Giai đoạn 2010-2020 được xem là giai đoạn quan trọng của giáo dục Việt Nam, trong đó tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Năm 2020 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành Giáo dục. Nhưng cũng còn nhiều trăn trở về những việc cần được triển khai mạnh mẽ và làm tốt hơn trong thời gian tới đặc biệt là ngăn ngừa bệnh thành tích.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Australia khẳng định, sính thành tích, ngụy thành tích đã trở thành căn bệnh trầm kha hàng chục năm nay vì đã ăn sâu vào tiềm thức đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý nhà trường, đặc biệt là ở bậc phổ thông.
Đánh giá về căn bệnh này, ông Nguyễn Sóng Hiền chỉ ra 2 lý do.
Thứ nhất, yếu tố chủ quan là chính sách giáo dục của chúng ta chưa thật sự đi sâu vào đời sống trường học. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đã được ban hành từ năm 2013 tới nay đã gần 10 năm, nhưng dường như hệ thống trường học chưa có nhiều biến chuyển. Vẫn cách làm cũ kỹ theo mệnh lệnh hành chính, thiếu đột phá.
Trường học chưa thực sự là đời sống của một xã hội văn minh thu nhỏ, nơi mà học sinh được tôn trọng, được lắng nghe, được chia sẻ, được theo đuổi những đam mê và sở thích của chính mình.
Phiếu đánh giá học sinh hàng tuần của một trường Trung học cơ sở ở Nghệ An (ảnh: NVCC) |
Thay vào đó trường học của chúng ta vẫn còn tồn tại như một bộ máy hành chính quan liêu và lạc hậu. Nơi gieo rắc cho học sinh những nỗi sợ hãi và ám ánh về điểm số, về áp lực chỉ tiêu thi đua, về áp lực thành tích.
Chúng trở thành công cụ để thỏa mãn cho những tham vọng của bố mẹ, của thầy cô. Nhiều lãnh đạo vẫn còn tư duy bao cấp, thiếu dân chủ và trì trệ trong việc thực thi các chính sách giáo dục.
"Mới đây tôi mới nhận được phiếu đánh giá học sinh hàng tuần của một trường Trung học cơ sở ở Nghệ An. Tôi phải giật mình với nội dung trong phiếu đánh giá đó vì nó giống phiếu đánh dành cho các phạm nhân trong trại cải tạo.
Trong phiếu đó chỉ dành 2 dòng cho nhận xét ưu điểm của học sinh. Còn lại có đến 10 mục để ghi những tồn tại và khuyết điểm học sinh. Chẳng hạn như lỗi cô nhắc nhở, lỗi đi học muộn, lỗi không mặc đồng phục, lỗi ban cán sự lớp nhắc, lỗi không làm bài tập, lỗi thiếu đồ dùng học tập,….
Tiếp sau đó là điểm học tập trong tuần, điểm thi đua và xếp thứ. Tôi không hiểu với phiếu đánh giá này thì mục tiêu mà Bám giám hiệu nhà trường này hướng tới để hình thành phẩm chất và năng lực gì ở học sinh? Hay họ muốn thể hiện quyền lực của thầy cô?
Trong khi đó, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới giáo dục và kỷ luật tích cực thì ở cấp trường tại địa phương lại đi ngược lại chủ trương của cấp trên", ông Nguyễn Sóng Hiền nhận định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn về đánh giá học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với yêu cầu đánh giá dựa trên nhiều hình thức không chỉ đơn thuần điểm số.
Tuy nhiên, hoặc do nhận thức và năng lực của đội ngũ giáo viên, và lãnh đạo các sở, phòng giáo dục và trường học yếu kém trong việc thực thi, hoặc họ có tư tưởng ngại thay đổi, hoặc có thể đánh giá theo hình thức này dễ hơn và có động cơ cá nhân trong đó, nên cách đánh giá vẫn không thay đổi theo hướng dẫn của Bộ.
Nguyên nhân thứ hai đến từ yếu tố khách quan đó là bệnh háo danh trong xã hội chúng ta. Đặc biệt các phụ huynh vẫn có quan niệm muốn con mình phải xuất sắc nhất, điểm số cao nhất, phải giỏi toàn diện.
Dù nhìn nhận ở góc độ nào thì đây là mối nguy cho nền giáo dục nước nhà khi đất nước đang chuyển mình vào vận hội mới. Nó đòi hỏi cần có một nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước.
Tuy nhiên, cá nhân chuyên gia này cho rằng nền giáo dục chúng ta hiện nay đang chậm nhịp so với đòi hỏi phát triển mới hiện nay của đất nước.