỗ lực của giáo viên cũng trở thành vô nghĩa khi phụ huynh không hợp tác.

Ở thành phố, phần đông phụ huynh chăm lo cho con và hợp tác với giáo viên khá tốt. Thế nhưng, ở những vùng quê không ít phụ huynh vẫn đang phó thác việc học của con cho nhà trường.

Có em học ở trường được chữ nào thì học, về nhà chẳng bao giờ ôn bài hay làm bài thầy cô cho.

Chỉ 8 tuần học nữa là kết thúc năm học nhưng những kiến thức cần truyền tải lại khá nặng, nhiều cô giáo lớp 1 lo lắng cho biết nếu không có sự chung tay từ phụ huynh thì có học xong chương trình lớp 1 năm nay vẫn sẽ có nhiều em không biết đọc.

Học sinh không biết đọc sẽ chẳng học được môn gì, đã không biết đọc mà vẫn lên lớp thì xem như con đường học vấn của những học sinh này sẽ chấm dứt sau 5 năm.

Phan Tuyết